Nhiều bảo tàng ở TP. Hồ Chí Minh đang rơi vào tình trạng vắng khách nghiêm trọng. Không ít bảo tàng trở thành nơi cung cấp dịch vụ tổ chức tiệc cưới.
Bảo tàng thành trung tâm tiệc cưới
Mặc dù du khách được phép tham quan miễn phí nhưng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (số 202, đường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM) lại ở trong tình trạng “ế hàng”. Toàn bộ 3 tầng lầu của bảo tàng được dùng để trưng bày các hình ảnh, hiện vật nhưng không có nhân viên thuyết minh hay bảo vệ. Nhiều bóng đèn đã hỏng, không gian bốc mùi ẩm mốc.
Để tạo nguồn thu duy trì hoạt động cho những bảo tàng “ế khách” này, nhiều dịch vụ đã ra đời. Trong số đó, có những dịch vụ không liên quan đến bảo tàng cũng mon men bám đất ở đây. Ngay lối vào của bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là cổng hoa tân hôn. Toàn bộ tầng trệt của bảo tàng này đã được nhà hàng tiệc cưới K.T thuê lại.
Cổng hoa nằm ngay sảnh chính Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ. Đi bảo tàng hay đi đám cưới?
Cùng số phận với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là Bảo tàng chiến dịch Hồ Chí Minh (số 2, đường Lê Duẩn, Quận 1). Một người xe ôm gần đó cho biết: “Bảo tàng này hiếm khi có khách tham quan vì hiện vật còn khá nghèo nàn. Nếu không chú ý những vỏ máy bay được đặt sau cổng rào nhiều người sẽ chỉ nghĩ đây là một cơ quan hành chính bình thường nào đấy”.
Trong khuôn bảo tàng này mọc lên đến 3 trung tâm tiệc cưới càng khiến mọi người khó nhận ra đây là một bảo tàng.
Bên trong khuôn viên Bảo tàng chiến dịch Hồ Chí Minh, cạnh tượng đài là dịch vụ tiệc cưới
Ba vị khách du lịch khi bước vào cổng bảo tàng đã rất bối rối, nghĩ mình đã vào nhầm tiệc cưới.
Trung tâm tiệc cưới H.L đăng bảng hiệu lớn
Bảo tàng “đa dịch vụ”
Không vắng khách như hai bảo tàng trên nhưng Bảo tàng lịch sử Việt Nam – TP.Hồ Chí Minh (số 2, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1) cũng cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau. Hai gian hàng đá quý và thủ công mỹ nghệ án ngữ ngay cổng chính bảo tàng làm nhiều du khách không khỏi lầm tưởng đây là một phòng trưng bày cỡ lớn.
Vé vào cổng của bảo tàng là 2.000 đồng/lượt (đối với khách nội địa), 2 đôla (với du khách nước ngoài và được tặng kèm brochure – tờ bướm). Tuy nhiên, để có được brochure thì khách nội địa phải mua vé bằng với khách nước ngoài. Bước vào khuôn viên bảo tàng là quán cà phê M.C. Theo lời người dân xung quanh thì giá các thức uống ở đây khá đắt đỏ. Có thể nói số quầy lưu niệm còn nhiều hơn các gian trưng bày hiện vật. Đặc biệt, ngay trong bảo tàng lại có một shop thời trang. Nếu du khách muốn chụp ảnh thì phải mua vé với giá 32.000 đồng.
Chị Tố Như – học viên chuyên ngành lịch sử bức xúc: “Bảo tàng gì mà bán đủ thứ. Đi bảo tàng này mình cứ tưởng là đi vào trung tâm thương mại”.
Bảng hiệu quảng cáo trưng bày ngay dưới tên bảo tàng
Shop thời trang trong khuôn viên bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Nguyên nhân vắng khách là do là các hình ảnh, tư liệu, hiện vật ở đây còn quá đơn điệu cũng như cách trưng bày giới thiệu vẫn chưa hấp dẫn được du khách. Và các dịch vụ ăn theo ngay trong bảo tàng cũng làm mất đi bản sắc của các địa điểm tham quan này. Thiết nghĩ, cần một sự vào cuộc đến từ các cơ quan quản lý để vực dậy sức sống của các bảo tàng này.
Afamily