Để hút khách trong thời khó khăn, du lịch Việt Nam cũng áp dụng khuyến mãi, giảm giá. Tuy nhiên, do cách làm không giống ai nên dù mất tiền mà vẫn không tăng được khách.
Mạnh ai nấy làm
Trong 10 năm qua, đợt giảm giá tour quy mô toàn quốc đầu tiên do hàng không phối hợp với nhiều khách sạn (KS) cao cấp tại một số địa phương triển khai sau khi Việt Nam (VN) khống chế được dịch SARS.
Đợt khuyến mãi này, ngoài việc Tổng cục Du lịch (TCDL) và Hiệp hội Du lịch VN không tham gia, nhiều doanh nghiệp lữ hành (DN LH) cho rằng dù khuyến mãi khá hấp dẫn song hiệu quả không cao do chỉ giới hạn trong mùa thấp điểm năm 2003 và nhiều nước gần VN vẫn còn dịch…
Tháng 1/2009, Bộ VH-TT&DL ban hành chương trình kích cầu Ấn tượng Việt Nam trên toàn quốc với trọng tâm là giảm 30 – 50% giá tour.
Ban đầu, nhiều cơ sở lưu trú 4 – 5 sao e dè hoặc từ chối tham gia do triển khai quá muộn. Trong khi đó, TCDL lại không đưa ra được dự báo thị trường khách quốc tế sẽ sụt giảm đến mức nào, giảm mạnh giá phòng thì thu được gì? LH trong nước khó đặt được vé máy bay giá khuyến mãi như hàng không cam kết…
Chương trình kích cầu VN – điểm đến của bạn 2010 triển khai còn muộn hơn (từ tháng 3), trong đó kích thích du lịch mua sắm. Đáng tiếc TCDL không nhân dịp này phát động “công nghệ” trung tâm mua sắm trả “hoa hồng” bán hàng cho LH…
Sau khi hai chương trình kích cầu 2009 – 2010 ít hiệu quả đối với khách quốc tế, nhiều DN du lịch không mấy kỳ vọng vào chương trình tương tự 2013.
Thường xuyên tham dự hội chợ du lịch quốc tế lớn tại Tây Âu và Đông Nam Á, ông Phạm Mạnh Hà – giám đốc một DN du lịch, kể, đối tác nước ngoài luôn kêu ca giá tour đến VN đắt hơn hẳn nhiều nước lân cận. Đơn cử, phòng KS 4 – 5 sao cao hơn Bangkok 20 – 30%.
Khách Việt sang Hongkong, Singapore và thủ đô Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc ăn bữa chính ngon chỉ 6,5 – 9 USD. Còn LH đưa khách Đông Nam Á tới Hà Nội, TP.HCM phải cho ăn 10 – 11 USD mới đảm bảo chất lượng. Chi phí vận chuyển nội địa cũng quá cao, LH lại phải cộng thêm phần dự trù giá cước vận chuyển, vé tham quan hay tăng bất ngờ.
Nhìn sang Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hongkong, các DN tỏ ra thán phục khi: “Họ cùng phân tích thị trường, đưa ra các mức giá rất cạnh tranh để “đọ sức” với các nước xung quanh trong thu hút khách quốc tế. Đồng thời dự báo và phản ứng rất sớm trước các đợt suy giảm khách quốc tế… Còn chúng ta thiếu người cầm trịch thuyết phục nên mạnh ai nấy làm vì lợi riêng của mình.
Đừng trông vào lữ hành và khách sạn?
Liên tục tham dự nhiều hội chợ du lịch tại châu Âu, Giám đốc Công ty Thương mại – du lịch Trọng điểm Đặng Bảo Hiếu cho biết gần đây đối tác nước ngoài không còn đánh giá điểm đến Việt Nam “nóng” và mới mẻ nữa. Do đó du lịch VN phải tính tới cạnh tranh với các quốc gia đang chú trọng thu hút khách quốc tế. Bởi trong lúc ví tiền eo hẹp, khách tất yếu lựa chọn điểm đến giá hợp lý!
Giám đốc Asiana travel Trịnh Việt Dũng nhận định, nan giải nhất của du lịch VN hiện nay không phải thiếu tiền quảng bá ra nước ngoài, mà chính là giá tour quá cao!
