Là một trong số ít quốc gia có nền ẩm thực đa dạng và đặc sắc, nhưng để Việt Nam thực sự trở thành “nhà bếp của thế giới” như một chuyên gia marketing nước ngoài gợi ý, thì không thể nhâm nhi những gì đang có hiện nay.
Ẩm thực Việt Nam “không chỉ có phở”
Một câu nói xã giao nằm lòng của các nghệ sỹ giải trí Hàn Quốc khi đến Việt Nam là: “tôi rất thích món phở của các bạn”. Tại Mỹ và châu Âu, phở cũng là món ăn Việt được nhắc đến nhiều nhất. Vài ba năm trở lại đây, các ấn phẩm du lịch phương Tây mới liệt kê thêm món gỏi cuốn (nem) và bánh mì Việt Nam.
Phở Việt Nam
Đó là sự nổi tiếng quá ít ỏi và khiêm tốn của một nền ẩm thực đa dạng.
Ở Việt Nam, từ Bắc vào Nam, địa phương nào cũng có đặc sản, và không bị trùng lặp. Chỉ tính riêng các tỉnh thành ven biển, với tài nguyên chung là hải sản, nhưng mỗi nơi một cách chế biến, cho ra những món ăn khác biệt. Nếu như Quảng Ninh nổi tiếng với chả mực thì ở Hải Phòng là nộm sứa đỏ, ở Thanh Hóa là canh cá khoai, ở Nha Trang là mực một nắng, ở Tp.HCM là các món ốc biển…
Nét đặc sắc nhất của ẩm thực Việt Nam là có hai trung tâm ẩm thực với phong cách hoàn toàn khác biệt: Hà Nội – đại diện của ẩm thực Đồng bằng Bắc bộ, và Huế – đại diện của ẩm thực cung đình. Bên cạnh đó là dòng ẩm thực “lai tạp” nhưng đầy sức cuốn hút là ẩm thực đường phố, có mặt ở hầu hết các điểm du lịch sầm uất như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Nẵng, TP.HCM…
Khách nước ngoài thích thú với ẩm thực đường phố Hà Nội
Thế nhưng, khai thác thế nào và quảng bá cái gì trong toàn bộ bức tranh ẩm thực quá đa dạng về thể loại là một vấn đề đau đầu của lữ hành khi muốn đưa nội dung ẩm thực vào tour.
Phở được quảng bá quá nhiều và được mặc định như là món ăn truyền thống nhất, ngon nhất của Việt Nam. Nhưng thông điệp đó không còn đúng khi du khách ra khỏi địa phận Hà Nội hoặc Tp.HCM. Điều này làm nảy sinh bất cập khi nhà điều hành tour đón khách tại Đà Nẵng hay Khánh Hòa – nơi món phở không phải thế mạnh, càng không phải đặc sản của địa phương.
Vì không được quảng bá, nhiều món ngon khác không tiếp cận được với du khách, hoặc tiếp cận được nhưng không tạo được điểm nhấn (Ảnh: Internet)
Một chuyên gia du lịch cho rằng: việc tập trung quảng bá cho phở khiến cái nhìn từ ngoài vào ẩm thực Việt Nam bị thiếu chuẩn xác. Du khách nhầm tưởng rằng phở là điển hình của ẩm thực Việt và nền ẩm thực Việt chỉ có vậy. Trong khi đó, vì không được quảng bá, nhiều món ngon khác không tiếp cận được với du khách, hoặc tiếp cận được nhưng không tạo được điểm nhấn do không được tiếp thị tập trung.
“Đó là tình trạng của ẩm thực Huế – một thành phố có quá nhiều món ngon, từ món khai vị đến món chính, món tráng miệng, từ ẩm thực bình dân đến ẩm thực cung đình, món nào cũng đạt đến một trình độ cao của nghệ thuật ẩm thực. Ẩm thực luôn nằm trong nội dung chương trình tour du lịch đến Huế như một giá trị văn hóa đương nhiên phải khám phá.
Ẩm thực cung đình Huế
Nhưng kết lại, món ăn Huế nào đáng nhớ nhất, điển hình nhất, đủ sức đứng cạnh phở khi nhắc đến Việt Nam, thì du lịch Huế hiện vẫn chưa tìm ra được một cái tên. Không phải vì không có cái tên điển hình, mà vì chưa ai nghĩ đến việc chọn ra một điểm nhấn và tập trung tiếp thị cho nó, xây dựng thương hiệu cho nó” – vị chuyên gia cho hay.
