Trung bình một du khách Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga… khi đi mua sắm sẽ chi tiêu từ 400 – 1.200 USD/lần. Thế nhưng, tại các điểm đến của Việt Nam, mức chi tiêu của du khách chưa quá 300 USD/lần mua sắm.
Họ chủ yếu mua cho có chứ không phải vì hàng hóa ấn tượng, đặc sắc, thấy là muốn mua.
Trong khi lượng khách quốc tế, doanh thu dịch vụ du lịch và công suất khai thác phòng khách sạn đều tăng cao trong các tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh vẫn có đánh giá rằng, thành phố chưa tận dụng hết hiệu quả kinh tế từ du lịch. Nhất là trong việc nâng mức chi tiêu của du khách.
Ngay cả với các khách quốc tế hạng sang, đến Việt Nam du lịch theo tour du thuyền, mức chi tiêu vẫn còn khá thấp, dù hình thức du lịch này ngày càng gia tăng. Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị – Truyền thông, Công ty Du lịch lữ hành Saigontourist cho biết, tính đến ngày 10/4/2014, Công ty đã đón và phục vụ hơn 80 chuyến tàu biển quốc tế cao cấp đến Việt Nam.
Các hãng tàu biển hàng đầu thế giới như Star Cruises, Costa Crociere, Royal Caribbean Cruise Lines… đã liên tục đón khách từ nhiều quốc gia ở châu Âu (Pháp, Anh, Bồ Đào Nha…), châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…), Hoa Kỳ, Canada, Úc… cập bến tại TP. Hồ Chí Minh và từ đây đến nhiều cảng khác của Việt Nam như Đà Nẵng, Hạ Long.
Trên mỗi chuyến du thuyền này thường có từ 850-1.500 du khách và thuyền viên. Xét về khía cạnh kinh tế, du khách tàu biển thường là khách hạng sang, chịu chi tiêu, số lượng tập trung tại một điểm đến thường rất lớn. Theo bà Trà, nếu địa phương tận dụng được nguồn khách này sẽ là nguồn thu đáng kể. Và đặc điểm của du khách tàu biển không phải là khách lưu trú qua đêm, họ chỉ dừng chân từ 8-12 giờ tại một điểm đến. Đó là thời gian để tham quan, mua sắm.
Theo Saigontourist, trung bình một du khách Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga… khi đi mua sắm sẽ chi tiêu từ 400 – 1.200 USD/lần. Thế nhưng, tại các điểm đến của Việt Nam, mức chi tiêu của du khách chưa quá 300 USD/lần mua sắm. Hầu hết du khách chỉ đi tham quan, mua những mặt hàng rẻ tiền, loại nhỏ (hàng thủ công mỹ nghệ, sơn mài, gốm sứ nhỏ, tranh ảnh…).
Họ chủ yếu mua cho có chứ không phải vì hàng hóa ấn tượng, đặc sắc, thấy là muốn mua. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Dã ngoại Lửa Việt nhận định, đây chính là vấn đề của du lịch Việt Nam.
Tại TP. Hồ Chí Minh, trung tâm mua sắm du lịch lớn của cả nước, hàng hóa, quà lưu niệm đặc trưng quá nghèo nàn, thiếu sự đa dạng về chủng loại và phong phú về hình thức. Các cửa hàng lưu niệm quy mô nhỏ, không đủ sức chứa hàng trăm khách và khu mua sắm lại nằm rải rác cách xa nhau, không thuận lợi cho khách mua sắm.
Đó là chưa kể tại các chợ trung tâm của thành phố như Bến Thành, An Đông… hàng hóa bày bán rất nhiều là hàng nhái nhãn mác, chất lượng kém, giá bán không phù hợp… Những thành phố khác như Đà Nẵng, Quảng Ninh… chương trình tour đã “cũ mòn”. Ngay như tour xích lô dạo quanh thành phố dù khá đặc trưng nhưng cũng chỉ thu hút một lượng nhỏ du khách, chi tiêu dưới mức bình thường chứ không nói đến du khách hạng sang.
Theo ông Lã Quốc Khánh, nhận định rõ những hạn chế hiện nay, năm 2014 TP. Hồ Chí Minh cần đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, trong đó cần phát triển mạnh du lịch đường thủy, du lịch đường sông nội đô, các chương trình dịch vụ đạt chuẩn phục vụ du lịch; tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thông tin du lịch, tăng cường thông tin cho du khách và doanh nghiệp.
Song song với đó, các ban ngành cũng cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng theo hướng chuẩn hóa đội ngũ nhân lực du lịch; tăng cường an ninh du lịch với mục tiêu chấm dứt nạn chèo kéo, ép mua hàng hóa hay tình trạng cướp giật, xâm hại tài sản, thân thể du khách.
Xem thêm: Du lịch trong nước
Thời báo ngân hàng