Năm du lịch quốc gia 2012 dành cho các tỉnh, thành phố duyên hải miền trung đã bắt đầu. Nhưng trong thực tế, không ít vấn đề phát triển chưa có chiều sâu, thậm chí còn để ngỏ. Làm gì để thúc đẩy du lịch khu vực này phát triển tương xứng tiềm năng là vấn đề nan giải.
Khai thác chưa tương xứng tiềm năng
Các tỉnh duyên hải miền trung từ Thanh Hóa đến Ðà Nẵng, vừa có núi, vừa có biển và đều nằm ở vị trí thuận lợi trong các đầu mối giao thương quốc tế, với khoảng 1.200 km đường biên giới với nước Lào, bao gồm hệ thống các cửa khẩu quốc tế, tiêu biểu là Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị) đang gắn với Hành lang kinh tế Ðông Tây. Thế mạnh chung của các tỉnh duyên hải miền trung (DHMT) là nguồn tài nguyên du lịch khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đất, rừng, di sản văn hóa lịch sử… Tuy tiềm năng đa dạng, phong phú, hấp dẫn là vậy, nhưng do lâu nay giữa các tỉnh, thành phố DHMT này chưa có liên kết có chiều sâu; mới chú trọng khai thác trước mắt hơn là phát triển và đầu tư sản phẩm du lịch nên chưa chuyển tải được đầy đủ đặc trưng văn hóa – du lịch khu vực DHMT. Theo Vụ trưởng Vụ Lữ hành – Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Quý Phương: "Lượng khách du lịch đến với khu vực các tỉnh DHMT trong thời gian qua chiếm khoảng 25-30% so cả nước, nhưng doanh thu từ du lịch chỉ chiếm khoảng 5%. Bên cạnh đó, những nhà quản lý và doanh nghiệp có chuyên môn cao ở khu vực DHMT còn thiếu". Những con số này đã phản ánh thực trạng hoạt động du lịch trong vùng vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng. Những yếu kém của du lịch các tỉnh DHMT đều xoay quanh việc phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá, nhất là cơ sở vật chất chưa đồng bộ, thiếu tính chuyên nghiệp…
Văn hóa của các tỉnh DHMT là những tài sản vô giá in đậm dấu tích về lịch sử về con người và vùng đất nơi đây. Tuy nhiên, để giá trị văn hóa trở thành sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch cần phải tổ chức quy hoạch, trùng tu, thiết kế, quảng bá. Ðiều này đang thiếu ở các tỉnh DHMT khi chỉ tập trung khai thác các tua du lịch đã định sẵn, hoặc chồng chéo lên nhau và mới dừng lại ở mức độ khai thác những thứ có sẵn, chưa phát triển hết tiềm năng du lịch. Chưa có sự liên kết, hợp tác bền chặt trong hoạt động du lịch của các tổ chức, các công ty du lịch, lữ hành ở miền trung. Từ thực tế đó, nảy sinh vấn đề cạnh tranh du lịch không lành mạnh, thiếu tính thống nhất, liên kết chắp vá hoặc chưa có chiều sâu giữa các địa phương. Phương thức hoạt động "mạnh ai nấy làm" đã tạo nên một số hệ lụy xấu, ảnh hưởng đến toàn bộ tiến trình xúc tiến du lịch mang tính vùng-miền.