Làm tour ẩm thực: dễ mà khó
Hiện nay, chưa có hãng lữ hành nào tại Việt Nam xây dựng được tour ẩm thực chuyên đề. Xu hướng chung của một số hãng là đưa ẩm thực vào nội dung tour để tạo sự khác biệt, hấp dẫn.
Nhưng ngay cả việc đưa nội dung ẩm thực vào tour cũng khó khăn, không phải lúc nào cũng áp dụng được.
Ông Nguyễn Công Hoan – Phó Giám đốc của một hãng lữ hành giải thích: “Mỗi khi dẫn khách đến một điểm du lịch, chúng tôi luôn cố gắng lồng ghép nội dung ẩm thực vào lịch trình, miễn là giá trị đặc sản địa phương được đưa vào tương ứng với giá trị tour. Song, điều này chỉ có thể làm được với đoàn khách inbound ít người. Còn đoàn khách từ 20-30 người thì không có hạ tầng đáp ứng.
Tại Hà Nội chẳng hạn, chỉ có Chả cá Lã Vọng hoặc Bánh tôm Hồ Tây là hai điểm ẩm thực đón được đoàn khách lớn. Những quán ngon khác như bún chả Hàng Mành, phở Thìn, phở Bát Đàn, chả ốc Phù Đổng Thiên Vương, bún thang… và nhiều nhà hàng đặc sản khác, dù rất hấp dẫn nhưng không đủ chỗ cho đoàn khách lớn, thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn, chỗ ngồi không đủ chất lượng vệ sinh, hay đơn giản nhất là không có chỗ đỗ xe.
Nhà hàng chả cá Lã Vọng
Bên cạnh đó, việc lựa chọn đề tài ẩm thực để đưa vào tour không hề dễ dàng. Bởi giữa đề tài ẩm thực và các dịch vụ khác phải có sự tương đồng. Với các tour du lịch văn hóa – lịch sử, lồng ghép chủ đề ẩm thực sẽ dễ hơn các tour du lịch loại hình mạo hiểm hay MICE”.
Theo ông Hoan, việc thiếu hạ tầng và cơ sở vật chất là nguyên nhân quan trọng khiến các tour ẩm thực tại Việt Nam, mà ngay tại trung tâm ẩm thực Hà Nội, chưa thể triển khai rộng. Các nhà hàng lớn, khang trang nhất tại Hà Nội lại thuộc về các món ăn Á- Âu. Các nhà hàng chuyên đồ ăn Việt lại thiên về thực phẩm thú rừng, hải sản, được chế biến “lai tạp”, không mang tính truyền thống, thuần Việt. Số ít các nhà hàng thuần Việt lại chỉ kinh doanh mô hình nhỏ, không mở rộng quy mô.
Tour du lịch ẩm thực
Ông Hoan cho rằng, để triển khai được tour ẩm thực chuyên đề thì trước hết phải xác định được hai yếu tố: “Điểm nhấn” và “Chuẩn”. Phải tìm được đâu là món ăn điểm nhấn cần tập trung quảng bá, sau đó lại phải xác định cách chế biến chuẩn truyền thống của món ăn đó như thế nào. Sau đó nữa mới là xây dựng hệ thống các nhà hàng chuyên nghiệp về ẩm thực Việt, với thực đơn phong phú, có hạ tầng tiêu chuẩn quốc tế. Bởi du khách tham gia một tour ẩm thực không chỉ để ăn mà còn mong muốn khám phá như tham quan và tham gia vào quá trình chuẩn bị, chế biến thực phẩm, trải nghiệm các gia vị…
Nhưng theo ông Hoan: “Vấn đề là ai sẵn sàng đầu tư?”
Hiện nay, các nhà đầu tư chi rất mạnh tay cho việc xây dựng khách sạn, resort, trong đó có nhà hàng ẩm thực. Cách đầu tư này an toàn hơn nhờ sự kinh doanh chuỗi dịch vụ, thay vì mạo hiểm chỉ kinh doanh nhà hàng. Do đó, để kêu gọi được các nhà đầu tư thay đổi quan điểm kinh doanh thì không thể chậm trễ trong việc tạo hàng loạt các chính sách, cơ chế cởi mở từ phía nhà quản lý.
Tổ quốc