Báo chí Việt Nam vừa đồng loạt, rầm rộ đưa tin tượng Phật Di Lặc ngồi trên núi Cấm cao 33 mét và tượng Phật nằm trên núi Takou dài 49 mét là “hai tượng Phật Việt Nam lập kỷ lục châu Á”.
Mới nghe, cứ tưởng chuyện đùa. Thế mà cánh báo chí cũng hý hửng, người dân hai tỉnh Bình Thuận và An Giang thì phấn khởi, tự hào. Công trình Phật giáo đạt kỷ lục châu Á, nào phải chuyện chơi.
Hơn 15 năm trước, mới tập tễnh làm hướng dẫn viên, tôi cũng từng tự hào thuyết minh “Tượng Phật nhập Niết Bàn trên núi Takou, Bình Thuận dài nhất Đông Nam Á”. Có khách hỏi lại “lấy gì chứng minh?” thì tôi bảo “Sách, báo và mấy đồng nghiệp đi trước đều bảo vậy”.
Tượng Phật nằm trên núi Takou.
Tới khi ra nước ngoài mới biết mình bị hố, nói quá, kiểu “ếch ngồi đáy giếng”. Tượng Phật Bonywa Buddha bên dòng sông Chinwin ở Myanmar, dài 90 mét. Trung Quốc có các tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát ngồi ở Quảng Đông, cao 61,9 mét.
Tượng Phật Di Lặc Leshan Giant Buddha ở Lạc Sơn, cao 71 mét. Tượng Linh Sơn Đại Phật ở Giang Tô, cao 88 mét. Tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở Hồ Nam, cao 99 mét. Tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát ở Hải Nam, cao 108 mét. Tượng Trung Nguyên Đại Phật ở Hà Nam, cao 128 mét. Tượng Phật Di Đà Ushiku Daibushu ở Nhật Bản, cao 120 mét…
Nếu bảo hai tượng Việt Nam đạt kỷ lục đặt trên núi cao cũng không ổn. Cả hai tượng chỉ ở độ cao chừng 200 mét (lưng chừng núi Cấm) và 475 mét (gần đỉnh Takou). Chưa thể sánh với vô số núi cao hơn ở châu Á, mà núi nào cũng có chùa và tượng Phật.
Tượng phật Di lặc trên núi Cấm.
Theo một cán bộ của Vietbook, thông tin về hai bức tượng này chỉ mới được trung tâm kỷ lục Guiness Việt Nam gửi hồ sơ cho trung tâm kỷ lục châu Á, vẫn chưa được xác minh và càng chưa thể gọi là kỷ lục gì.
Các danh hiệu, kể cả quốc tế cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, thiên hạ cũng chẳng mấy ai quan tâm. Chỉ tội người Việt, cả tin, lại chuộng hình thức, thích khoa trương nên mấy lần mừng hụt. Và mong các nhà báo “chỉ viết những điều mình biết chắc” cho dân nhờ.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn