(DL) – LTS: Sau khi báo Du lịch số 31 ra ngày 9/8/2012 có bài viết “Cảng cá hay du lịch?” phản ánh sự xuống cấp của bãi tắm Cửa Tùng do xâm thực, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả, bày tỏ sự quan tâm, lo lắng về một vùng biển đẹp gắn liền với những giá trị lịch sử và có ý nghĩa khai thác du lịch, bỗng chốc bị tàn phá do những nguyên nhân chủ quan. Làm gì để cứu Cửa Tùng? Câu hỏi đặt ra, đã, đang được dư luận Quảng Trị và cả nước quan tâm. Để giúp bạn đọc thêm thông tin về vấn đề này, chúng tôi xin đăng bài viết của ông Võ Đình Long, Chánh Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Quảng Trị về những giải pháp cứu bãi biển Cửa Tùng.
Cát bồi ở cảng cá phía Nam Cửa Tùng – Ảnh: Hoàng Hà
Là người sống và lớn lên tại vùng Cửa Tùng, rất yêu Cửa Tùng, khi kè Nam Cửa Tùng xây xong, bãi tắm Cửa Tùng bị tàn phá nặng nề, lòng tôi không khỏi xót xa. Chính vì điều này mà ấp ủ trong nhiều năm qua, tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu quy luật tự nhiên của Cửa Tùng, đồng thời hỏi thêm kinh nhiệm của nhiều người ngư dân và đã đúc kết lại như sau:
– Cửa Tùng không giống bất kỳ cửa biển nào khác trong nước cũng như trên thế giới. Phía Bắc Cửa Tùng chủ yếu là các bãi đá do tạo hóa hình thành nên, tạo thành những eo vịnh bám sát vào triền đồi đất đỏ ba zan từ cửa biển, từ bến đò A và đồn biên phòng , kéo dài trên chục km qua xã Vĩnh Kim. Nhưng ở phía Nam lại hoàn toàn khác, là một bãi ngang chạy dài tít tắp, đây là điểm riêng mà chỉ ở Cửa Tùng có mà thôi.
– Biển khu vực Cửa Tùng chủ yếu là bãi ngang, cửa biển nơi cửa sông Bến Hải đổ ra biển luôn được bồi lấp mạnh qua nhiều năm tháng, sẽ tạo thành gò cát nổi, bãi cát này gần như che chắn kín cửa biển Cửa Tùng với cửa sông Bến Hải. Sau nhiều năm cửa biển sẽ cạn dần, chỉ còn đường lạch đủ cho tàu thuyền ra biển. Nguồn cát này là cát trắng mịn chủ yếu được bồi đắp nhờ sóng, gió và con nước chảy riêng có của biển Cửa Tùng cùng với dòng chảy của sông Bến Hải hợp lưu. Chính vì điều này mà bao đời nay, các eo vịnh từ Cửa Tùng đến Vịnh Mốc được bồi đắp thêm lớp cát trắng mịn.
– Quy luật tự nhiên về bồi đắp lớp cát trắng mịn chủ yếu khoảng từ tháng 4 đến hết tháng 8 âm lịch, nhờ triều cường và dòng chảy gần bờ của biển cùng với dòng chảy của sông Bến Hải chảy theo hướng từ Nam ra Bắc kết hợp với gió Tây Nam thổi đưa những lớp cát từ biển vào bờ bồi đắp cho các bãi tắm 1,2,3…Mùa xói lở chủ yếu từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch. Quy luật này lặp đi lặp lại một cách tuần hoàn tự nhiên, năm này sang năm khác, đời này sang đời khác nhờ đó mới có được bãi tắm đẹp như những năm trước đây.
Nguyên nhân vì sao bãi tắm Cửa Tùng bị mất cát với khối lượng lớn và bị tàn phá?
Thứ nhất: Sau khi bỏ đá xây kè ở phía Nam Cửa Tùng (xong năm 2005) một số lượng nhiều tàu hút cát với công suất lớn đã hút cát với diện tích một khu vực rộng lớn ở cửa sông tiếp giáp biển, với hàng trăm ngàn mét khối cát bị hút đưa lên bờ (số lượng có thể nhiều hơn). Quá trình hút cát này liên tục và thời gian dài làm cho toàn bộ diện tích cửa sông tiếp giáp cửa biển sâu hơn, rộng hơn vì lẽ đó sau khoảng hơn 1 năm động cát ở làng Cát Sơn, xã Trung Giang đã đổ sụp xuống sông, chân cầu Cửa Tùng cũng bị xói lở, tuy nhiên việc xói lở này chỉ là tạm thời vì phía Nam Cửa Tùng theo quy luật tự nhiên bao đời nay chỉ bồi mà không lở.
