Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, nơi hàng ngàn người đang an giấc nghìn thu, chưa bao giờ được bình yên.
Ở đó, người sống vẫn nhộn nhịp hằng giờ, hằng ngày, hằng đêm, quằn quại mưu sinh, giẫm đạp, lấn chiếm… Mấy năm trở lại đây, lại có thêm dịch vụ câu cá “âm phủ”, được xem là trò chơi giải trí rùng rợn và quái dị. Sợ hãi nhưng tò mò là động lực kéo chân những "con ma sống" tìm đến nơi này.
Giải trí ở "đất chết"
Chiều nhập nhoạng, hàng trăm người tụ tập ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) để câu cá giải trí. Họ câu cá tại đây, như một sự tò mò về cõi âm, nơi hàng ngàn ngôi mộ đang yên nghỉ, như để thử thách lòng dũng cảm của người sống.
Thật lạ, người câu thì ít, nhưng người đứng xem thì nhiều. Chẳng biết họ xem điều gì? Giữa một cái ao tù đọng, ba phía mồ mả bao bọc, còn một phía rác rưởi ngập ngụa, hôi thối nồng nặc. Không ai bảo ai, họ cứ chong mắt lên, trân trối vào một cõi. Họ đến đây cũng để thử sức chịu đựng sự dạn dĩ với ma quỷ và sự tò mò về "thế giới âm ti".
Ao cá nằm trong diện tích quy hoạch của nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Nó trở thành ao bởi quá trình xới múc, đào bới đất phục vụ việc mai táng từ nhiều năm nay. Từ một cái hố sâu, qua thời gian xói mòn cộng với sự gọt đẽo của bàn tay con người, tận dụng không gian dư thừa của nghĩa trang, ông Nguyễn Văn Ba đã đứng ra nhận thầu và mở mang thành cái ao rộng khoảng năm trăm mét vuông. Ông thả một số loại cá phù hợp với môi trường sống, như: trê, chim, basa, rô phi…
Lúc đầu, ông nghĩ thả cho vui thôi, chiều chiều xách cái ghế bố ra ngồi câu cá, ngửa mình dưới vòm cây xanh rì rào gió mát. Coi như giải trí tuổi xế chiều. Không ngờ, chốn vui chơi cạnh "người âm" lại lôi cuốn sự hứng thú của rất nhiều người. Thấy vậy, ông Ba nảy ra ý tưởng kinh doanh: Câu cá giải trí lành mạnh. Giá 25 ngàn đồng đồng/1 tiếng đồng hồ, trọn gói 4 tiếng là 100 ngàn đồng, cộng với tiền thuê cần câu 15 ngàn/ lần.
Cảnh câu cá giải trí ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
Ao cá của ông Ba mở cửa đón "cần thủ" từ 7 giờ sáng đến 9 giờ đêm. Tại đây, ông phục vụcần câu, mồi câu, nước uống, ghế ngồi… Ông chủ ao cá có phong cách sống rất cởi mở, phóng khoáng. Ai câu được bao nhiêu ông đều mua hết, nhưng tuyệt đối không bán lại. Ai không câu được cá, ra về nếu có nhu cầu ông sẽ biếu một con cá tùy chọn. Ngày chủ nhật hằng tuần, ông đưa ra giải thưởng một thùng bia cho người nào câu được cá to nhất.
Ông Ba mua lại cá của người đi câu.
Để bảo đảm an toàn cho "cần thủ", ông Ba cho máy "gọt" một con đường nhỏ, đủ cho hai người đi bộ tránh nhau. Kỳ thú ở chỗ, người câu cá ngồi tựa lưng vào gốc cây, phía trên là hàng ngàn ngôi mộ lớn bé, cũ mới xếp lớp, thỏa thê trải nghiệm cảm giác rùng rợn, gai gai. Anh Phước Lập (quận Bình Tân), một "cần thủ" có thời gian dài trải nghiệm cảm giác "câu cá âm phủ", chia sẻ: "Thỉnh thoảng tôi lại đến đây câu cá, thú thật là tôi không quan tâm việc có câu được cá hay không. Tôi đến vì thấy ở đây không gian mát mẻ, thoải mái. Mồ mả lúc đầu cũng ớn lắm chứ, nhưng ngồi nhiều lại quen, không sợ nữa".
Mùi âm khí nặng nề của hàng ngàn ngôi mộ, mùi xác chết thối rữa của loài động vật nào đó, cộng hưởng thêm mùi nhùng nhằng bốc ra từ bãi rác, xộc thẳng vào mũi, cảm tưởng như thắt chặt lấy hơi thở. Nhưng, tiếng rục rịch cười nói vẫn lổn ngổn xung quanh. Dường như, thú chơi "bắt cá âm phủ" đã lấn át tất cả. Những "cần thủ" say sưa, đăm đắm theo dõi từng tiếng động rất khẽ trên mặt nước.
Đêm xuống, không khí câu cá càng sôi động, lằn ranh giữa người chết và người sống càng được xích lại gần hơn. Khi ấy, sự trải nghiệm cảm giác rờn rợn mới thật thú vị. Nghe những lời thủ thỉ của "cần thủ" nhí Đỗ Tiến Đạt (15 tuổi) lại hiểu thêm về thú chơi kì quái của người Sài Gòn. Đạt đang học lớp 9, nhưng chiều nào cậu ta cũng ra đây so tài với các bậc cha chú đầu hai thứ tóc. Đạt tự hào khoe: "Có lần em câu được gần chục kilôgam, mà em bán lại hết cho ông chủ. Ba mẹ em bả không ăn cá ở đó, đừng có mang về. Như thời gian này, nước cạn, cá không dính nhiều. Bắt đầu vào mùa mưa, nước ngọt nhiều, câu mỏi tay luôn, đặc biệt là trê".