Thực ra, từ năm 2004, một lãnh đạo Tổng cục Du lịch đã xác định không thể trì hoãn thực hiện giảm giá tour tổng thể.
Theo ông này, cần giảm phần thu từ giá tour, qua đó thu hút khách vào đông, mua nhiều hàng hóa – dịch vụ để tăng phần thu từ xã hội. Điển hình như điểm mua sắm trả “hoa hồng” bán hàng cho LH đưa khách tới, giúp giảm giá tour giống nhiều nước lân cận đã áp dụng thành công…
Giữa tháng 9/2004, Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch chỉ đạo TCDL lấy ý kiến các bộ liên quan, lập thành đề án về giá tour trình Chính phủ xem xét. Rất tiếc, “cuộc cách mạng du lịch” (nhiều nước lân cận đã áp dụng từ lâu) đã chìm khuất vào quên lãng.
Chính vì thế, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (TCDL) Phạm Trung Lương cho rằng lúc khó khăn này là thời điểm thích hợp nhất để tập hợp các nguồn lực để giảm giá tour bền vững.
“Cần coi đích quan trọng nhất của du lịch là thu hút khách vào mua hàng hóa – dịch vụ. Qua đó tạo việc làm và đem lại nguồn thu lớn cho xã hội. Tư duy thay đổi mới có chính sách xuyên suốt hỗ trợ hàng không, KS giảm giá dịch vụ để LH bán tour giá rẻ, thu hút khách vào đông… Chứ không phải cứ thấy khách giảm mạnh mới tổ chức khuyến mãi muộn màng”, ông này phân tích.
Một chuyên gia lâu năm về kinh doanh và quản lý du lịch cho rằng, nhà nước cần nhìn rõ đầu tư vào đâu để giảm giá tour, nâng sức cạnh tranh cho điểm đến VN? Những năm gần đây chính sách chủ yếu đầu tư cho phần thu trực tiếp từ dịch vụ du lịch, trong khi lẽ ra phải phát triển nguồn thu xã hội (khách tự nguyện chi tiêu) có tiềm năng thu lớn hơn rất nhiều.
Về phía DN, ông Trần Vĩnh Lộc mong muốn cơ quan quản lý đề ra chiến lược cạnh tranh hiệu quả với các nước lân cận trong 5 – 10 năm tới, thuyết phục các bên DN cùng hợp tác. KS cần công bố trước một năm mức giá ổn định và mang tính cạnh tranh với KS tại các nước lân cận, công bố sớm các chương trình khuyến mãi.
Giám đốc điều hành Công ty LH quốc tế Nét đẹp Đông Dương, ông Vũ Hoàng Anh thông cảm với giới KS không đủ khả năng phân tích nguồn khách quốc tế sẽ diễn biến thế nào, nên không thể xây dựng giá ổn định cho năm sau.
Chính vì thế, TCDL cần công bố sớm dự báo thị trường đủ tin cậy để DN mạnh dạn thực hiện theo…
LH nước ngoài “làm tất ăn cả”
Sau nhiều năm cơ quan quản lý gần như bỏ ngỏ cho LH, nhóm cá nhân Hàn Quốc đưa khách vào VN (trái với Luật Du lịch), tình trạng này đang tái diễn với thị trường Nga. Ông Đặng Bảo Hiếu phàn nàn, LH Nga đã “đè bẹp” đồng nghiệp VN từ lâu: Tự đặt khách sạn, xe, sử dụng hướng dẫn viên (HDV) Nga; tự mở nhà hàng, trung tâm mua sắm… Thậm chí có hãng LH lớn còn thuê bao máy bay đưa khách du lịch vào với giá vé rẻ. Do đó, nhiều LH VN mất khách hoặc lợi nhuận bị giảm rất thấp.
Đứng trên góc độ lợi ích quốc gia, ông Đặng Bảo Hiếu nhận xét khách vào đông là tốt, vì cũng ăn ngủ, tiêu dùng.., tạo nhiều việc làm và thu nhập xã hội. Song dù sao, ông này vẫn lấy làm tiếc khi thấy “sân nhà” bị LH – hàng không Nga lấn át khá nhiều.
yume.vn