Du khách xuất – nhập cảnh qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) – Ảnh: Trọng Đức
(DL) – LTS : Ngày 18/8, tại thành phố Hà Tĩnh, Bộ VHTTDL, TCDL và UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo Phát triển du lịch biên giới Việt – Lào. Đây là Hội thảo có tầm quan trọng trong phát triển du lịch nói riêng và phát triển KT-XH nói chung của hai nước Việt Nam và Lào. Hội thảo với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và chuyên gia hàng đầu của ngành Du lịch hai nước Việt Nam và Lào. Nhân dịp này, Báo Du lịch xin giới thiệu một số vấn đề về lợi thế, hạn chế và tầm quan trọng của việc phát triển du lịch biên giới Việt Lào.
Du khách xuất – nhập cảnh qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) – Ảnh: Trọng Đức
Phát triển du lịch biên giới Việt – Lào có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội
Du lịch khu vực biên giới Việt Nam-Lào là cầu nối bằng đường bộ với các nước ASEAN và thế giới. Thời gian qua đã có lượng lớn khách đến các tỉnh biên giới du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và làm thay đổi diện mạo, tạo nên nhiều việc làm, đóng góp tích cực xóa đói giảm nghèo cho đồng bào biên giới và góp phần củng cố quốc phòng, an ninh.
Hợp tác phát triển du lịch biên giới Việt-Lào sẽ phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch các tỉnh dọc biên giới, khai thác tốt hệ thống di sản, du lịch biển, sinh thái, mua sắm… đáp ứng thị trường khách du lịch Lào, Đông Bắc Thái Lan, khu vực GMS và ASEAN thông qua hành lang Đông-Tây (EWEC). Bên cạnh đó sẽ mở rộng phạm vi điểm đến trên toàn lãnh thổ Việt Nam, mở ra sản phẩm du lịch biên giới khá hấp dẫn với du khách trong ngoài nước và cơ hội cạnh tranh, thu hút khách du lịch đến khu vực GMS, biên giới Việt-Lào.
Phát triển du lịch biên giới Việt Lào sẽ góp phần tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho các tỉnh biên giới nói chung và cho khu vực dọc biên giới nói riêng, đó là tăng được nguồn thu từ du lịch, tăng GDP trong cơ cấu kinh tế khu vực và cả nước.
Phát triển du lịch biên giới sẽ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất cho cộng đồng dân cư và công tác xóa đói giảm nghèo đó là thu hút lực lượng lao động trực tiếp, lôi kéo theo lao động gián tiếp thông qua những ngành nghề phục vụ du lịch như đưa đón khách, sản xuất hàng thủ công, dịch vụ ăn uống… góp phần làm tăng thu nhập cho người dân… Điều này hết sức có ý nghĩa đối với cộng đồng các dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa, núi cao, biên giới, là một trong những mục tiêu đang được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm.
Hoạt động kinh tế – thương mại Việt – Lào ngày càng phát triển
Phát triển du lịch biên giới đồng nghĩa với việc tăng cường cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật cho xã hội… Đó là việc xây dựng hệ thống giao thông, cung cấp điện, nước sạch, các công trình du lịch, khu vui chơi giải trí, công viên tổng hợp, khách sạn, nhà hàng…, làm cho cơ sở vật chất vùng biên giới ngày càng phong phú góp, tăng cường diện mạo, đẩy nhanh tiến độ đưa biên giới phát triển kịp và vượt vùng đồng bằng. Phát triển du lịch còn nâng cao dân trí và nhận thức cho người dân trong vùng, nhờ sự mở rộng giao tiếp của người dân với khách du lịch. Phát triển du lịch biên giới sẽ góp phần gìn giữ và làm tăng các giá trị cảnh quan, các di tích, các giá trị văn hóa bản địa khu vực biên giới hai quốc gia, các giá trị về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc ít người khu vực biên giới sẽ được quảng bá rộng rãi trong nước và quốc tế. Phát triển du lịch biên giới Việt -Lào có ý nghĩa đặc biệt là góp phần củng cố và giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội dọc biên giới để tiến tới xây dựng đường biên giới Việt-Lào hòa bình, hữu nghị và phát triển. Bên cạnh đó, phát triển du lịch tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, mở rộng khả năng tiếp cận, nâng cao dân trí, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc khu vực biên giới,… là những nguyên nhân góp phần làm ổn định khu vực biên giới Việt-Lào.
