Một tin vui làm nức lòng người dân: Đà Nẵng được vinh danh là một trong 20 thành phố trên thế giới được công nhận là thành phố có không khí trong sạch bởi lượng carbon thấp nhất. Đây là khẳng định tại hội nghị năng lượng Diễn đàn hợp tác châu Á – Thái Binh Dương (APEC) lần thứ 44 tại Washington Hoa Kỳ.
>Hạ Long những điều có thể bạn chưa biết
>Năm 2013: "Hạ giá thành để thu hút khách"
Ấn tượng
Trong đêm đón chào năm mới 2013 khi đi du lịch Đà Nãng, chúng tôi dạo bước dọc bờ sông Hàn từ Cổ Viện Chàm đến tận bến Cảng Đà Nẵng, anh Lê Nguyên Tịnh – bạn học tâm giao từ thuở niên thiếu (nay định cư ở Úc đưa gia đình về thăm lại quê hương) hàn huyên tâm sự. Chúng tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố này nên biết rất rõ về Đà Nẵng, mảnh đất trung kiên và hào hùng.
“Mình về quê 2 lần mỗi lần cách nhau 5 năm nhưng tốc độ phát triển Đà Nẵng làm mình chóng mặt” anh Tịnh tâm tư. Mới đây thôi, những khu nhà chồ, cám cảnh dân vạn đò lúc nhúc dưới dòng sông Hàn trông nhếch nhác thế mà nay quang đãng đẹp vô ngần. Những chiếc cầu nối liền hai bờ, những con đường dẫn đến tận bãi biển Mỹ Khê, bán đảo Sơn Trà, con đường Sơn Trà – Điện Ngọc, đại lộ Nguyễn Tất Thành nối liền với đệ nhất hùng quan Hải Vân… Đà Nẵng thành phố trẻ trung, nhưng đầy năng động.
Tốc độ thành phố phát triển nhanh chóng từ khi Đà Nẵng trực thuộc T.Ư và là đô thị loại một; chính trị kinh tế, xã hội, an sinh phát triển bền vững đã làm bộ mặt của thành phố ngày càng “thay da đổi thịt”. Không chỉ có những khu công nghiệp, mà các nhà doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã đầu tư vào Đà Nẵng những khu du lịch, resort, những khách sạn, hotel, nhà hàng sang trọng đầy đủ tiện nghi, cùng với những sân gold, cáp treo Bà Nà, khu du lịch sinh thái Sơn Trà, du lịch tâm linh Ngũ Hành Sơn; sân bay quốc tế, cảng Tiên Sa và nhiều bãi biển đầy quyến rũ đưa du khách đến Đà Nẵng nghỉ dưỡng, tham quan… với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo và ẩm thực đặc biệt.
Đà Nẵng ngày càng khang trang không chỉ thành phố mà ngay tận các thôn làng cũng đổi thay, tất cả các con đường về tận các xã Hòa Liên, Hòa Nhơn huyện Hòa Vang cũng đều được chỉnh trang bề thế (những đường làng đều bê tông hóa). Để có được như hôm nay, chính quyền thành phố đã “động não” đầu tư quy hoạch. Với tầm nhìn đưa Đà Nẵng trở thành thành phố thân thiện môi trường, tháng 10/2008, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” và xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Nhiều năm qua, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng ngày càng tăng nhanh qua các năm. Năm 2011 tổng lượng khách du lịch đạt 2.350.000 lượt; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 4.426 tỷ đồng. Năm 2012 thành phố sẽ đón 2.659.553 lượt khách tăng 12% so với ước thực hiện năm 2011; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2011.
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực du lịch có nhiều khởi sắc và ngày càng hoàn thiện, đến nay thành phố có 326 khách sạn với 10.570 phòng (tăng 48 khách sạn và gần 2.000 phòng so với cùng kỳ 2011), trong đó có 8 khách sạn 5 sao và tương đương, 3 khách sạn 4 sao và tương đương, 41 khách sạn 3 sao và tương đương với tổng số 5.084 phòng. Nhiều dự án chất lượng cao đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Crowne Plaza, Life Style Resort, Fusion Maia Resort, Vinpearl Luxury Đà Nẵng, Hyatt Regency Đà Nẵng, Inter Continental, Novotel, Mercure, khu du lịch BaNa Hill, khu du lịch Xuân Thiều và Sân Golf The Dunes… góp phần vào việc phát triển và nâng cao chất lượng của sản phẩm du lịch.