Hãi hùng con cá "cõi âm"
Một bộ phận giang hồ tứ chiếng, lang bạt kỳ hồ chọn nghĩa trang là nơi ăn dầm nằm dề, ký gửi thân xác. Nhóm người này câu cá xong tổ chức ăn nhậu ngay trên những bia mộ. Trai gái bặm trợn, cụng chai, cụng ly nói cười ngả ngớn trên đầu người chết. Họ ném cái nhìn đầy lạnh lẽo vào thế giới tâm linh. Một bức tranh sống vô cùng "bẩn" tại nghĩa trang. Còn số khác lặng lẽ ngồi, chăm chú theo dõi sự rung động của giây cước, sẵn sàng "cất vó". Hai thế giới khác biệt tồn tại giữa lòng "âm phủ".
Điều đặc biệt là hầu hết những người đến đây câu cá đều không mang cá về. Họ bán lại cho chủ với giá đồng nhất là 20 ngàn đồng/1kg. Để có cá cho khách câu, ngày nào ông Ba cũng phải thả cá, nhưng có những con cá nặng hàng năm bảy ký đã gây không ít nghi hoặc cho người câu. Những con cá trê vàng óng, mập mạp, có con nặng đến 3kg. Bà Bảy, bán bắp nướng ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa, lý giải: "Ai cũng biết loại cá trê thường sống trong những ngôi mộ, càng ẩm ướt nó càng phát triển. Những con cá trê hàng vài ký lô là từ trong mộ ra cả chứ ở đâu có. Cá thả làm gì lớn nhanh như vậy được. Người ta không dám vì sợ ăn nhầm vào thân xác người quá cố".
Bảng nội quy câu cá giải trí.
Vào mùa mưa, nước từ trong nghĩa trang theo từng rãnh sẽ đổ về ao, rất có thể cá trê sẽ đi theo đường đó. Để minh chứng cho lời nói của mình, bà Bảy kể câu chuyện về một “cần thủ” ở Củ Chi: "Khoảng tháng 7 năm rồi, ông đó đi lên nhà bà con ở Bình Tân này chơi thì được thằng cháu rủ ra câu cá "nghĩa trang". Ông ta hào hứng lắm. Khoảng hơn hai tiếng ngồi câu, người chú giật được con trê gần 4 ký lô.
Kéo con cá lên, tự nhiên phát hiện nó chỉ có một mắt, ông chú hoảng qúa, thả luôn xuống ao và giục cháu đi về. Từ lần đó, tôi không thấy hai chú cháu nhà đó tới câu nữa". Ngoài lượng cá thả, ao còn tiếp nhận số lượng lớn cá phóng sinh từ khắp nơi đổ về. Ông Ba bảo rằng, nhiều người quan niệm, cái ao ở nghĩa trang là nơi linh hồn người chết ký thác nên mỗi mùa lễ lộc, họ thả rất nhiều cá, cầu mong cho những linh hồn chóng siêu thoát.
Vì vậy, người ta câu cá với mục đích tìm cảm giác chứ không hẳn để lấy cá. "Cần thủ" có thể ngồi cả ngày quăng cần bỏ đó, mục đích chỉ để nghe âm thanh gì đó từ trong những nấm mồ. Chốn yên nghỉ của người chết bỗng náo loạn lên bởi tiếng thì thầm nhỏ to, tiếng hú gọi hỏi han nhiều ít của người câu cá giải trí. Khoảng 20 giờ trở đi, hồ cá trở nên âm u lãnh lẽo, âm khí ở nghĩa trang càng "tôn" thêm vẻ liêu trai rợn người. Ông Đặng Tấn (quận Tân Phú) cho biết: "Càng về đêm, không gian tĩnh mịch, cá càng dính mạnh, cho nên nhiều người thích đi câu vào ban đêm. Chúng tôi thì cứ nói vui với nhau rằng, là cá hay ma cũng nên. Anh em đến đây, thoải mái là chủ yếu nhưng cũng để cảm thấy gần hơn với "cõi âm", nhìn cái chết nhẹ nhàng hơn một khi nó đến với mình".
Nhìn tổng thể thì nước ở dưới ao nghĩa trang tương đối trong sạch. Điều này vô cùng hiếm hoi so với hầu hết các kênh, rạch, sông ngòi với mức độ ô nhiễm trầm trọng ở Sài Gòn. Ông Ba cho biết, mùa khô, nước dưới ao cạn nhiều nên phải bơm nước vào. Còn mùa mưa thì tha hồ. Độ sâu của ao trung bình hai mét. Xung quanh không hề có rào chắn, bốn bờ thênh thang nên nhiều vụ chết đuối thương tâm đã xảy ra, nhiều nhất là trẻ em. Đây là hồi chuông cảnh báo cho cả đi người câu lẫn người đi xem.
Người, xe đứng ngồi tấp nập trên những nấm mộ xem câu cá.
Giải trí bằng trò câu cá "âm phủ" có đủ loại người, từ bạc đầu đến để chỏm, từ giàu sang đến rách nát. Có những cô cậu đang mặc đồng phục đeo bảng tên của một ngôi trường cấp 2, cấp 3 gần đó. Không ai hiểu thú câu cá "âm phủ" có ma lực như thế nào mà lôi cuốn người mê mệt vào đấy.
Xem thêm: Du lịch Sài Gòn
CAND