Giảm nghèo, tạo việc làm bền vững là đích đến của du lịch Quảng Nam. Con đường dài hơi này rất cần sự vận động không ngừng của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng cư dân địa phương.
“Tăng cường việc làm trong lĩnh vực du lịch không chỉ bao gồm tạo công ăn việc làm mà còn là tính bền vững và năng suất của công việc”, khuyến nghị trên đã được Giám đốc quốc gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) – ông Gyorgy Sziraczki đưa ra tại hội thảo “Giảm nghèo và việc làm bền vững thông qua phát triển du lịch” do ILO tổ chức tại Hội An mới đây. Khuyến nghị này đã góp phần “thức tỉnh” doanh nghiệp và những nhà hoạch định chính sách, thảo luận và đưa ra một kế hoạch hành động cho tương lai. Theo ông Sziraczki, sự nhìn nhận lại các vấn đề lao động trong ngành du lịch tại Quảng Nam và bài học thực tiễn của ILO trên thế giới trong việc tạo việc làm bền vững thông qua phát triển du lịch sẽ là cơ hội định hướng chiến lược hướng tới các biện pháp bền vững, hỗ trợ tăng trưởng năng động và giảm nghèo.
Xu hướng phát triển du lịch Quảng Nam không nằm ngoài bức tranh chung của Việt Nam và thế giới. Đây là ngành chiếm tới 10% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và tạo ra hàng triệu việc làm, nên rất cần nhiều nhân lực và luôn đòi hỏi nhiều trình độ đẳng cấp và tay nghề khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phát triển nhân lực du lịch chưa đồng đều. Phần lớn bị giới hạn ở một số khu vực trọng điểm, còn những vùng nông thôn ở sâu trong đất liền hầu như chưa được hưởng lợi ích mà du lịch đem lại. Theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL, ILO đang giúp Quảng Nam hiện thực hóa lợi ích về kinh tế và xã hội, đưa ngành mũi nhọn này trở thành bàn đạp để giảm nghèo thông qua việc tăng cường các cơ hội phát triển du lịch, lữ hành tại các khu vực nông thôn và miền núi. “ILO đã góp phần giúp Quảng Nam tối đa hóa lợi ích từ du lịch. Hy vọng đến cuối năm 2013, Quảng Nam sẽ tăng được 10% số doanh nghiệp mới hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở các khu vực sâu trong đất liền” – ông Hài nói.
Theo một báo cáo mới đây, Quảng Nam hiện có khoảng 110 dự án đầu tư du lịch hoạt động và tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển du lịch cộng đồng, mở rộng xúc tiến, quảng bá hình ảnh địa phương. Tính đến giữa năm 2012, ngành du lịch đã thu hút gần 3,5 triệu lượt khách quốc tế và nội địa (51% và 49%), công suất sử dụng buồng phòng 55%, 110 khách sạn hoạt động với gần 4.500 phòng, doanh thu du lịch tăng bình quân 25 – 30%/năm. Tổng số lao động trực tiếp 7.604 người, có 43 đơn vị kinh doanh lữ hành và vận chuyển (7 lữ hành quốc tế, 16 lữ hành nội địa và 20 doanh nghiệp vận chuyển). Sự quan tâm của chính quyền, đầu tư đang được đẩy mạnh và tính liên kết đã bắt đầu mở rộng, đưa đến ý thức làm du lịch của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, công tác lập và quản lý quy hoạch, nghiên cứu thị trường chưa chuyên nghiệp, nguồn nhân lực, kinh phí dành cho quảng bá, xúc tiến còn thiếu, sản phẩm du lịch chưa phong phú… vẫn là những thách thức không nhỏ của du lịch Quảng Nam.
Quan điểm Quảng Nam là phát triển du lịch nhanh và bền vững, trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và cả nước. Con số cụ thể là sẽ đón từ 4 – 6 triệu lượt khách sau năm 2015, phấn đấu tăng chỉ tiêu đón khách mỗi năm tăng 20%. Nỗ lực của chính quyền và cơ quan quản lý đã giúp lợi ích được phân bổ đồng đều… Song, ông Đinh Hài cũng thừa nhận các hoạt động kinh tế vẫn chưa đem lại lợi ích nhiều đến những khu vực nghèo nhất là những vùng sâu, xa trong đất liền, nơi cơ sở hạ tầng chưa có điều kiện phát triển, nhất là miền núi. Mặt khác, điều kiện lao động khó khăn đã góp phần vào việc thay đổi nhân viên với tỷ lệ cao. Việc thay đổi này đã gây nên những hậu quả cho chi phí của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tính thiếu cạnh tranh, chất lượng dịch vụ và thiếu tính đối thoại xã hội.
Theo nhận định của các chuyên gia du lịch quốc tế, việc sử dụng hiệu quả du lịch, tạo nhiều việc làm là tăng trách nhiệm xã hội, mở ra các lựa chọn cho phát triển, tái cấu trúc và khả năng cạnh tranh trong tương lai, cải thiện tính hiệu quả, chất lượng dịch vụ trong một ngành đòi hỏi nhiều lao động và dịch vụ phục vụ khách hàng cao là điều cần thiết. Việc hướng tới các chiến lược du lịch quốc gia đến sự phát triển bền vững hơn cần nhìn nhận rõ. Theo ông Wolfgang Weinz, chuyên gia quốc tế ILO về lĩnh vực khách sạn và du lịch, các doanh nghiệp cần chủ động để phát triển du lịch một cách bền vững, vì lợi ích của những người lao động và vì lợi ích của chính mình. Ông Đinh Hài nói: “Các doanh nghiệp phải liên tục thích ứng để đáp ứng với những thay đổi của nhu cầu người tiêu dùng và giữ thị phần của họ chống lại sự cạnh tranh lành mạnh. Những người nghèo có thể kiếm được thu nhập từ du lịch, hoặc bằng cách làm việc trực tiếp trong dịch vụ du lịch hay làm việc trong các lĩnh vực liên quan và trong chuỗi cung ứng. Du lịch bền vững bao gồm ba trụ cột: công bằng xã hội, phát triển kinh tế và toàn vẹn môi trường. Đó là đích đến của du lịch Quảng Nam”.
Báo Quảng Nam