Vẫn biết khi trẩy hội du xuân, tình trạng chặt chém tại những khu vui chơi, giải trí, đền chùa lại diễn ra, song nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi phải móc túi trả tiền cho những món ăn bị “hét giá” cao gấp hàng chục lần so với giá trị thực của sản phẩm – dịch vụ.
Phở bình dân giá… 200.000 đồng/bát
Cư dân mạng phát hoảng trước bức ảnh chụp hóa đơn tính tiền phở bình dân ở Hà Nam. Hình ảnh và status cho biết, giá trị hóa đơn tổng cộng là 4,8 triệu đồng. Trong đó, chủ quán tính giá 200.000 đồng/bát phở (22 bát phở xào và phở nước), 20 cốc nước giá 400.000 đồng và 1 chai nước lọc 10.000 đồng.
Đây không phải lần đầu tình trạng này xảy ra ở Hà Nam. Vào tháng 3/2013, một nhóm du lịch phượt đi từ Hà Nội – Ninh Bình khi đi ngang qua Phủ Lý – Hà Nam cũng bị "chém" 200.000 đồng/một bát phở và 80.000 đồng/suất bánh cuốn.
Bức ảnh chụp hóa đơn tính tiền phở bình dân ở Hà Nam khiến dân mạng bức xúc
Anh Nam Anh cũng vừa chia sẻ trên Vietq.vn về việc bị chặt chém tại một quán phở ở Hà Nam. Đã từng nghe về chuyện bát phở 200.000- 400.000 đồng ở đoạn đường này nên ngay khi bước vào quán, anh cẩn thận hỏi ngay giá và được chủ quán thông báo 20.000 đồng/bát. Đến lúc tính tiền, số tiền thành 220.000 đồng. Anh hỏi thì chủ quán dửng dưng đáp, 20.000 đồng là bát phở thứ nhất, bát phở thứ hai giá 200.000 đồng. Thắc mắc về bát phở 200.000 đồng, anh được nghe giảng giải rằng thịt bò trong bát phở là loại bò được chăn nuôi đặc biệt (được nghe nhạc, được tập thể dục, xem phim trong quá trình nuôi) nên giá đắt là đúng rồi!?
120.000 đồng/bát bún bò
Sau khi lễ xong, gia đình chị Lê Huyền (Hàng Chuối, Hà Nội) ra quán bún ngay bên cạnh phủ Tây Hồ ăn bún bò. Đến lúc trả tiền, chị Huyền mới ngã ngửa khi nhìn hóa đơn tính tiền tới 1,2 triệu đồng cho 10 bát bún, tương đương 120.000 đồng/bát.
Đầu năm nhiều hàng quán xung quanh phủ Tây Hồ ra sức hét giá (ảnh minh họa: NLĐ)
Không chỉ riêng các hàng ăn quanh các chùa chiền mà ngay cả các quán ăn trong các ngõ, phố, thậm chí cả các gánh ăn hàng rong cũng đều tự động nâng giá bán. Đặc biệt là các quán bún ốc, bún riêu đều tăng giá từ 30-50 %, Một số quán còn thẳng tay tăng gấp đôi, gấp 3 so với ngày thường. Thậm chí, một tô bún Hồ Tây sau Tết có giá tới 100.000 đồng.
Một cửa hàng bún ốc ở Hòe Nhai còn có động tác "nói cho rõ" về mức giá bán ngày Tết bằng một thông báo dán ngay trên tường: "Để ngày tết phục vụ chu đáo, nhà hàng bán đồng loạt một loại giá thập cẩm 70.000 đồng/bát". Bà chủ giải thích giá đó là mềm lắm rồi vì ngày Tết họ phải trả lương nhân viên gấp đôi, thậm chí gấp 3; giá các nguyên liệu đầu vào cũng đắt hơn.
Một quả dừa giá 175.000 đồng
Chị Phương Linh (22 tuổi, Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội) vừa kể sự vụ mình bị "chặt chém" ở chùa Hương vào năm ngoái. Cụ thể, ngày đó nhóm của chị gồm 6 người rủ nhau đi xe máy từ Cầu Giấy tới chùa Hương. Họ được mời vào một quán mà chủ quán đảm bảo sẽ không mất một khoản phí thuê chiếu hay thuê chỗ nghỉ như những hàng khác.