Thành phố đáng sống
Không phải ngẫu nhiên mà thành phố Đà Nẵng được ghi nhận giải thưởng “Thành phố phát triển bền vững về môi trường ASEAN năm 2011”. Khởi xướng cho phong trào ấy bắt nguồn từ Chỉ thị 19/2004/CT-UB ngày 20 tháng 10 năm 2004 của Chủ tịch UBND thành phố về việc xây dựng phong trào Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp trên địa bàn thành phố và phong trào này được duy trì thường xuyên, liên tục từ đó đến nay. Phong trào Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp nhiều năm qua đã huy động các nguồn lực trong xã hội, tạo nên phong trào toàn dân cùng tích cực hưởng ứng tham gia làm xanh, sạch đường phố tại từng đơn vị, khu phố, khu dân cư cũng như tại các địa điểm công cộng, bãi biển, khu vui chơi.
Nhiều hoạt động thiết thực như chương trình thi đua “trồng hoa và cây xanh” dưới chân cầu Thuận Phước; hạn chế sử dụng túi ni-lông, tiết kiệm nguồn điện, nước của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố; khai thông cống rãnh, mở rộng mô hình sạch đẹp bãi biển của lực lượng thanh niên… Các phong trào này đã góp phần nâng cao ý thức giữ gìn, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều nơi và nhiều điểm ngập úng trên địa bàn thành phố, tạo nên hình ảnh Đà Nẵng phát triển năng động nhưng thân thiện với môi trường.
Đến hôm nay, phong trào này vẫn phải được duy trì và nhân rộng hơn nữa vì thực tế vẫn còn hiện tượng không giữ gìn vệ sinh nơi công cộng như vứt rác, kẹo cao su, các tờ rơi quảng cáo… một số hàng quán trên vỉa hè còn đổ thức ăn thừa, nước rửa chén xuống cống khiến cho nước thải ứ đọng, cống bị tắc nghẽn. Và, đâu đó vẫn còn những khu vực dân cư chịu ảnh hưởng mùi hôi từ cống nước thải các khu công nghiệp, nhiều đường phố, khu dân cư vẫn còn thiếu cây xanh trong cái đẹp và sạch.
Đà Nẵng đang trên lộ trình phấn đấu đến năm 2020 trở thành “một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình, một thành phố hấp dẫn và đáng sống” trong đó môi trường thành phố xanh-sạch-đẹp là một yếu tố không thể thiếu và điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của người dân. Để đạt được mục tiêu đó, thành phố xây dựng phương án cụ thể cho từng giai đoạn nhằm từng bước vững chắc xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường được quốc tế công nhận. Giai đoạn 2008-2010, thành phố tập trung giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường nước tại các khu dân cư, xử lý nước thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn; giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các nhà máy xí nghiệp, đặc biệt là đối với các nhà máy sắt thép, xi măng, chế biến thủy sản. Đồng thời xử lý thu gom triệt để rác thải sinh hoạt và rác thải nguy hại. Đến giai đoạn 2011-2015, Đà Nẵng phấn đấu đạt 90% chất lượng nước thải sinh hoạt, chất thải rắn của các quận nội thành, nước thải công nghiệp được thu gom và xử lý, 50% chất thải thu gom được tái chế, 50% người chết được mai táng bằng hỏa táng, 90% dân số nội thành và 70% dân số ngoại thành được sử dụng nước sạch, cùng với đó là phát triển diện tích không gian xanh đô thị, kiểm soát ô nhiễm không khí, bảo tồn đa dạng sinh học. Tiếp tục hoàn thiện các mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020 đảm bảo đạt được tất cả các tiêu chí thành phố môi trường, cụ thể như: 100% nước thải công nghiệp và sinh hoạt được xử lý; 70% chất thải rắn được tái chế; 25% lượng nước được tái sử dụng.
Đầu tháng 2/2011, tạp chí Financial Times có bài viết “lưu ý các nhà đầu tư nên chú ý tới Đà Nẵng mới là địa chỉ có môi trường đầu tư tốt nhất Việt Nam”. Theo báo này, Đà Nẵng được coi như nơi để làm ăn, kinh doanh tốt nhất tại Việt Nam, có cơ sở hạ tầng tốt hơn bất kỳ khu vực đô thị lớn nào tại Việt Nam, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhiều khu vực khác ở Việt Nam. Đà Nẵng là thành phố có sự phát triển bền vững mà ở đó, người dân được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển và mục tiêu sau cùng là hướng đến sự phát triển con người, bao gồm 6 yếu tố: môi trường chính trị và quản lý Nhà nước; môi trường kinh tế; môi trường văn hóa xã hội; môi trường, y tế, giáo dục, hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ đô thị khác và môi trường tự nhiên. Đà Nẵng chính là thành phố tôi yêu và là thành phố đáng sống…
Bao Du Lich