Ngày 16/8, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức buổi họp báo chính thức công bố chương trình, hoạt động của “Ngày hội VHTTDL vùng đồng bào dân tộc Chăm – Ninh Thuận- năm 2012”.
Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí trong Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Tổ chức (BTC) ngày hội: Hồ Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng BCĐ; Nguyễn Văn Tấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ VHTTDL), Ủy viên BCĐ, Phó Trưởng Ban thường trực BTC; Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận, Phó Trưởng BTC; Phan Đình Tân, Phó Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL, Người phát ngôn của Bộ VHTTDL.
Theo BTC, “Ngày hội VHTTDL vùng đồng bào dân tộc Chăm – Ninh Thuận – năm 2012” có chủ đề “Văn hóa Chăm – bảo tồn, phát huy và hội nhập”, diễn ra từ 14 – 16/10/2012, có sự tham gia của các tỉnh, thành: Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, An Giang, Tây Ninh, TP.HCM và một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL. Ngoài ra, BTC cũng mời các tỉnh: Khánh Hòa, Quảng Nam và TP Đà Nẵng tham gia, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa Chăm và dự ngày hội.
Phát biểu tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ VHTTDL) Ủy viên BCĐ, Phó Trưởng Ban thường trực BTC Nguyễn Văn Tấn khẳng định: “Ngày hội VHTTDL vùng đồng bào dân tộc Chăm – Ninh Thuận- năm 2012” nhằm mục đích bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Chăm, đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế tính đa dạng, phong phú của vùng đồng bào Chăm ; qua đó tạo điều kiện để đồng bào đoàn kết, gắn bó, xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế – xã hội .
Ngày hội sẽ diễn ra tại 4 địa điểm: khu du lịch tháp Pô Klongirai và sân vận động thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu; làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Một điều hết sức thú vị là tối khai mạc ngày hội 14/10 cũng chính là đêm giao thừa Tết Katê của đồng bào Chăm. Chương trình nghệ thuật tối 14/10 sẽ tái hiện những nét văn hóa đặc sắc cũng như Tết cổ truyền của đồng bào Chăm, gồm các chương: Chương 1: “Ninh Thuận- Katê chào đón bạn bè”; chương 2 “Niềm vui ngày hội” ( tái hiện lễ hội Katê); chương 3 “Màu sắc Chăm trong sự phát triển”.
Trong thời gian diễn ra ngày hội sẽ có hàng loạt hoạt động phong phú như: biểu diễn nghệ thuật, trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Chăm; thi đấu thể thao gồm 8 môn: bóng đá nam 7 người; bóng chuyền nam; chạy việt dã; đẩy gậy; kéo co, thi đội bình nước về đích; thi dệt thổ cẩm; thi nặn sản phẩm gốm; văn hóa ẩm thực.
Bên cạnh đó còn có hội chợ “Kinh tế- Văn hóa Chăm trên đường hội nhập”; triển lãm giới thiệu “Đặc trưng văn hóa dân tộc Việt Nam” thông qua các hình ảnh, hiện vật, trang phục, nhạc cụ dân tộc và sản phẩm văn hóa các dân tộc tiêu biểu; triển lãm ảnh về cộng đồng các dân tộc Việt Nam với khoảng 150-200 ảnh; chiếu phim tư liệu giới thiệu về những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm; khu triển lãm của các tỉnh, thành: bảng trích biểu đồ, mô hình hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục dân tộc, tranh ảnh, sách, đồ trang trí thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, mô hình kiến trúc, tháp Chăm…
Và cuối cùng là hội thảo bảo tồn, phát triển văn hóa Chăm mà như “bật mí” của PGS-TS Nguyễn Chí Bền – Viện trưởng Viện Nghiên cứu VHNT VN, có sự tham gia của nhiều học giả Chăm đến từ các trường ĐH, viện nghiên cứu với khoảng 40-50 tham luận, đặc biệt sẽ công bố phát hiện âm nhạc Chăm trong nhã nhạc của Nhật Bản . “Có khoảng 2-3 tham luận của các GS Nhật Bản về nghiên cứu mới này sẽ được trình bày tại hội thảo”- ông Bền nói.
Xung quanh câu hỏi của báo chí về tổ chức tour, tuyến du lịch tới Ninh Thuận, đại diện BTC cho biết, đã phân công TCDL làm việc với các công ty du lịch để thông báo sự kiện ngày hội, giúp các doanh nghiệp du lịch chủ động xây dựng tour . Giám đốc Sở VHTTDL Phan Quốc Anh thông báo: Các khách sạn tại tỉnh Ninh Thuận đã tích cực công tác chuẩn bị đón tiếp khách với năng lực 1400 phòng. Tỉnh cũng đã tổ chức cho các khách sạn đăng ký tour với du khách Nga. Ninh Thuận coi đây là một dịp rất tốt để quảng bá du lịch.
Baodulich