Thực tế Du lịch biên giới Việt Nam – Lào và những tồn tại
Khách du lịch Lào sang Việt Nam, qua cửa khẩu biên giới tăng từ gần 20 nghìn lượt năm 2006 lên xấp xỉ 25 nghìn lượt năm 2011. Khách du lịch Việt Nam sang Lào qua biên giới năm 2006 đạt hơn 114,3 nghìn lượt đến năm 2011 đạt hơn 280 nghìn lượt. Các chương trình du lịch ngày càng phong phú và đa dạng, các doanh nghiệp du lịch đã xây dựng các tour, tuyến du lịch không chỉ dọc tuyến biên giới mà còn vào sâu trong nội địa hai nước và thậm chí kết nối sang Thái Lan, Campuchia… (như tour Viêng Chăn – Noọng Khai – Uđon Thani qua cửa khẩu Cầu Treo; tour Savanakhet – Viêng Chăn qua cửa khẩu Lao Bảo, Cầu Treo; tour Thà Khẹt – Viêng Chăn – Luông Pha Băng – Xiêng Khoảng qua cửa khẩu Lao Bảo, Cầu Treo; tour Viêng Chăn – Noọng Khai – Uđon Thani…
Hệ thống sản phẩm du lịch ngày càng hấp dẫn, đa dạng hơn, ngoài hệ thống sản phẩm gắn với tài nguyên sinh thái khu vực biên giới, đã mở rộng khai thác các điểm du lịch, sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng biển ở các tỉnh miền Trung, du lịch đến các vùng di sản, du lịch quá cảnh và mua sắm…, về phía bạn Lào có các sản phẩm đặc trưng như: thăm cảnh quan thiên nhiên, di tích, bảo tàng, cộng đồng địa phương, nghề thủ công, ẩm thực…và hệ thống giao thông đường bộ được nâng cấp đã góp phần để phát triển du lịch biên giới Việt – Lào.
Tuy nhiên, cả hai bên cần khắc phục tình trạng thuộc cơ chế chính sách hiện nay chưa thuận lợi, như thu phí xuất nhập cảnh nhiều lần tại tất cả các cửa khẩu đối với khách du lịch đường bộ đã khiến cho giá tour phải đẩy cao lên, gây khó khăn cho du lịch đường bộ khu vực này (phía Lào). Hệ thống dịch vụ Việt-Lào chưa tương xứng với nhu cầu như khách sạn, đặc biệt là khách sạn 3 sao, các dịch vụ về đêm, đội ngũ hướng dẫn viên…, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự hấp dẫn và ổn định cho tuyến du lịch này.
Giải pháp liên kết phát triển du lịch biên giới Việt – Lào là cần thiết
Thực tế trong nhiều năm qua du lịch biên giới Việt – Lào đã có những dấu ấn nhất định, tuy nhiên để hoạt động du lịch khu vực này thật sự có hiệu quả, đòi hỏi cả hai phía phải nỗ lực khắc phục tình trạng về: Hệ thống giao thông, vật chất kỹ thuật ngành Du lịch như nhà hàng, khách sạn, trạm dừng chân, trạm tiếp xăng dầu, hệ thống đường dẫn đến các điểm du lịch phải được đầu tư đồng bộ, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó là việc tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, phong phú, mang tính đặc thù và khác biệt của từng vùng, từng địa phương. Và các giải pháp hợp tác phát triển du lịch biên giới hai nước toàn diện, sâu rộng và thiết thực hơn, đó là việc liên kết phát triển du lịch hai quốc gia trên cơ sở một số liên kết sau:
* Liên kết xây dựng chính sách
Xây dựng một “Visa Đông Dương” và rộng hơn là một “Visa ASEAN”. Đây có lẽ sẽ là điểm mấu chốt cơ bản để tạo điều kiện cho khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch của nước thứ 3 ngoài ASEAN có thể đi lại thuận lợi qua biên giới Lào-Việt Nam nói riêng và Lào với các nước trong khu vực ASEAN nói chung.
