Nhiều năm nay, có những địa phương “rộ” lên phong trào làm du lịch cộng đồng, song hình thức này để làm đúng, hay thì mới níu được chân khách mới khó. Thực tế ra sao?
Hiện nay cách làm ở nhiều địa phương, dường như du lịch cộng đồng chưa được người dân, thậm chí cả nhà quản lý hiểu một cách sâu sắc, triệt để.
Du lịch cộng đồng: Khó và dễ
Một trong những đặc điểm cơ bản của DLCĐ là ở với dân, theo hình thức này, thực tế người ta đã chia thành rất nhiều loại, ví dụ: Ở nhà dân (home stay), ở nông trại (farm stay), ở trên thuyền (boat stay) v.v.. Song điều này mới chỉ phản ánh một góc rất nhỏ của DLCĐ.
Vậy DLCĐ là gì? Tài liệu của Quỹ châu Á hướng dẫn về phát triển DLCĐ đưa ra định nghĩa: DLCĐ là hình thức du lịch được sở hữu bằng quản lý cộng đồng, các hình thức này gồm: Du lịch sinh thái, Du lịch nông nghiệp, Du lịch nông thôn, Du lịch làng, Du lịch bản địa và Du lịch văn hóa.
Trong điều kiện thế nào thì phát triển DLCĐ? Phải có hai yếu tố quan trọng là: “Tài nguyên văn hóa” và “Tài nguyên môi trường”, tiếp đến là các yếu tố hỗ trợ như: Giao thông, y tế, an ninh, thông tin, dịch vụ, mua sắm, nhân sự, nước sạch…
Hãy xem “mô hình” ở thôn Lũng Cẩm Trên thuộc xã Sủng Là (huyện Đồng Văn, Hà Giang). Địa phương này được biết đến như “phim trường” của bộ phim “Chuyện của Pao”. Và địa phương được lợi từ sự quảng bá “gián tiếp” này. Lũng Cẩm Trên có đủ tài nguyên về văn hóa và môi trường, có đường giao thông thuận tiện và ở đây cũng có 2 gia đình có phòng lưu cho khách theo hình thức “home stay”.
Thế nhưng đây chưa phải là một mô hình hoàn chỉnh vì rằng, người dân chỉ được hưởng lợi duy nhất khoản kinh phí cho thuê phòng trọ, thảng hoặc có thêm một chút lợi nhuận từ việc khách trọ trả tiền ăn. Những việc tổ chức tham quan, bản đồ lưu niệm, cung cấp dịch vụ hoàn toàn không có.
Vừa rồi, chúng tôi có dịp qua thôn Khuổi Khon (thuộc xã Kim Cúc, Bảo Lạc, Cao Bằng). Đây là một địa điểm du lịch cộng đồng có tiếng, thu hút đông du khách nước ngoài. Địa điểm này cũng có “may mắn” được thông tin gián tiếp từ một bộ phim tài liệu chiếu trên kênh truyền hình của Pháp.
Hiện tại, ở thôn có 2 công ty du lịch quốc tế là Alliber Trekking và Amica Travel thường đưa khách quốc tế đến tham quan. Song, khi đến đây, các công ty du lịch thường chuẩn bị rất đầy đủ cho du khách từ thức ăn, nước uống, hướng dẫn viên du lịch. DLCĐ ở Khuổi Khon thực chất chỉ có việc cho thuê chỗ ngủ. Như vậy cũng chưa thể gọi là DLCĐ đúng nghĩa.
Một mô hình DLCĐ ở huyện Giao Thủy được chúng tôi hiểu tường tận trong đợt công tác gần đây tại tỉnh Nam Định. Song đến khi hỏi xa hơn về những dịch vụ, hỗ trợ thông tin, y tế, an ninh… thì cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, hầu hết chỉ tập trung vào “home stay”. Như vậy, có thể thấy rằng, nhiều người có xu hướng đồng nhất giữa “home stay” với DLCĐ. Biết chuyện, có người bình: Làm DLCĐ như thế thì dễ quá!