Một điểm yếu của du lịch các tỉnh DHMT là không có một "nhạc trưởng" để đứng mũi chịu sào và làm công tác kích cầu, kết nối. Việc quảng bá du lịch trong toàn vùng không có một chủ đề, chủ điểm, hình ảnh thống nhất. Mỗi địa phương lại hoạt động riêng lẻ với nguồn lực hạn chế, kinh nghiệm và phương thức truyền tải chưa hấp dẫn. Lâu nay, việc liên kết giữa các địa phương thực ra chỉ là liên kết trong việc tổ chức sự kiện, chứ chưa thật sự liên kết để cùng phát triển sản phẩm du lịch. Việc quy hoạch du lịch ồ ạt lúc đầu rồi sau đó giẫm chân tại chỗ đã khiến chất lượng dịch vụ kém đồng bộ, giảm sức hấp dẫn của sản phẩm và thương hiệu du lịch. Các địa phương tập trung quá nhiều cho hệ thống dịch vụ lưu trú như khách sạn, resort-sân gôn nhưng lại thiếu quy hoạch chung nên rất manh mún, lãng phí tài nguyên đất tại những khu vực bãi biển đẹp nhất miền trung. Bộc lộ mâu thuẫn rất rõ khi lượng khách của vùng chiếm 30%, nhưng lượng cơ sở lưu trú chỉ chiếm 10%, đó là chưa kể đến số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch tại đây chỉ bằng 35% so bình quân cả nước. Ngay như một trung tâm du lịch như Ðà Nẵng cũng vậy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðà Nẵng Ngô Quang Vinh cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế: "Hiện tại hệ thống du lịch ở Ðà Nẵng có hiệu quả chưa cao, chưa xứng tầm; khách quốc tế còn rất ít, thời gian lưu trú ngắn và chi tiêu ít, bình quân một du khách chỉ tiêu khoảng 700 nghìn đồng/ngày. Chất lượng dịch vụ du lịch Ðà Nẵng còn kém; vẫn tồn tại nạn chèo kéo du khách, trong khi đó đội ngũ nhân viên ngành du lịch còn thiếu và yếu".
Từ thực tế nêu trên có thể thấy để phát triển du lịch các tỉnh DHMT cần liên kết theo hướng đầu tư đồng bộ, có chiều sâu, đồng thời phải đặt lợi ích vùng trong mối quan hệ hài hòa với lợi ích từng địa phương.
Hướng phát triển bền vững và hiệu quả
Theo Chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, có năm điểm đến của du lịch các tỉnh DHMT sẽ được xây dựng để hình thành khu du lịch quốc gia là: Sầm Sơn, Kim Liên, Thiên Cầm, Phong Nha – Kẻ Bàng, Lăng Cô – Cảnh Dương. Các tỉnh cần phối hợp lập quy hoạch, xác định Dự án đầu tư trọng điểm và Chương trình hành động xây dựng các "Ðiểm đến", có sự hỗ trợ và minh bạch, công khai về quy hoạch, kinh phí xây dựng, để sớm hình thành các điểm đến du lịch có chất lượng, tránh phát triển tự phát, chạy theo hình thức. Nên hình thành chuỗi bãi biển phù hợp, phục vụ các loại du khách từ bình dân đến cao cấp; phối hợp khai thác và tổ chức loại hình du lịch lịch sử chiến tranh cách mạng, hoài niệm chiến trường xưa. Việc tuyên truyền, quảng bá cho du lịch địa phương phải nhấn mạnh bản sắc, tạo ra sự tương tác với du lịch toàn vùng và phải làm bài bản, có chiều sâu, từng bước mở rộng. Du lịch khu vực DHMT cần có một bộ máy xúc tiến du lịch đủ mạnh, đầu tư kinh phí, phương tiện thỏa đáng; có định hướng chiến lược quảng bá cụ thể rõ ràng. Chú trọng mở rộng phát triển chương trình với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành của các địa phương lân cận thuộc các tỉnh duyên hải trong vùng và đến các tỉnh, thành phố có nhu cầu.
Nhìn chung các tỉnh DHMT đều nhận thức rõ tầm quan trọng trong thúc đẩy du lịch phát triển. Kinh nghiệm làm du lịch của Ðà Nẵng là một thực tế chỉ ra hướng đi mới. Ðó là trong việc xây dựng thương hiệu du lịch kết nối với vùng DHMT phải có "cánh chim đầu đàn" và mỗi địa phương phải biết tận dụng thời cơ để quảng bá hình ảnh bằng bản sắc văn hóa riêng, có điểm nhấn riêng. Ðà Nẵng đang tích lũy kinh nghiệm từ công tác làm du lịch của Thừa Thiên-Huế và Quảng Bình; sẽ phát triển du lịch theo hướng du lịch sự kiện, du lịch kết hợp hội nghị-hội thảo (MICE). Từ năm 2008 đến nay, Ðà Nẵng đã đăng cai và tổ chức thành công sự kiện cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế, đã từng bước xây dựng được thương hiệu thu hút khách du lịch đến với Ðà Nẵng bên cạnh việc hình thành nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn khác. Ðà Nẵng cũng là địa phương rất chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm du lịch chuyên nghiệp, bài bản, vừa tận dụng được lợi thế các cơ sở đào tạo của ngành đứng chân trên địa bàn, vừa chủ động trong chính sách đào tạo, bởi vậy nguồn lao động du lịch của Ðà Nẵng cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Ðà Nẵng cũng được xem là một trong những địa phương có được ưu thế về hạ tầng, cơ sở vật chất và vị trí trung tâm của đất nước để xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, sang trọng, đáp ứng nhu cầu khách MICE và nghỉ dưỡng cao cấp.
