Để trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của cả nước, bên cạnh điều kiện tự nhiên, khí hậu… văn hóa địa phương của đồng bào các dân tộc tại Sa Pa là một trong những nguồn lực quan trọng của du lịch địa phương.
Vào trung tuần tháng 10/2013, kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa, với cột mốc tính từ năm 1903 khi Đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương đặt chân tới vùng đất này và thị trấn vùng cao tuyệt đẹp được hình thành. Theo đó, rất nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa sẽ được tổ chức trong dịp kỷ niệm này.
Tuy nhiên, không phải cho tới đợt kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa mà trong suốt quá trình hình thành và phát triển như ngày nay, Sapa đã thực sự trở thành thương hiệu, một điểm đến hấp dẫn đối với mọi du khách trong và ngoài nước.
Một du khách Hà Lan cho biết: “Tôi đang mua một ít nấm để chuẩn bị cho bữa ăn, người dân ở đây nói họ sẽ nấu nướng cho chúng tôi ăn. Chúng tôi thực sự muốn thưởng thức một chút văn hóa ẩm thực của người dân ở đây”.
Du khách Canada chia sẻ: “Chúng tôi có 2 tuần du lịch tại Việt Nam. Khu vực Tây Bắc của các bạn thật tuyệt vời. Đặc biệt là Sa Pa, văn hóa và con người ở đây thực sự rất hấp dẫn đối với chúng tôi”.
Ngoài lợi thế về cảnh quan và khí hậu, điểm hấp dẫn nhất của du lịch Sa Pa chính là sự đa dạng về văn hóa của 6 dân tộc anh em sinh sống nơi đây. Khách du lịch khi đến với Sa Pa đều được hòa mình vào với đời sống văn hóa đã có từ hàng nghìn năm của người dân địa phương. Bên cạnh đó, du lịch văn hóa cũng là một trong những giải pháp căn bản trong công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc nơi đây.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Sa Pa, trung bình mỗi năm Sa Pa đón trên 600.000 lượt khách trong và ngoài nước. Du lịch hiện là ngành kinh tế quan trọng nhất của địa phương và đang tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn trên địa bàn. Vì vậy, không chỉ bảo vệ cảnh quan, môi trường mà việc bảo tồn sự đa dạng của văn hóa địa phương cần được ưu tiên hàng đầu để đảm bảo cho du lịch Sa Pa phát triển bền vững./.
Báo Lào Cai