Sự kiện Công ty Du lịch Travel Life tổ chức tour trái phép, bỏ rơi hơn 700 khách Việt Nam ở Thái Lan gây bức xúc trong dư luận. Bạn đọc cho rằng, cần nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng kinh doanh du lịch bát nháo, “ăn xổi ở thì” hiện nay.
Cần có cảnh sát du lịch
Trong thời gian gần đây, mặc dù ngành công an quan tâm tăng cường biện pháp trấn áp tội phạm, bảo đảm an toàn cho du khách đến Việt Nam, nhưng vẫn có không ít du khách nước ngoài bị lừa đảo, trấn lột, cướp giật tài sản. Trước đây, bọn cướp giật không nhằm vào du khách nước ngoài, do biết rằng công an sẽ kiên quyết điều tra xử lý, nhưng gần đây, bọn tội phạm có biểu hiện manh động hơn, xem thường pháp luật cũng như sức khỏe, tính mạng của nạn nhân là du khách.
Chính quyền và công an địa phương cần kiên quyết trấn áp tội phạm để đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại các điểm du lịch và bảo vệ an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, các công ty tổ chức tour cho du khách vào Việt Nam nên quan tâm hướng dẫn, nhắc nhở tận tình cho du khách cảnh giác những điểm có thể xảy ra tệ nạn cướp giật. Khi du khách gặp tình huống cần hỗ trợ, người dân ở các điểm du lịch nên tận tình giúp đỡ.
Từ lâu, đất nước, con người Việt Nam được biết đến bởi sự hiền hòa, hiếu khách, thân thiện. Thế nhưng nay tệ nạn cướp giật tài sản đối với du khách nước ngoài đã liên tục xảy ra khiến nhiều người bức xúc. Đừng để du khách nước ngoài phải e ngại, lo sợ và không dám quay lại nước ta vì bọn cướp giật. Nhiều nước đã tổ chức lực lượng Cảnh sát du lịch, nước ta cũng nên nghĩ đến việc tổ chức lực lượng này để bảo đảm an toàn cho du khách.
NGUYỄN ĐƯỚC
(Quận 5, TPHCM)
Cẩn trọng với công ty lữ hành “ma”
Mùa hè là mùa du lịch, là thời cơ kinh doanh chủ yếu của các đơn vị lữ hành. Tuy nhiên do còn nhiều bất cập trong việc quản lý các đơn vị du lịch lữ hành, nên thị trường du lịch xuất hiện tình trạng cạnh tranh thu hút khách bát nháo, không lành mạnh, thậm chí có hành vi lừa đảo du khách.
Thông thường du khách phải trả tiền trước, còn các dịch vụ chỉ được thỏa thuận qua hợp đồng, cam kết của các hãng. Đến khi đi du lịch, công ty lữ hành cố tình thay đổi bữa ăn, phòng khách sạn, cắt bỏ các điểm tham quan có phí và thay vào đó là những điểm miễn phí hay lùa khách vào hết cửa hàng này đến cửa hiệu khác để kiếm hoa hồng…
Nhiều công ty cho khách khởi hành vào buổi chiều, mỗi xe chỉ có một tài xế. Do tài xế phải lái xe suốt đêm và ngày hôm sau phải tiếp tục chở khách đi tham quan, không được nghỉ ngơi, dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Bên cạnh đó hiện nay có tình trạng những công ty lữ hành “ma”, hợp đồng với các cơ quan, trường học, rồi mua đi bán lại du khách cho các đơn vị lữ hành khác để hưởng lợi, khiến du khách thường xuyên bị sang chuyến, ghép chuyến và cắt xén lịch trình do đơn vị lữ hành khác đảm nhiệm.
Để ngăn chặn tình trạng này xảy ra, đảm bảo quyền lợi du khách, trước tiên các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc kiểm tra từ khâu cấp phép cho đến quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, tránh tình trạng bát nháo như hiện nay, gây thiệt hại tinh thần lẫn vật chất cho du khách. Bên cạnh đó các cơ quan, trường học không nên vội nghe những lời mời, lời giới thiệu quảng cáo đã ký hợp đồng, mà cần phải tỉnh táo lựa chọn các công ty du lịch có uy tín, thực hiện những ràng buộc nhất định trong việc xây dựng hợp đồng chuyến đi du lịch sao cho đảm bảo chất lượng, an toàn.
VĂN THY HOÀNG
(Phòng GD-ĐT Hội An, Quảng Nam)
Mạnh tay xử lý nạn “chặt chém”
Hiện nay bên cạnh những điểm du lịch lý tưởng vì cung cách phục vụ chu đáo, tận tình, cũng có không ít điểm du lịch khiến du khách nước ngoài một đi không trở lại. Thời gian gần đây, báo chí trong nước phản ánh khá nhiều về nạn “chặt chém” ở các quán ăn, nhà hàng tại các TP du lịch. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, hiện tượng đó lắng dịu một thời gian rồi lại tiếp tục “nổi sóng”. Một số quán ăn, nhà hàng vì làm ăn theo kiểu ăn xổi ở thì nên “chém” mạnh tay.
Tuy có sự can thiệp của chính quyền sở tại, nhưng với kiểu quản lý “ngứa đâu gãi đó”, khiến một số chủ quán ăn xem thường luật pháp. Rút giấy phép kinh doanh quán này, họ lại mở quán khác. Cứ thế, giải pháp tìm ra hướng đi mới cho ngành du lịch các địa phương như cái vòng luẩn quẩn, đâu lại vào đấy, người chịu thiệt thòi vẫn chỉ là du khách.
Gần đây, một số tài xế taxi Hà Nội thu cước với giá “trên trời” khiến du khách phẫn nộ, làm mất đi hình ảnh thân thiện của người Việt Nam, từ đó kéo theo sự tụt dốc của ngành du lịch nước ta. Nếu ai đã từng đến Campuchia tham quan quần thể Angkor đều biết cung cách làm du lịch của họ rất hay, hơn hẳn ở ta. Đặc biệt nơi đây không có tình trạng người bán hàng rong lôi kéo khách mua hàng như ở xứ ta.
Đừng để những danh thắng ở nước ta bị du khách quay lưng chỉ vì cung cách phục vụ ăn xổi ở thì, quan tâm đến “lượng” hơn “chất” ở một số địa phương. Bộ VH-TT-DL cần đưa ra những chiến lược thiết thực để vực dậy ngành du lịch nước nhà bằng giải pháp thành lập các hiệp hội, tổ chức du lịch… để cạnh tranh, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt, cần xử lý mạnh tay với những người bán hàng rong, chèo kéo, “chặt chém” du khách.
NGUYỄN THANH VŨ
(Sơn Kỳ, Tân Phú, TPHCM)
SGGP