Ấn tượng về một số lễ hội đầu năm mới, chủ yếu là nhếch nhác, lộn xộn, bẩn thỉu và “chặt chém”.
Những hình ảnh này năm nào cũng diễn ra, dư luận lên án gay gắt, các nhà quản lý hứa sẽ chấn chỉnh, sẽ cấm song bệnh cũ vẫn tái phát.
Lộn xộn do… thiếu kinh phí?
Lễ hội đền Gióng (Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội) là một trong những lễ hội được tổ chức sớm (khai hội mùng 6 âm lịch). Lễ hội năm nay đón tiếp tới hơn nửa triệu lượt khách tới hành hương và tham quan kể từ đầu năm mới. Chính vì lẽ đó, công tác quản lý, quy hoạch các khu vực thờ tự, khu vui chơi giải trí vẫn còn vô cùng lộn xộn. Dù quy định ghi rất rõ ràng, là cấm buôn bán mọi loại mặt hàng trong khu thờ tự, song nhiều người thiếu ý thức vẫn tiếp tục chèo kéo khách mua hương, xem quẻ… Tình trạng đốt hương bừa bãi, không đúng nơi quy định cũng ngang nhiên diễn ra mà không được ngăn chặn.
Người dân xả rác bừa bãi tại lễ hội đền Gióng (Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội).
Ông Phạm Văn Hiến- Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý khu du lịch – di tích đền Sóc Sơn cho biết: “Tình trạng vô ý thức của người dân cũng như việc nhốn nháo vẫn còn tồn tại tại lễ hội là điều khó tránh khỏi. Việc giải quyết tình trạng này vẫn đang được tổ chức khắc phục triệt để. Một trong những nguyên nhân chính khiến phần hội tại đền Gióng chưa quy củ là do chưa có đủ kinh phí, điều kiện để cải tạo, quy hoạch lại”.
Không “kém cạnh” đền Gióng, lễ hội đả cầu cướp phết ở đình Đông Lai (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cũng thể hiện một bộ mặt xấu xí, người dân thưởng lãm lễ hội thì ít, mà ngán ngẩm thì nhiều.
Với quan niệm ai chạm được vào quả phết đầu năm sẽ gặp được nhiều điều may mắn, hàng nghìn thanh niên đã lao vào tranh cướp nhau quả phết với một thái độ hung hãn, thậm chí đánh nhau chỉ để mong sao chạm được vào quả phết. Mỗi lần quả phết được những thanh niên trai tráng “quần ải” đến đâu, người dân đứng xem hoảng loạn bỏ chạy đến đấy. Nhiều ruộng hoa màu của bà con nông dân bị giẫm đạp, hỏng nát, nhiều đoạn tường rào bị đạp đổ không thương tiếc. Anh Nguyễn Anh Tuấn (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) ngán ngẩm khi chứng kiến màn cướp phết tại địa phương: “Tôi thấy lễ hội cướp phết là một truyền thống quý báu cần lưu giữ, nhưng khâu tổ chức đã không đạt. Tình trạng giẫm đạp, đánh nhau, phá hoại như tại đây lúc này chỉ khiến hoen ố thêm hình ảnh truyền thống của lễ hội ý nghĩa này”.
“Chặt chém” tái diễn
Tại lễ hội chùa Hương năm nay, Ban tổ chức vẫn chưa thể giải quyết hết những “căn bệnh” gây bức xúc tồn tại nhiều năm qua. Trong đó, đáng nói nhất là tình trạng “chặt chém” mọi lúc mọi nơi. Đầu tiên phải kể đến là giá vé trông giữ xe máy, ô tô. Giá vé gửi xe máy là 20.000 đồng, ô tô loại 9 chỗ bị làm giá lên đến 50.000 đồng. Ngoài ra, đồ ăn, thức uống như các loại nước giải khát cũng thi nhau “đội giá”, giá chai trà C2 được bán 20.000 đồng/chai…
Tiếp đến là dịch vụ đi đò. Mặc dù năm nay, Ban tổ chức không tăng giá vé đò, vé tham quan thắng cảnh, nhưng khi khách đến bến đò, những chủ đò vẫn chèo kéo, mời gọi và đòi chênh số tiền của mỗi khách từ 50.000 lên 100.000 đồng/người, mặc dù theo quy định, du khách đã mua vé tham quan và vé đò của Ban tổ chức lễ hội rồi thì không phải trả bất kỳ khoản tiền dịch vụ đò nào nữa. Tất nhiên thực tế thì từ nhiều năm qua ở Hương Sơn, việc đi đò vào chùa, du khách vẫn phải thương lượng với người lái đò, nếu thấy hợp lý và ưng thì người lái đò sẽ chở. Đây là luật bất thành văn ở đây.
Việc đổi tiền lẻ cũng gây bức xúc không ít cho những khách hành hương chùa Hương, cho dù năm nay Nhà nước đã có quy định cấm việc đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch. Tuy nhiên, ngay tại đường vào đền Trình, cả chục người vẫn ngang nhiên hành nghề, trên tay cầm nhiều tập tiền có mệnh giá từ 500 đồng đến 5.000 đồng đon đả mời chào khách hành hương mua tiền lẻ để hưởng chênh lệch (10.000 đổi lấy 8.000 đồng, thậm chí là 10.000 đổi lấy 5.000 đồng)…
Chưa kể, theo quy định của Ban tổ chức lễ hội, tất cả các thuyền đò chở du khách phải có giỏ đựng rác, tránh việc khách hành hương vứt rác bừa bãi xuống suối Yến, gây ô nhiễm môi trường song phần lớn các đò không thực hiện. Và đương nhiên, dòng suối Yến thơ mộng, các bến đò, các điểm tham quan, hành hương… đã ngập tràn rác, tạo nên những cảnh tượng không lấy gì làm đẹp đẽ tại một lễ hội đông đúc và thiêng liêng bậc nhất ở Việt Nam.
Tại chợ Viềng – Phủ Dầy, từ 14 giờ chiều ngày mùng 7, một số điểm chính của lễ hội như trước cửa đền Trình, Phủ Dầy, giao thông bắt đầu ách tắc cục bộ. Và càng gần về đêm, rạng sáng ngày mùng 8, người dân đi lễ cầu may, “mua may bán đắt”…, càng đông lên. Cũng tại đây, những hiện tượng kiểu cờ bạc trá hình được xuất hiện, bên cạnh những hình ảnh những người ăn xin, khất thực vẫn xuất hiện tại các cổng đền và Phủ Dầy.
Rõ ràng trong năm 2013 và đầu năm 2014, Bộ VHTTDL đã tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến để cải thiện công tác quản lý lễ hội trên toàn quốc nhưng tình trạng này đến nay vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Với sự quá tải người dự hội trong khi lực lượng thanh tra, kiểm tra còn mỏng thì chỉ trông chờ vào ý thức của người dân mà thôi.
Xem thêm: Du lịch miền Bắc
Dân Việt