Tính từ cuối tháng 10/2011, khi hãng hàng không OrenAir (Nga) chính thức đưa vào hoạt động chuyến bay thẳng từ thành phố Krasnoyarsk đến sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), mở đầu cho sự trở lại của khách du lịch vùng Viễn Đông Nga đến với hai thành phố của Việt Nam gồm Nha Trang và Phan Thiết, đến đầu tháng 7/2012 đã có trên 52 ngàn khách du lịch Nga đã đến sân bay Cam Ranh.
Trong đó, ngoài số ít (khoảng 25%) trong số du khách này đi tiếp về phía Nam, với điểm dừng là thành phố Phan Thiết, có tới 75% du khách còn lại đã chọn Nha Trang làm điểm dừng, nơi được coi là thiên đường thùy dương cát trắng của những người Nga đến từ miền tuyết lạnh.
Đây cũng là kết quả của việc tập trung đầu tư, khai thác, phát triển mạnh du lịch biển đảo khu vực biển Nha Trang, thu hút đông đảo du khách quốc tế, đặc biệt là các tour du lịch đến từ Liên bang Nga, một kết quả khả quan mà ngay chính các nhà hoạch định du lịch Khánh Hòa khi đứng ra kết nối các địa phương trong khu vực tổ chức “hội nghị kích cầu” xúc tiến thu hút đầu tư, đón khách du lịch (tổ chức năm 2010) dẫu rất kỳ vọng, vẫn phải bất ngờ.
Thông tin từ Sở VHTTDL Khánh Hòa, năm 2012, Khánh Hòa đặt mục tiêu đón khoảng 2,35 triệu lượt khách, trong đó có 500.000 lượt khách quốc tế; doanh thu toàn ngành đạt 2.500 tỷđồng. Tuy nhiên, mới chỉ trong khoảng 6 tháng đầu năm 2012, Khánh Hòa đã đón 1,122 triệu lượt khách du lịch (tăng 8,14% so với cùng kỳ), trong đó có 266 nghìn lượt khách quốc tế (tăng gần 36%); tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.240 tỷđồng, tăng 15,6%… Và điều đặc biệt, trong tổng số những du khách nước ngoài đến Nha Trang đó, lượng khách Nga vẫn dẫn đầu thị trường khách quốc tế của Khánh Hòa với khoảng 35.000 lượt. Trong đó, riêng tháng 6.2012, đã có hơn 2.500 lượt khách Nga tới Nha Trang.
Theo ông Trần Đức Thuận, một chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức đón, cung ứng dịch vụ tour cho khách Nga ở Nha Trang cho biết: Tuy vẫn còn phải tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng các dịch vụ đón tour khách Nga, nhưng với thực tế tổ chức đón đưa các du khách Nga như hiện nay, cho thấy trong tương lai, lượng Khách Nga sẽ tăng lên rất nhiều.
Hiện tại, mỗi tuần, hãng lữhành Pegas Turistik tổ chức đưa khách từ 9 thành phố tại vùng Viễn Đông Nga, như: Khabarovsk, Vladivostok, Novosibirsk, Kemerovo… với tần suất 7 chuyến /tuần hiện nay sẽ tăng lên đến 11 chuyến/tuần khi Nga bắt đầu nghỉ đông kéo dài từ tháng 9 đến hết tháng 12 trong năm.
Đặc biệt, việc gia tăng lượng khách Nga đồng nghĩa với việc tăng cả về chất lượng, doanh thu mỗi khi du khách Nga luôn được xác nhận là du khách có thời gian lưu trú cao nhất trong “nguồn” du khách quốc tế (bình quân từ mỗi người có từ 11 đến 22 ngày đêm/ tour). Đây cũng là những du khách lập kỷlục cao về… tiêu tiền cho các dịch vụ du lịch.
Nhiều nhà hàng ở Nha Trang đã trưng bảng hiệu bằng tiếng Nga
Theo khảo sát tại một số khách sạn tại Nha Trang như Michelia, Sunrise, Yasaka Sài Gòn,… lượng khách Nga đăng kí lưu trú chiếm số đông.
Tại Yasaka Sài Gòn, 40% du khách lưu trú ở khách sạn này là khách Nga. Một nữhướng dẫn viên người Nga cho biết: Thời tiết và cảnh biển an lành, tươi đẹp ở Nha Trang và các điểm đến tại Nha Trang như Đầm Nha Phu, Hòn Mun, Hòn Nhị, Tháp bà Ponaga… đã và đang được du khách Nga đánh giá rất cao.
Còn ông Nikolai Udovichenko, một du khách Nga chia sẻ: “Ngoài yếu tố thuận lợi về sự ấm áp, an lành của một thành phố biển, tình hình an ninh rất tốt, giá tour du lịch và cả giá dịch vụ, hàng hóa ở Nha Trang đều ở mức dễ chịu.
Trong đó hệ thống khách sạn, nhà hàng tại Nha Trang có chất lượng dịch vụ tốt, rất thân thiện đã tạo ra lực hấp dẫn cho sự lựa chọn của du khách”.
Một điều đáng mừng là nhiều nhà tổ chức tour Việt Nam trong nhiều năm “gắn” vào các tour khách Nga tại Nha Trang đã nhận ra rất nhiều du khách Nga quen thuộc khi lần lượt họ trở lại với những tour tiếp theo như một dấu hiệu cho thấy: Nha Trang đã và đang luôn là điểm chọn của du khách Nga.
Tuy nhiên, làn sóng du khách Nga đang ngày một tăng cao tại Nha Trang cũng cho thấy những nhược điểm cần khắc phục của ngành du lịch Khánh Hòa. Tại Nha Trang, tiếng Nga đang gần như được sử dụng như “ngôn ngữthứ 2” sau tiếng Việt và tiếng Anh…
Song với nhu cầu hướng dẫn viên du lịch tiếng Nga lại đang là vấn đề cần tháo gỡ khi luôn trong tình trạng thừa mà thiếu. Trong đó, với quy định, các hướng dẫn viên phải tốt nghiệp đại học tiếng chuyên ngành Nga, trong khi hầu hết các hướng dẫn viên địa phương hiện có tuy rất giỏi tiếng Nga và cả những nghiệp vụ du lịch nhưng do mới chỉ có bằng… cao đẳng nên không thể được cấp phép hành nghề.
Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ chưa tốt cũng đang là những lực cản không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch nói chung, và khách Nga nói riêng./.
Báo Văn Hóa