Gần 400 đại biểu tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư-thương mại-du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức chiều 6/12, tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Hội nghị này nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC) Tiền Giang 2012; nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của vùng tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thời gian qua, mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác xúc tiền đầu tư, thương mại, du lịch nhưng so với tiềm năng của vùng, việc thu hút đầu tư ở các lĩnh vực trên còn khá khiêm tốn, chưa có những qui mô lớn, thật sự tác động đến phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch của vùng.
Các đại biểu dự hội nghị cho rằng, để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư-thương mại-du lịch, nhằm đạt mục tiêu xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng kinh tế, sản xuất lương thực, thủy sản trọng điểm của cả nước, cần có giải pháp mang tính đột phá để thu hút đầu tư vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của các địa phương, Đồng bằng sông Cửu Long cần có cơ chế, chính sách phù họp để huy động cao nhất các nguồn lực, cải thiện mô trường đầu tư, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Các địa phương trong vùng cần tập trung ưu tiên mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghệp để tạo quỹ đất sạch, làm cơ sở mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp khác; khống chế diện tích quy hoạch khu công nghiệp ở mức hợp lý, đảm bảo đủ để phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông nghiệp; có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các dự án đầu tư vào hạ tầng du lịch về nguồn vốn, lãi suất, thuế, đất đai đối với tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, từ khi MDEC được tổ chức lần đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh đến nay, toàn vùng đã thu hút được khoảng 635 dự án đăng ký đầu tư, đã cấp giấy chứng nhận cho khoảng 554 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 229.959 tỷ đồng và 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 5.038 triệu USD.
Trong khuôn khổ diễn đàn lần này, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung kêu gọi 137 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư 118.224 tỷ đồng và 698 triệu USD.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh An Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh và Tiền Giang trao bảy giấy phép đầu tư cho các đơn vị đầu tư với tổng số vốn hơn 5.000 tỷ đồng./.
TTXVN