Nhiều cú lừa ngoạn mục tại các quán bar, các chợ, hay ngoài đường ở Việt Nam khiến không ít khách du lịch nước ngoài hú hồn và… chạy mất dép, thậm chí, có người trở về chỉ với độc nhất chiếc quần lót.
Bị quán bar "chơi xỏ"
Có thâm niên lâu năm trong nghề hướng dẫn khách du lịch, chị Kim Phượng chia sẻ, người nước ngoài tới Việt Nam không chỉ có nhu cầu tham quan các địa điểm nổi tiếng mà họ cũng thích “đàn đúm” ăn chơi. Thường họ thích nhất là vào những quán bar như một cách để xả stress vậy.
Tuy nhiên, theo chị Kim Phượng, liên tục có nhiều khách Tây bị “chơi xỏ” tại các quán bar. Bởi vậy, phải dặn dò kỹ lưỡng du khách đi trong đoàn do mình hướng dẫn là nên cẩn thận khi tới những chốn ăn chơi.
Đặc biệt là chỉ mang đủ tiền theo người, nhất định không được mang theo bất cứ đồ vật quý giá nào, kể cả đồng hồ, nếu không họ sẽ phải hối tiếc. Dù vậy, vẫn có nhiều khách không nghe lời nên bị ăn… thịt lừa.
Du khách nước ngoài thường được khuyến cáo không nên mang theo những tài sản có giá trị ở bên người khi đi trên đường.
“Mới đây nhất, tôi tá hỏa khi thấy 2 anh chàng người Pháp trở về khách sạn nơi đoàn tập trung trong tình trạng chỉ còn lại độc nhất một chiếc quần… lót, khiến tôi không thể nhịn được cười và biết ngay là họ đã bị lột đồ. Hai anh chàng tẽn tò cho biết mới đi bar với mục đích “vui vẻ".
Song mới chỉ có vài hành động sờ vào người cô gái, cả 2 đã bị chuốc một loại rượu gì đó rất dễ buồn ngủ. Đến lúc tỉnh dậy, thấy mọi thứ trên người đều không cánh mà bay. Đôi co qua lại một lúc thì cô gái nói: Chúng tôi mất công vui vẻ với các anh thì các anh phải mất tiền là điều bình thường. Cũng may họ không dám trách mình, vì trước đó mình đã cảnh báo cho họ rồi”, chị Kim Phượng kể.
Cũng bị một cú lừa ngoạn mục là 2 vợ chồng Peter Crouch tại một quán bar gần khu vực chợ Bến Thành, TP.HCM. Người chồng phàn nàn rằng, mặc dù đi cả 2 vợ chồng vào bar chỉ để thư thái đầu óc nhưng không ngờ lại bị “lột” tiền trắng trợn đến thế.
Sau khi ngồi nhâm nhi một chai rượu nhỏ và một đĩa thức ăn, họ tính tiền ra về thì nhân viên nói phải trả số tiền lên tới 5 triệu đồng kèm lời giải thích “rượu phục vụ quý khách là rượu hạng sang”. Lúc này, cả hai vợ chồng người Anh đành phải trả số tiền này và thề sẽ không bao giờ quay trở lại đây.
“Lượm” tiền của khách nhanh như chớp
Josh Cheema đến từ London cho hay, khi đến Việt Nam, anh mới đi được 3 điểm của Việt Nam đó là Hải Phòng, Hà Nội và TP.HCM nhưng điều khiến anh sợ nhất là tệ nạn móc túi, cướp giật và lượm tiền.
Anh nói: “Trong chuyến đi Hà Nội vừa rồi, tôi có thuê xích lô để đi chơi. Trước khi đi có nói rõ với họ là sẽ tới địa điểm này. Ai ngờ, họ đưa mình tới một góc khuất vắng người qua lại, rồi thả xuống đó. Tôi loay hoay mãi mới tìm đến chỗ mình mong muốn, cũng may chỗ đó cách không xa là bao nhưng lúc này phát hiện ra tiền trong túi mình bay mất tiêu”.
Để hạn chế tình trạng cướ giật xảy ra, TP.HCM đã phải thành lập những đội bảo vệ khách du lịch nước ngoài.
Cũng trong tình cảnh tương tự, một du khách người Canada chia sẻ, trong một lễ hội diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, cô cùng bạn ghé vào một ngôi chợ ở Sài Gòn mua đồ. Mặc dù đã đi trên lề, bỏ tiền và giấy tờ trong túi xách, vậy mà có 2 thanh niên đi kè kè bên cạnh chỉ trong chớp mắt chúng đã giật được túi đồ và phóng lên xe máy chạy mất. Trong đó có cả hộ chiếu, khiến họ phải nán lại Việt Nam thêm một thời gian dài hơn so với dự định.