* Liên kết phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
Liên kết Lào, Việt Nam trong phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đặc biệt là các trục đường nối với các cửa khẩu quan trọng. Hợp tác xây dựng khách sạn, nhà hàng, dịch vụ sửa chữa, cung cấp xăng dầu, hệ thống chợ đường biên…
* Liên kết hoạt động lữ hành
Lồng ghép các chương trình du lịch hiện có của 2 nước để trở thành những chương trình du lịch chung ở khu vực, trên cơ sở tôn trọng định hướng du lịch quốc gia của mỗi nước. Khai thác có hiệu quả nhất những đặc điểm đặc sắc các giá trị tài nguyên du lịch ở mỗi nước. Chú trọng khai thác sự khác biệt về giá trị văn hóa giữa 2 nước ở khu vực biên giới để làm tăng tính hấp dẫn trong một chương trình du lịch. Và phải mở rộng đến các trung tâm du lịch quốc gia như Viêng Chăn (Lào), Hà Nội, TP. HCM (Việt Nam) để tăng khả năng thu hút khách, cũng như sự nhất quán về việc phương tiện vận chuyển đón khách và lưu hành trên lãnh thổ của nhau; giảm và tiến tới bỏ hẳn các loại phí cửa khẩu; tiến hành một quy trình xuất nhập cảnh đơn giản, nhanh chóng cho các đoàn khách du lịch….
* Liên kết hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch
Trên cơ sở việc xây dựng các chương trình du lịch chung, sẽ tiến hành hoạt động xúc tiến quảng bá chung, theo đó trong họat động xúc tiến quảng bá của mỗi nước sẽ lồng ghép hoạt động xúc tiến hình ảnh du lịch biên giới Lào – Việt Nam với các sản phẩm du lịch liên kết cụ thể. Các hoạt động này không chỉ được thực hiện ở các hội chợ du lịch quốc tế, các Road show, các sự kiện quốc tế mà còn được tiến hành ở mỗi nước nhằm thu hút khách du lịch của Lào và Việt Nam đi lại du lịch ở mỗi nước, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng thị phần Du lịch quốc tế này ở mỗi nước.
* Liên kết đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch
Điều này cần có sự liên kết giữa 2 nước trong đào tạo/tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hải quan và công an cửa khẩu với những kỹ năng như:
– Kỹ năng giao tiếp với khách du lịch.
– Kỹ năng nghiệp vụ hải quan và an ninh.- Nâng cao khả năng ngoại ngữ.
* Liên kết để phát triển bền vững du lịch biên giới Việt – Lào.
Hệ thống tài nguyên du lịch khu vực biên giới là tài sản chung của hai quốc gia vì vậy để phát triển du lịch bền vững cần có sự phối hợp liên kết quản lý khai thác tài nguyên. Yêu cầu đặt ra là tài nguyên du lịch cần được sử dụng một cách hợp lý và có hiệu quả. Để thực hiện tốt giải pháp này hai bên cần phối hợp thực hiện quy hoạch để xác định giới hạn, phạm vi và khả năng khai thác phát triển du lịch và phát triển kinh tế xã hội sao cho bền vững về môi trường, tăng cường quốc phòng, an ninh và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Việt Nam có 2.130km đường biên giới với CHDCND Lào, gồm có các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Kon Tum với tổng diện tích tự nhiên 154.374km2, dân số hơn 26.150.000 người. Tương ứng như vậy, phía CHDCND Lào cũng gồm các tỉnh Phông Xa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Li Khăm Xay, Khăm Muộn, Xa Van Na Khẹt, Xa La Van, Xê Kông, ATa Pư với tổng diện tích tự nhiên 149.807km2, dân số khoảng 2.900.000 người. Dọc theo biên giới Việt – Lào có nhiều cửa khẩu quan trọng không chỉ đối với hai nước mà còn đối với cả khu vực Đông Nam Á và nhiều địa danh du lịch như Điện Biên Phủ (Điện Biên), Mộc Châu (Sơn La), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh) Huế, Đà Nẵng. Đặc biệt là các di sản thế giới như Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), Cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam)… và phía bạn Lào như Tháp Chỏm Xỉ, Chùa Vi Xun, di tích Vạt Xiêng Thoong, Hoàng Cung cũ (Luongphabang Palace), động Pak Ou (Luông Pha Băng); Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng); di tích các trụ đá (Hủa Phăn)…
baodulich.net