Cận cảnh những quả dừa giá 175.000 đồng
Họ gọi 3 quả dừa và 2 cốc nước mía uống cho đỡ khát. Lúc thanh toán, cả nhóm ớ ra vì giá mỗi quả dừa nhạt hoẹt lên tới 175.000 đồng. Nước mía cũng được "hét" giá 35.000 đồng/cốc.
Nhóm của chị Linh đã cố gắng chuyển từ thắc mắc sang xin xỏ nhưng anh chủ quán tươi cười, tốt bụng lúc đầu đã biến ngay thành một tay đầu gấu, trợn mắt quát tháo, dọa nạt.
Đi đò vào chùa Hương mất 1,5 triệu đồng
Năm nay, nhiều người tỏ ra khá bức xúc trước tình trạng chặt chém ở một số dịch vụ tại chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội); trong đó, nhức nhối nhất là nạn "chặt chém" ăn uống, đổi tiền lẻ và đi đò.
Tại bến đò, mặc dù giá vé niêm yết để đi đò vào chùa Hương Tích là 90.000 đồng, song nhiều người cho biết, vé niêm yết một đường, xuống thuyền phải trả cho chủ thuyền vài trăm nghìn đồng nữa thì họ mới chịu chở.
Đò đi chùa Hương cũng nghiễm nhiên tăng giá
Anh Hoàng (Tam Điệp, Ninh Bình) chia sẻ trên báo Lao Động: "Gia đình tôi đi 10 người thì có 5 cháu nhỏ, 5 người lớn nhưng phải trả cho chủ đò 1,5 triệu đồng".
Còn theo phản ánh của báo ĐSPL, ở đền Trình (đoạn đầu suối Yến), du khách phải đổi tiền lẻ với mức 10 ăn 8, khi vào đến khu Thiên Trù phải đổi với mức 10 ăn 6, thậm chí chỉ 5.
Dịch vụ trông giữ xe tại đền, chùa kiếm đậm
Vào dịp đầu xuân, các bãi giữ xe tại đền chùa, khu vui chơi lại được dịp "chặt chém" vô tội vạ. Tại các điểm trông xe tự phát, chỉ cần chăng dây sơ sài, vé tự làm, nhưng lợi nhuận hàng ngày cực lớn.
Theo trang mạng Zing, do lợi nhuận lớn, nhiều cửa hàng gần hội Lim (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã ngừng hoạt động kinh doanh chuyển sang trông, giữ xe cho khách thập phương với giá 20.000-30.000 đồng mỗi chiếc. Chưa đầy 2 ngày, cửa hàng của anh Hùng đã kiếm được hơn 4 triệu đồng từ dịch vụ này.
Bảng hiệu buôn bán điện thoại bị thay thế bằng tấm biển quảng cáo dịch vụ trông, giữ xe
Báo Lao động phản ánh, quanh khu vực đền Bia Bà (Hà Đông, Hà Nội) có hàng trăm điểm trông giữ xe tự phát mọc lên ngay. Giá trông xe đều vượt nhiều lần so với giá quy định, trong đó xe máy từ 10.000-15.000 đồng/xe; ô tô từ 50.000 -70.000 đồng/xe.
Tại khu vực chùa Hà, chùa Phúc Khánh cũng diễn ra tình trạng tương tự. Giá trông xe có những lúc cao điểm lên tới 30.000 đồng/xe máy và 100.000 đồng/xe ô tô. Ở các khu vực phủ Tây Hồ, đường Thanh Niên, đền Quán Thánh, nhiều bãi xe tự phát cũng đã mọc lên với giá trông 10.000 đồng/xe máy.
Còn theo báo Công an TP.HCM, nhiều du khách đi du xuân tại khu du lịch Suối Tiên (Q.9) bị "móc túi" một cách trắng trợn. Giá gửi xe máy tại bãi chỉ có giá từ 3.000-5.000 đồng/chiếc, ô tô 4-15 chỗ thì 30.000 đồng và trên 15 chỗ là 50.000 đồng/chiếc. Song, thực tế giá giữ xe máy ở khu vực xung quanh lại được thu đến 40.000-50.000 đồng; giá giữ ô tô thì từ 80.000 đến cả trăm ngàn đồng mỗi chiếc, tùy theo lớn nhỏ.
Xem thêm: Du lịch trong nước
Vef