Thứ hai: Do cửa sông giáp biển được nạo vét sâu, những tháng biển động, gió mùa Đông Bắc với những cơn sóng lớn của gió cấp bão 7,8,9,10… thổi theo hướng Bắc vào Nam đánh vào bờ và hút cát ra biển hàng trăm mét và rồi sóng lớn lại đưa lượng cát từ các bãi tắm quay về nơi đã cấp lượng cát ban đầu cho nó. Từ thực tế những năm qua, cát từ bãi 1 đưa về cửa sông, cát từ bãi 2 đưa về bãi 1… Bãi nào ở càng gần cửa biển thì sự xói lở càng mạnh và khủng khiếp hơn, và ngược lại nó được bồi đắp nhiều hơn nếu ở gần cửa biển hơn.
Thứ ba: Do dọc bãi tắm chưa được xây dựng kè, bậc cấp kiên cố để bảo vệ nên gió mùa Đông Bắc kết hợp với mưa bão làm xói lở bãi tắm. Nay đã có dự án mới xây dựng kè và các bậc xuống điều này là rất tốt, dự án thi công khi hoàn thành sẽ ngăn chặn được tình trạng xói lở sau này cũng như thuận tiện cho du khách lên xuống tắm biển.
Để “Nữ hoàng các bãi tắm” quay trở lại mà không cần tháo kè cũng như không cần làm thêm kè mới, xin trình bày một số giải pháp như sau:
Sau 7 năm làm kè Nam Cửa Tùng, đã không chắn được cát bồi lấp cửa biển (như đề tài kè chắn cát làm cảng cá và khu neo đậu trú bão). Việc hút sâu cửa biển đến hôm nay đã được cát bồi đắp gần bão hòa, lớp cát này được bồi đắp bởi nguồn cát từ 2 phía cát từ các bãi tắm phía Bắc (như đã phân tích ban đầu) và cát từ bãi tắm phía Nam Cửa Tùng tràn qua kè theo dòng chảy gần bờ rồi bồi lấp cửa biển. Trước đây vì tưởng kè Cửa Tùng chắn được cát vì thế có lần tôi đã viết bài nên tháo kè. Tuy nhiên giờ thì tôi khẳng định lại kè chắn cát Nam Cửa Tùng không chắn được cát bồi lấp vì vậy cũng không cần tháo kè làm gì. Hằng năm, số lượng cát bồi lấp rất lớn, với hàng trăm ngàn mét khối cát bồi cho khu vực trước cửa biển và của sông chủ yếu phía Nam (khu vực chân cầu Cửa Tùng bồi dần sang bờ Bắc). Đến hôm nay, cửa biển Cửa Tùng bị bồi lấp thành cồn cát theo quy luật tự nhiên ban đầu. Chính vì quy luật tự nhiên bồi lấp này đã cứu bãi tắm Cửa Tùng.
Tin rằng, chỉ một vài năm sau cồn cát này sẽ lớn dần, nếu như không hút cát thì người dân có thể đi bộ, thanh niên có thể đá bóng trên cồn cát này được, vì diện tích bồi này rất lớn, đến nay cửa biển được bồi gần như trở lại những ngày trước khi làm kè. Đây là điểm mấu chốt quan trọng nhất để “Nữ hoàng các bãi tắm” quay trở lại mà không cần phải tháo kè, hoặc làm thêm kè chắn cát ở phía bờ Bắc. Cát bồi lấp bão hòa theo một quy luật tự nhiên tuần hoàn ở cửa biển Cửa Tùng, cát trắng tự nhiên sẽ theo nước và theo sóng bổ sung nguồn cát cho các bãi tắm phía bắc từ bãi tắm 1,2,3… đến Vịnh Mốc sẽ được tiếp tục bồi đắp thêm cát, như vậy bãi tắm ngày càng rộng ra, dài hơn, mực nước nông sẽ cạn dần hơn.
Hiện nay, tại bãi tắm Cửa Tùng, làn cát trắng đã được bồi đắp ngày càng nhiều hơn thay cho những hạt cát to của mấy năm trước. Mực nước bãi tắm tính từ mép bờ ra biển, nước nông chỉ ngang đến tầm ngực cách xa bờ từ 50 – 70 m rất lý tưởng cho tắm biển, du khách ở ngoài Bắc, đặc biệt là khách Hà Nội rất thích và ưa chuộng. Tình trạng từng vũng, từng hố chỗ sâu chỗ cạn như mấy năm trước đã không còn nữa. Cát trắng mịn đã dần lấp hết lớp cát to, vỏ hàu, vỏ ốc mà mấy năm trước bị cuốn vào tạo mới nên bề mặt êm ái dưới làn nước trong xanh của bãi tắm, tuy chưa được như ngày xưa nhưng so với những năm 2008-2010 là rất tốt, tin rằng, chỉ vài năm nữa bãi tắm sẽ trở lại nguyên nghĩa của nó “Nữ hoàng của các bãi tắm”, điều đó là chắc chắn.
baodulich.net