Việc liên kết đồng bộ để phát triển du lịch các tỉnh DHMT không phải chỉ là việc kết nối các sự kiện, mà phải dựa trên những quy tắc nhất định. Lấy lợi thế và bản sắc của địa phương này để vực dậy điểm yếu của địa phương kia, sẽ từng bước mang lại sự phát triển đi lên đồng bộ, hài hòa. Hiện tại, liên kết phát triển du lịch của các tỉnh DHMT vẫn chỉ theo kiểu tận thu những lợi thế sẵn có và còn mang tính thời vụ và phi vụ. Ðể khắc phục những hạn chế này, các tỉnh, thành phố trong khu vực cần đứng ra làm "bà đỡ" về cơ chế liên kết cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch. Khi có UBND các tỉnh, thành phố trong vùng kết nối, bảo lãnh, thúc đẩy, thì các ngân hàng thương mại lớn mới có thể cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư, phát triển du lịch. Các doanh nghiệp hoạt động du lịch hiện nay trên địa bàn DHMT tuy nhiều, nhưng chưa mạnh, kể cả về nguồn lực kinh tế, nhân lực và tầm ảnh hưởng. Do vậy, ngành du lịch các địa phương nên làm cầu nối liên kết thật bài bản để giúp họ liên kết, liên doanh, thậm chí là sáp nhập lại hoạt động cùng một lĩnh vực. Từ đó, giúp họ xây dựng các cơ chế liên kết mới, có trách nhiệm, bảo đảm lợi ích và hiệu quả kinh tế.
Về mặt Nhà nước, đề nghị Chính phủ dành một số Chương trình phát triển kinh tế ưu đãi, với trọng điểm đầu tư mạnh vào lĩnh vực du lịch cho miền trung. Bởi, du lịch miền trung phát triển nhanh, ổn định, bền vững thì hiệu quả không chỉ dừng lại ở kinh tế, mà còn là một trong những nền tảng bảo đảm an sinh – xã hội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nên làm việc cụ thể hơn với các địa phương này, để xây dựng thật cụ thể các chương trình mục tiêu phát triển du lịch dài hạn, có bản sắc riêng cho mỗi địa phương, dù có chung thương hiệu vùng. Nhằm bổ sung, nâng cao nguồn nhân lực ở lĩnh vực du lịch, đã đến lúc cần đầu tư mạnh hơn cho Trường cao đẳng Nghề Du lịch tại Ðà Nẵng và có thể nâng Trường cao đẳng Du lịch Huế lên bậc đại học…
Ðiều quan trọng là phải xây dựng được thương hiệu du lịch vùng và thương hiệu mạnh của từng địa phương. Hai loại hình thương hiệu du lịch này phải bổ sung và kết nối trong tất cả các hoạt động du lịch. Chỉ có như vậy mới tạo được tính chuyên nghiệp, hoạt động du lịch có đẳng cấp. Ðây cũng là cơ sở để phân công nhiệm vụ, tùy thuộc vào hiệu quả kinh tế nội vùng và cũng là cơ sở để xây dựng nền tảng cho phép quảng bá du lịch lâu dài, hiệu quả. Liên kết cùng phát triển để bảo đảm tăng trưởng bền vững mang lại hiệu quả xã hội tốt đẹp đang là xu thế nền tảng, xích lại gần nhau hơn giữa các tỉnh, thành phố khu vực. Gạt bỏ tính cục bộ để chủ động liên kết, hợp tác thật sự hiệu quả đang là thách thức và cũng là cơ hội đặt ra cấp thiết trước ngành du lịch – dịch vụ tại khu vực này hiện nay./.
Nguồn: Báo Nhân Dân