(Dulichvietnam) Tiến Sĩ Antoine Trần, Điều phối viên của Recibase – một tổ chức quốc tế về du lịch bền vững có trụ sở tại Paris, quả quyết rằng: nhà hàng Việt có mặt tại 700 thành phố du lịch trên thế giới, và “Ẩm thực Việt Nam nằm trong nhóm 10 nền văn hóa ẩm thực được thế giới yêu thích nhất”
Từ tô phở “xe lửa” đến nhận diện thương hiệu quốc gia
Bất kỳ khách Việt Nam nào đến Mỹ hay Canada lần đầu tiên, đều choáng ngợp với tô phở to gấp đôi loại thường thấy ở nhà, được Việt Kiều gọi là phở “xe lửa”. Tuy to thật, nhưng các thực khách Tây đều “khiêng” hết một tô ngon lành, thậm chí kèm thêm vài cuốn chả giò.
Phở có mặt ở tất cả các nhà hàng Việt ở nước ngoài, dù họ bán đủ món ngon khác nhau nhưng phở vẫn là món chủ đạo. Nhiều nhà hàng còn dùng từ “phở” đặt trước tên nhà hàng, như Phở Hùng ở Las Vegas, Phở Tàu Bay ở California hay Phở 99 ở Paris. Cũng không ai dịch từ “phở” này ra tiếng nước ngoài, hay viết tiếng Việt không dấu, điều này chứng tỏ từ “phở”đã được quốc tế hóa rộng rãi.
Sau phở có lẽ phải kể đến cơm tấm với miếng thịt nướng thơm lừng, ăn kèm với ít rau sống, dưa leo hay củ cải.
Canh chua ăn với cơm trắng, cá kho, cũng là món được nhiều khách khen ngợi. Thậm chí gần đây món bánh mì kẹp thịt tưởng chỉ để lót dạ đêm khuya, thì nay trở thành thức ăn nhanh khoái khẩu ở nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Ẩm thực Việt được đánh giá cao nhờ sử dụng thực phẩm tươi, ít béo lại được chế biến cân bằng theo nguyên tắc âm – Dương (món nóng nấu với gia vị mát và ngược lại).
Vì vậy, tuy không rầm rộ, nhưng ẩm thực Việt đã âm thầm xâm nhập vào nhiều nước, trong đó riêng ở Mỹ thì quán ăn của người Việt có mặt hầu như tại tất cả các đô thị lớn, nhỏ. Thậm chí nhiều nhà hàng Hoa muốn giữ được khách đã phải chuyển sang nấu món ăn Việt Nam.
Điểm quan những mặt hàng “tiến ra thế giới” của Việt Nam như gạo, cà phê hay thủy sản, nếu muốn đến được tay người tiệu dùng, thì hầu hết phải qua bao bì hay quy trình chế biến của các thương hiệu nước ngoài. Nhưng với phở, bún, chả giò hay nem nướng thì các đầu bếp đã mang được hàng Việt Nam đến tận bàn ăn của khách! Vì vậy không quá lời khi nói rằng món ăn Việt Nam là thứ hàng hóa cạnh tranh thành công nhất trong các mặt hàng xuất khẩu của chúng ta, nhất là đứng về mặt nhận diện thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
Chẳng phải ngẩu nhiên mà Giáo sư Philip Kotler – trong một thuyết trình tại TP HCM, đã khuyên Việt Nam nên định hướng là “Bếp ăn của thế giới”. Có lẽ trước khi nói được điều này, Philip Kotler cũng đã đến nhà hàng Việt nhiều lần và ông nhận thấy đây chính là lợi thế thật sự của người Việt Nam mà nhiều nước khác không có được.
Bỏ quên thế mạnh
Hàng ngày có hàng trăm ngàn thực khách vào nhà hàng Việt ở khắp nơi trên thế giới, nếu nhân với 365 ngày trong năm thì đây là một con số khổng lồ. Trong khi Nhà Nước vẫn bỏ ra hàng triệu đô la quảng bá trên các kênh truyền hình nước ngoài về điểm đến Việt Nam, thì khách vào các nhà hàng Việt lại không có gì để đọc, để xem. Hay các hãng lữ hành Việt Nam bán được rất ít khách nhập do thiếu kênh phân phối, nhưng vào nhà hàng Việt hầu như họ không có tour gì để tham khảo.
Các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam rất khó tìm thị trường xuất khẩu, nhưng hàng chục ngàn nhà hàng Việt thì lại sử dụng phần lớn thực phẩm nhập từ các nước Châu Á khác.
Hay nếu có dịp đến các nước Trung Đông thấy lao động Việt Nam làm công nhân dưới cái nóng 40oC với lương rất thấp, rồi lại nhìn lại những quán ăn Việt không tìm được người Việt phục vụ, mà thấy chạnh lòng.
Khách Việt Nam đi nước ngoài ngày càng nhiều, họ muốn được đến ăn trong các quán ăn của đồng hương, nhưng không biết địa chỉ, liệu có cơ quan thương vụ nào xúc tiến quán ăn Việt cho người Việt?
Ngoài ra thì phải kể đến các trường dạy du lịch đang rất thiếu đầu ra cho sinh viên, còn các nhà hàng Việt ở các nước rất cần được đào tạo về đầu bếp Việt, nhưng làm cách nào để kết nối họ với nhau là cả một vấn đề.
Ẩm thực Việt lên ngôi ở nước ngoài, cũng là cơ hội để các nhà quản lý du lịch hoạch định ra loại hình du lịch bền vững, với các tour đến Việt Nam để được ăn ngon, chữa bệnh, học nấu ăn hay tìm hiểu văn hóa ẩm thực ngàn đời nay của người Việt. Đây chính là một hình thức quảng bá văn hóa đơn giản, dễ đi vào lòng người.
Ẩm thực Việt không chỉ là văn hóa, mà nó đang và phải là một thế mạnh mới của Người Việt trong giao thương quốc tế.
Nhìn lượng kiều hối hơn 10 tỷ USD hàng năm, có mấy ai biết được một phần rất lớn đến từ các nhà hàng Việt khắp nơi trên thế giới. Nếu chúng ta có chiến lược rõ ràng, thì chắc chắn trong tương lai, hiệu quả do ẩm thực Việt Nam đem lại sẽ còn lớn hơn nhiều.
Phan Đình Huê