Nhân lực thiếu đào tạo
Tại nhà ông Chi Văn Hải ở thôn Khuổi Khon, chúng tôi gặp một tốp ba vị khách quốc tế đến từ Pháp. Họ đi theo chương trình du lịch của một công ty lữ hành. Anh Hoàng Tuấn, hướng dẫn viên du lịch cho biết: Du khách Pháp rất thích đến những điểm như Khuổi Khon nhưng điều khó khăn nhất là thiếu cộng tác viên tại địa phương. Và hướng dẫn viên như anh Tuấn phải đảm nhiệm tất cả những việc như: Nấu ăn, dẫn đường, phiên dịch…
Thay vì thưởng thức những món đặc sản địa phương thì du khách phải lao vào bếp tự chế biến những loại thực phẩm mang theo. Ảnh chụp tại thôn Khuổi Khon
Nước sinh hoạt tại Khuổi Khon phần lớn là nước suối và thôn cũng chưa có điện lưới. Song đây không phải là vấn đề quá lớn. Vấn đề là hoạt động DLCĐ ở đây chưa giúp du khách thực sự được khám phá, trải nghiệm nét đặc sắc trong văn hóa của người dân địa phương.
Trở lại với kỳ vọng của du khách khi tham gia DLCĐ. Chương trình ở Khuổi Khon khá đơn điệu. Anh Chi Văn Phương, một người dân địa phương, kể: “Họ ngủ đêm tại thôn rồi sáng sớm đi thăm bản Mông, cách Khuổi Khon chừng 2km, đến đầu giờ chiều thì rời thôn. Họ thường thuê người địa phương dẫn đường, nhưng phải đi đường vòng vèo để ngắm cảnh và kéo dài thời gian cho hết buổi sáng”.
Mỗi buổi sáng, người dẫn đường như anh Chi Văn Phương có thu nhập khoảng 50 nghìn đồng. Nhưng anh cũng chỉ có việc trong trường hợp bất khả kháng hướng dẫn viên du lịch mới chịu thuê người dẫn đường địa phương. Nguồn lợi bấp bênh, một cách tự nhiên đã lý giải việc nhiều thanh niên trong thôn như anh Phương không “mặn mà” lắm với khách du lịch.
Trong trường hợp ở thôn Khuổi Khon dễ thấy sự thiếu hụt về nhân lực được đào tạo để phục vụ khách du lịch. Thêm vào đó, sự thụ động trong việc hình thành các tuyến đường du lịch đi bộ (trekking) đã khiến người dân địa phương không thể làm chủ hoạt động DLCĐ ngay tại địa phương mình.
Tại Phúc Sen(huyện Quảng Yên,tỉnh Cao Bằng) cách Kim Cúc 200km về hướng Bắc, ở dây có dự án DLCĐ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh triển khai. Sau khi tham quan một số cơ sở DLCĐ ở Phúc Sen, chúng tôi gặp Phó chủ tịch UBND xã Nông Thị Dung. Bà cho biết, trong thời gian qua, tình hình phát triển DLCĐ ở xã khá ảm đạm, nói là phát triển dự án DLCĐ nhưng cơ quan chuyên môn cũng chỉ tập trung vào chỉnh trang nhà cửa; đầu tư chăn, ga, gối, đệm; nhà vệ sinh… Những vấn đề này là cần thiết nhưng chưa đủ.
Theo TS Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu và phát triển Du lịch, muốn có được mô hình DLCĐ hoàn chỉnh, ngoài việc kêu gọi nhiều công ty du lịch, nhà đầu tư thì việc cần thiết nhất là đào tạo, nâng cao nhận thức cho cộng đồng làm du lịch tại địa phương. Và, dường như ở nhiều nơi, chúng ta đã bỏ quên yếu tố con người này!
Báo Quân đội Nhân dân