Từ ngày 4/1/2014 tới nay, Ban quản lý Di tích quốc gia Đền Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng) đã đóng cửa đền mà không có bất cứ một thông báo nào.
Theo phản ánh của nhiều du khách, những ngày gần đây, họ rất ngao ngán bởi cảnh tượng khá lộn xộn trước cổng đền. Bởi, có khoảng 30 hộ dân địa phương kéo xe hàng đứng trước cổng đền hô to: Đả đảo Ban quản lý đền Trạng. Trong khi đó, cổng đền thì đóng im ỉm. Nhiều khách đến thắp hương hoặc là phải bỏ về, hoặc phải chui qua một cái xích ở cổng phụ.
Người dân thôn kéo xe hàng trước cổng khu di tích vào sáng
Được biết từ trước ngày 10/01/2014, cổng chính của đền được chắn barie, cổng phụ được chắn bằng một sợi dây xích. Vì thế, khách muốn vào đền phải lách qua những người dân đang phẫn nộ trước cổng đền và chui qua thanh chắn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân của tình trạng này là do BQL đền đã đuổi hết những người bán hàng trong khu vực đền ra ngoài. Việc làm này đã vấp phải sự phản đối của hơn 30 người bán hàng lâu năm tại đây.
Vừa cầm mấy quả xoài thối, bà Phạm Thị Toan, 74 tuổi ở làng Trung Am vừa gạt nước mắt, nói: “Tôi già rồi, chân bị thấp khớp đi lại khó khăn lắm. Nhưng vì không muốn là gánh nặng cho con cháu, nên phải cố bán hàng ăn lộc của cụ Trạng. Ruộng đất đã hiến cho nhà đền, giờ cấm như này thì tôi lấy tiền đâu để mua rau cháo sống qua ngày”.
“Trước đây, chúng tôi đã từng đề nghị được làm các ki ốt bán hàng trong khu vực chùa Song Mai (thuộc quản lý của dân làng Trung Am) nhưng không được chính quyền đồng ý.
Trong khi BQL đuổi người dân ra ngoài bán hàng, ở quầy dịch vụ văn hóa ngay cổng vào BQL lại sử dụng sai mục đích khi cho bày bán rượu, tượng”, bà Bà Nguyễn Thị Thủy cho biết.
Rượu được bán công khai trong quầy lưu niệm của đền
Trước đó, UBND huyện Vĩnh Bảo đã xây dựng khu bán hàng bên ngoài cổng đền với kinh phí gần 2 tỷ đồng để dân bán hàng ngoài đó, nhưng người dân vẫn “chê”. Họ cho rằng vị trí đó không phù hợp để bán hàng, vì con đường giáp với cánh đồng trống huơ trống hoác, khách không dám ngồi mua hàng.
Hơn nữa, những người bán hàng ở đây đều đã hiến ruộng đất của mình để mở rộng khu di tích và được chính quyền địa phương hứa cho họ bán hàng phía bên trong.
Được biết, khu di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1991. Trước đây chính quyền xã Lý Học trực tiếp quản lý. Nhưng năm 2009 đã chuyển cho BQL trực thuộc UBND huyện Vĩnh Bảo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Cảnh, Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Bảo cho biết: Việc di dời hàng quán trong khuôn viên khu di tích ra ngoài là chủ trương làm cho khu di tích văn minh, tránh sự lộn xộn ở nơi thờ cúng của lãnh đạo huyện.
“Việc đóng cửa đền trong những ngày qua cũng là việc bất đắc dĩ. Bà con đã có đơn kiến nghị lên UBND huyện. UBND huyện sẽ cử thanh tra xuống xác minh sự việc và đưa ra hướng xử lý. UBND huyện cũng đã giao cho xã Lý Học có trách nhiệm quy hoạch chỗ bán hàng mới cho bà con”, ông Cảnh cho biết thêm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sản, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Học lại cho rằng: “Khu di tích thuộc trách nhiệm của BQL đền, nghĩa là thuộc trách nhiệm quản lý của UBND huyện, do đó chính quyền xã không có thẩm quyền để giải quyết việc này”.
Xem thêm: Du lịch miền Bắc
Tầm nhìn