Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, trong số hơn 20 sự kiện kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2014), lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch chiếm tới 10 sự kiện.
Xin ông cho biết những điểm nhấn của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô?
Hoạt động quan trọng nhất diễn ra ngày 10/10 là Lễ mít tinh cấp quốc gia kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Tại lễ kỷ niệm này, TP. Hà Nội cũng tổ chức đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, tuyên dương người tốt, việc tốt và công dân ưu tú Thủ đô năm 2014.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội.
Cũng vào ngày 10/10, một chương trình nghệ thuật rất ý nghĩa sẽ diễn ra tại 4 đầu cầu. Đầu cầu thứ nhất là tại trường quay của Đài Truyền hình Việt Nam, với sự tham gia của những nhân chứng lịch sử ghi lại truyền thống 60 năm của Hà Nội. Đầu cầu thứ hai tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám, hội tụ nhiều nghệ sĩ, ca sĩ của cả nước.
Đầu cầu thứ ba tại tượng đài Vua Lý Thái Tổ với chương trình nghệ thuật “Hà Nội ngày về”, diễn tả lại quá trình lịch sử từ năm 1954 khi Hà Nội giải phóng đến quá trình phát triển của Hà Nội hôm nay.
Đầu cầu cuối cùng là tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, với chương trình thời trang “Hương sắc Hà Nội”, giúp người dân Thủ đô hiểu rõ được truyền thống làng nghề của Thủ đô. Đây là năm đầu tiên chương trình này được tổ chức, nếu thành công sẽ đặt nền móng cho việc phát triển hoạt động này thành một sự kiện văn hóa thường niên của Hà Nội.
Đặc biệt, vào lúc 21h tối 10/10, đồng loạt 30 quận, huyện sẽ bắn pháo hoa để chào mừng 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Tiếp nối những hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ngày 12/10, Hà Nội sẽ tổ chức 8-10 sự kiện nhằm tôn vinh Hà Nội là thành phố vì hòa bình, với những hoạt động như đi bộ vì hòa bình, thả chim, thi vẽ tranh cho các em thiếu nhi, trưng bày văn hóa 10 nước ASEAN với Hà Nội do đại sứ quán của các nước ASEAN tham gia.
Ngoài ra, còn nhiều hoạt động khác cũng được tổ chức trong dịp này, như Giải đua xe đạp Hà Nội mở rộng, Giải chạy Báo Hà Nội mới, Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 2014, Liên hoan Du lịch làng nghề Thủ đô… Đây cũng là năm đầu tiên, chúng tôi thử nghiệm chương trình lễ hội đường phố, với sự tham gia của gần 800 diễn viên đến từ các đoàn nghệ thuật của Hà Nội tham gia.
Điểm cốt lõi trong những sự kiện này là thể hiện những nét đặc trưng riêng của văn hóa Hà Nội, thưa ông?
Tinh hoa văn hóa Hà Nội được thể hiện nổi bật trong tất cả các chương trình nghệ thuật với sắc màu riêng của Hà Nội. Người Hà Nội đã đón nhận và chắt lọc văn hóa của nước ngoài, của các tỉnh, thành trong cả nước, để biến những nét tính túy nhất của các nền văn hóa khác nhau thành nét văn hóa rất riêng của Hà Nội, chứ không phải mãi mãi giữ riêng văn hóa Hà Nội. Đây chính là sự giao thoa và chắt lọc, để rồi qua người Hà Nội, nét văn hóa rất riêng ấy lại được lan tỏa.
Nét văn hóa rất riêng của Hà Nội đã tạo ra nguồn cảm hứng vô tận cho các nhạc sĩ. Trong dịp này, chúng tôi cũng biên tập và chọn ra 60 bài hát hay nhất về Hà Nội. “Hà Nội ngày về” sẽ hội tụ hơn 1.000 nghệ sĩ, bên cạnh những nghệ sĩ nổi tiếng của các vùng miền, thì chủ yếu là những nghệ sĩ của Hà Nội.
Những hoạt động trên nhằm tạo cơ hội thu hút khách quốc tế và nội địa, giúp Hà Nội đạt mục tiêu đón 3 triệu khách quốc tế và 15 triệu khách nội địa năm 2014. Với tinh thần đó, chúng tôi cũng tổ chức Liên hoan Du lịch làng nghề, với cam kết của những doanh nghiệp lữ hành là không tăng giá mà còn thực hiện nhiều chương trình giảm giá sâu, với kỳ vọng sẽ tạo ra con số ấn tượng về du lịch Hà Nội vào cuối năm 2014.
Để tổ chức chuỗi các hoạt động mang quy mô lớn như vậy, vấn đề chi phí có phải là trở ngại lớn không?
Về kinh phí tổ chức các hoạt động, tôi xin khẳng định là không tốn nhiều, bởi kinh phí được huy động nhiều từ nguồn xã hội hóa. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được hưởng ứng và tham gia của nhân dân từ các địa phương tới Thành phố.
Riêng những hoạt động văn hóa, văn nghệ chính tại trung tâm Hà Nội được tổ chức tại Nhà hát Lớn, Văn Miếu Quốc Tử Giám, tượng đài Vua Lý Thái Tổ hay Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Những điểm này tự thân nó đã là biểu tượng của văn hóa và là những sân khấu có sẵn.
Bên cạnh đó, một địa điểm như sân khấu Tượng đài Lý Thái Tổ được chuẩn bị 1 lần, nhưng tổ chức nhiều sự kiện như Liên hoan Múa rồng toàn Thành phố, Chương trình “Hà Nội ngày về”, lễ hội vì hòa bình… Do đó, kinh phí không phải là vấn đề lớn, mà quan trọng nhất là vấn đề an ninh. Nếu an ninh không được đảm bảo, thì tất cả các hoạt động trên đều sẽ mất ý nghĩa.
VnExpress.net/ Báo Du lịch