“Phàn nàn điều này với hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi nhận được lời khuyên: Lần sau đi đâu, những giấy tờ quan trọng nên để ở nhà còn tiền thì nên nhét vào áo ngực hoặc quần lót. Ngại ngùng thì sẽ mất đồ như chơi”, vị khách cho biết thêm.
Anh Lê Văn Trăm, nhân viên đội bảo vệ du khách tại khu vực chợ Bến Thành cho biết, khu vực này thường xảy ra nhiều vụ cướp giật đồ của du khách rất lộ liễu. Chúng thường chọn những nơi vắng vẻ để “hành sự” nhằm che mắt các lực lượng chức năng.
Vì thế, trong thời gian vừa qua, thành phố đã phải tăng cường an ninh du lịch bằng việc thành lập các đội bảo vệ khách du lịch để giúp đỡ họ qua đường, ngăn chặn hàng rong làm phiền… Dù ngoại ngữ của nhiều người còn hạn chế nhưng với những câu giao tiếp thông dụng đơn giản thì họ cũng có thể hỗ trợ khi gặp sự cố.
Bà Đoàn Thị Thanh Tra, trưởng phòng tiếp thị công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cũng cho hay, công ty thường xuyên phải khuyến cáo cho du khách biết một số tuyến đường, điểm đen tại TP.HCM thường xảy ra nạn cướp giật để du khách tự bảo vệ tài sản của mình.
Bên cạnh đó, căn dặn du khách khi tham quan thì những tài sản giá trị, đặc biệt là giấy tờ tùy thân, hộ chiếu… nên cất giữ ở khách sạn.
Nạn “chặt chém” khách du lịch: “Chỉ có ở Việt Nam!”
Ông Nguyễn Minh Mẫn – giám đốc truyền thông Công ty Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam cho biết: “Tôi đã từng bị chặt chém khi đi taxi ở Hà Nội nên rất hiểu. Là người Việt chúng ta còn bị sốc chứ nói gì đến du khách nước ngoài. Đây thực sự là điều đáng xấu hổ đối với bạn bè quốc tế”.
“Tôi đã đi rất nhiều nước trên thế giới nhưng không thấy nơi nào có nạn “chặt chém” như ở Việt Nam, đó là điều đáng xấu hổ. Chúng ta đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của để quảng bá du lịch, thế nhưng chúng ta đã mất tất cả….” – ông Nguyễn Tiến Đạt – giám đốc Kinh doanh của TransViet Travel
chúng ta đã mất rất nhiều công sức và tiền của để quảng bá du lịch, để đưa du khách về với Việt Nam. Nhưng khi đến Việt Nam rồi, du khách nước ngoài phải đối diện với những lối ứng xử thiếu văn hóa hay trở thành nạn nhân của những kiểu làm ăn chộp giật, nạn nhân của những vụ lừa đảo ăn tiền… thì họ sẽ có ấn tượng xấu về con người và đất nước chúng ta, họ mất cảm tình và không còn muốn đến với chúng ta nữa. Như vậy là bao nhiêu công sức và tiền của quảng bá đều… bỏ biển.
Ông Tôn Thất Hòa, tổng thư ký Hiệp hội Du lịch TP.HCM: Hiệp hội lên tiếng để cơ quan chức năng vào cuộc
Theo báo cáo của đội bảo vệ du khách thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM, tình trạng cướp giật, lừa đảo du khách trong thời gian qua không tăng nhưng việc đeo bám, quấy rầy du khách vẫn còn khá phổ biến.
Việc lừa đảo, cướp giật, quấy rầy… nếu có xảy ra sẽ ảnh hưởng rất xấu với ngành du lịch vì du khách sẽ phản hồi ngay lập tức với bạn bè, người thân. Chưa kể, thời đại internet, du khách chỉ cần phản hồi bằng một tấm hình lên mạng với tốc độ lan truyền rất nhanh…
Do không có lực lượng nên hiện hiệp hội chưa có biện pháp gì để hạn chế tình trạng này. Hiệp hội chỉ lên tiếng trước những bức xúc của du khách để cơ quan chức năng vào cuộc mà thôi.
Nhiều điểm du lịch khác ở Việt Nam cũng nổi tiếng về bệnh “chặt chém”. "Chặt chém" đã thành một đặc trưng đáng xấu hổ, làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam. Đó cũng là một nguyên nhân khiến nhiều du khách chỉ đến Việt Nam một lần rồi không bao giờ có ý định quay lại.
Bạn đã bao giờ lâm vào tình cảnh đó chưa? Cần làm gì để chấm dứt tình trạng “chặt chém”, móc túi khách một cách vô lý như vậy?.
Người đưa tin