Đây là một trong những mục tiêu phát triển trong đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” vừa được Bộ VHTTDL phê duyệt.
Theo đề án này, ngành du lịch phấn đấu đến năm 2020 sẽ đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh.
Cụ thể là đến năm 2020, du lịch biển phải có được ít nhất 06 điểm đến du lịch tầm cỡ quốc tế có sức cạnh tranh cao trong khu vực là Hạ Long – Bái Tử Long – Cát Bà, Lăng Cô – Cảnh Dương, Hội An – Cù Lao Chàm, Nha Trang – Cam Ranh, Phan Thiết – Mũi Né và Phú Quốc; hình thành và bước đầu đi vào khai thác một số cảng du lịch: Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh và Phú Quốc.
Đến năm 2020, du lịch biển phải có được ít nhất 06 điểm đến du lịch tầm cỡ quốc tế có sức cạnh tranh cao trong khu vực (Ảnh: Ngọc Thành)
Ngoài ra, mục tiêu đề ra tới năm 2020 là thu hút khoảng 22 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 58 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ du lịch biển đạt trên 200.000 tỷ đồng, tương đương 10 tỷ USD; tạo ra 600.000 việc làm trực tiếp và 1,1 triệu việc làm gián tiếp…
Đề án cũng chỉ rõ 7 định hướng phát triển chủ yếu về: thị trường du lịch biển; sản phẩm du lịch biển; xúc tiến quảng bá du lịch biển; phát triển nguồn nhân lực du lịch biển; tổ chức lãnh thổ du lịch; đầu tư phát triển du lịch biển; phát triển du lịch biển gắn với đảm bảo an ninh – quốc phòng.
Để thực hiện những mục tiêu đặt ra, Đề án đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, nhấn mạnh cần ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển hướng đến thị trường khách quốc tế thuộc các thị trường gần và thị trường có khả năng chi trả cao như: ASEAN; Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc); Úc; New Zealand; Châu Âu (Đức, Hà Lan, Pháp, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Nga)…; và đối với thị trường khách nội địa thì tập trung chủ yếu vào Hà Nội, Tp. HCM và các đô thị lớn ven biển.
Phát triển các sản phẩm du lịch biển đặc thù của từng khu vực. Bên cạnh đó cũng cần phát triển các sản phẩm du lịch liên kết theo vùng, miền và theo loại hình du lịch.
Để phát huy tối đa tiềm năng du lịch biển Việt Nam thì cần có những cơ chế, chính sách thuận lợi, khuyến khích đầu tư cho du lịch, cũng như nâng cao được năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương ven biển đủ mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch biển thành động lực của ngành kinh tế biển.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương ven biển tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch đảm bảo thống nhất trong khai thác, bảo tồn các giá trị của biển; chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch biển đặc thù, có sức hấp dẫn và cạnh tranh trong khu vực và quốc tế và tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển du lịch bền vững đứng từ góc độ bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Đề án cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, việc phát triển du lịch biển cần gắn với đảm bảo an ninh – quốc phòng. Nhằm thực hiện được mục tiêu này, các cán bộ quản lý, các doanh nghiệp và các đối tác tham gia hoạt động du lịch phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đảm bảo an ninh quốc phòng đối với hoạt động du lịch…
Theo đề án này, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển du lịch biển đến năm 2015 là hơn 114.000 tỷ đồng, tương đương 5,57 tỷ USD; đến năm 2020 là 145.000 tỷ đồng, tương đương 7,08 tỷ USD.
Tổ quốc