Từ 20 tháng chạp trở đi, chợ nổi Cái Răng và Phong Điền (TP Cần Thơ) nhộn nhịp hẳn lên. Từ 4 giờ sáng, ghe chở hàng từ Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… đổ về chật kín cả khúc sông.
> Nhộn nhịp chợ nổi Long Xuyên
> Chợ nổi Cái Răng
> Chợ nổi Ngã Năm
Quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) đắt như tôm tươi tại chợ nổi Phong Điền – Ảnh: H.T.V.
Trái cây đặc sản thì đủ loại như: khóm Cầu Đúc (Hậu Giang), dưa hấu Tam Bình (Vĩnh Long), quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang)… Bông hoa thì rực rỡ đủ màu sắc của cúc, vạn thọ, thược dược, hồng, hướng dương…
Chị Nguyễn Thị Hoa, một chủ ghe chở cúc mâm xôi từ làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), nói: “Đi đường sông chi phí rẻ hơn nên lời hơn. Vả lại bông bán ở chợ nổi là loại bình dân, người ở quê thích hơn vì phù hợp túi tiền”. Các loại đồ “lêghim” (rau củ quả) ngày cuối năm cũng khác mọi ngày. Củ hành tím (Sóc Trăng), bắp cải (An Giang), củ kiệu (Kiên Giang) bự hơn, bóng hơn nhờ được chọn lựa kỹ cho tết.
Chú Trần Văn Bé, một chủ ghe hàng ở thị trấn Bảy Ngàn (Hậu Giang), bộc bạch: “Hầu như đặc sản miền Tây ngon nhất, đẹp nhất đều được tập trung về hai chợ nổi Cái Răng và Phong Điền, để rồi nhà nhà ở quê, tận ngóc ngách xa xôi miền sông nước, ai cũng có chút hương vị của ngày tết”.
Nhưng khác biệt nhất năm nay, theo ông Bảy Thương – một chủ đò kỳ cựu, là lượng du khách nước ngoài đông nườm nượp. Họ rất thích thú được phục vụ ngay trên ghe bán đủ món ăn thức uống như một “nhà hàng nổi”. Không khí đón tết nơi miền sông nước là đặc thù mà người dân đô thị mong muốn tìm đến dịp xuân về.
Bán vé số trên sông tại chợ nổi Cái Răng – Ảnh: H.T.V.
Chuyển hàng lên đất liền – Ảnh: H.T.V.
Nhộn nhịp cảnh mua bán tại chợ nổi Phong Điền – Ảnh: H.T.V.
Du khách nước ngoài thích thú tham quan chợ nổi Cái Răng – Ảnh: H.T.V.
Bà Nguyễn Thị Phụng ở Phong Điền mua đầy ghe vạn thọ, cúc tiger về chưng những ngày tết – Ảnh: H.T.V.
Ghe điểm tâm phong phú món ăn – Ảnh: H.T.V.
Mua hàng bông của ghe lớn đến từ Cà Mau – Ảnh: H.T.V
Dương Thế Hùng/Tuổi trẻ