Trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung còn gặp nhiều khó khăn, Thái Lan, một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến với xứ chùa Vàng, qua đó tăng cường “sức khỏe” cho nền kinh tế…
Từ thành lập các tòa án…
Báo Bangkok Post số ra ngày 18-9 cho biết, từ ngày 23-9 tới đây, Thái Lan bắt đầu mở cửa tòa án sân bay đầu tiên ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi thuộc tỉnh Samut Prakan và mô hình tòa án tương tự sẽ sớm được áp dụng cho các sân bay Don Muang và Phuket.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cụm cảng hàng không Thái Lan (AOT) X.Đi-va-ri (Sita Divari) cho biết, phòng xét xử ở tầng 3 của sân bay được lắp đặt thiết bị hiện đại để kết nối với tòa án tỉnh Samut Prakan, nơi các thẩm phán sẽ xem xét những vụ việc từ xa. Tòa xét xử các vụ án, vụ kiện liên quan đến du khách nước ngoài, bao gồm cả vụ án hình sự, phát sinh trong phạm vi sân bay.
Vị chủ tịch này cũng khẳng định tòa án sẽ linh động nếu du khách nước ngoài muốn xuất cảnh gấp và đặt lịch hẹn xem xét vụ việc theo thời gian thích hợp. Bangkok Post dẫn lời Quyền giám đốc AOT P.Xem-xan (Pongsak Semsan) cho biết, từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay đã xảy ra 1.980 vụ phạm tội với 1.047 nghi can ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi. Vì vậy, theo như lời ông X.Đi-va-ri, tòa án sân bay sẽ giúp cải thiện hình ảnh du lịch của Thái Lan, giảm tỷ lệ tội phạm ở sân bay và đơn giản hóa việc xét xử.
Theo tờ Nation, ngày 5-9 vừa qua, Thái Lan đã mở thí điểm tòa án du lịch đầu tiên của nước này cũng như trên thế giới, tại thành phố biển Pattaya nhằm đảm bảo sự an toàn cho khách du lịch tới tham quan và nghỉ dưỡng. Cơ quan tư pháp Thái Lan cho biết, khách nước ngoài bị đối xử phân biệt, bị lừa gạt, bị mất trộm, xảy ra mâu thuẫn hoặc tai nạn đều có thể tự thực hiện các thủ tục pháp lý một cách nhanh gọn, sau khi Thái Lan thành lập cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người nước ngoài đầu tiên này.
Việc thành lập tòa án du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách muốn có được một tiến trình pháp lý hiệu quả, nhanh gọn và đúng đắn theo luật pháp của Thái Lan. Dự kiến trong thời gian tới, sẽ có thêm 6 tòa án kiểu này được thành lập ở những điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan.
Nhận định về vai trò của các tòa án này, Thư ký Văn phòng Bộ Tư pháp U.Chin-uynh-cun (Wirat Chinwingkul) cho biết, ngành du lịch của Thái Lan đang trở thành nguồn thu nhập chính cho đất nước, do vậy, để bảo đảm an toàn và tăng cường lòng tin cho khách du lịch cũng như để bảo đảm dịch vụ hoàn hảo, một hệ thống bảo vệ pháp lý hoạt động hiệu quả là điều thiết thực.
…đến lắp đặt các ca-mê-ra trên tắc-xi
Không chỉ thành lập các tòa án, tờ Bangkok Post ngày 16-9 cho biết, Thái Lan hiện còn đang xem xét kế hoạch bảo vệ an toàn cho hành khách, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài sử dụng các dịch vụ tắc-xi, bằng việc buộc các hãng tắc-xi phải lắp thiết bị ca-mê-ra. Các ca-mê-ra được lắp trên xe tắc-xi có thể ghi lại hình ảnh và giọng nói, giúp các cơ quan chức năng xác định được diễn biến trên xe một khi xảy ra sự cố. Dự kiến quy định mới này sẽ được áp dụng trong vòng 3 tháng tới.
Hành khách làm thủ tục tại sân bay Suvarnabhumi. Ảnh: Bangkok Post.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Thái Lan C.Xít-ti-pun (Chadchart Sittipunt) cho biết, đề xuất lắp đặt ca-mê-ra trên xe là để giúp các cơ quan chính quyền giám sát được những hành động của lái xe cũng như hành khách, qua đó bảo đảm an toàn cho các hành khách, đồng thời chính quyền có bằng chứng giải quyết những lái xe tắc-xi có hành động vi phạm pháp luật. Ngoài ra, các ca-mê-ra trên xe cũng giúp loại bỏ việc tài xế từ chối chở khách.
Không riêng gì tắc-xi, mà trên nhiều tuyến phố tại thủ đô Băng Cốc cũng đã thực hiện lắp đặt ca-mê-ra nhằm ngăn chặn tình trạng tội phạm. Phó tổng thư ký Bộ Giao thông Vận tải C.Vi-xa-la-chít (Chirute Visalachitr) còn cho biết, bộ cũng có kế hoạch lắp đặt hệ thống định vị toàn cầu (GPS) trong các xe tắc-xi.
Trên thực tế, Thái Lan đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp thu hút khách du lịch khi nước này xác định rõ ngành du lịch đang trở thành mũi nhọn trong tăng trưởng kinh tế. Tờ Nation cho biết, ngành du lịch của Thái Lan đang phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu 2000 tỷ bạt vào năm 2015. Trong khi đó, trước mắt, Tổng cục Du lịch Thái Lan dự báo trong năm nay, Thái Lan sẽ đón khoảng 26 triệu khách, thu về 1.170 tỷ bạt, tăng 20% so với dự báo 1000 tỷ bạt từ đầu năm.
Những nỗ lực rất lớn, mà theo như lời Bộ trưởng Du lịch X.Pu-re-ri-xắc (Somsak Pureesrisak), nhằm “chuẩn hóa” ngành du lịch Thái Lan, trong đó chú trọng các biện pháp trấn áp nạn lừa đảo, chặt chém du khách của một số đối tượng, băng nhóm, thực sự đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách đến với xứ chùa Vàng.
Và mới đây, thủ đô Băng Cốc của Thái Lan, lần thứ hai kể từ năm 2008, đã vinh dự giành được giải thưởng Thành phố tốt nhất thế giới năm 2013 do tạp chí du lịch uy tín Travel+Leisure bình chọn. Giải thưởng thành phố tốt nhất thế giới được bình chọn trên 6 tiêu chí chủ yếu là tính hấp dẫn du khách (bao gồm phong cảnh, sự lôi cuốn và sôi động); văn hóa và truyền thống; ẩm thực và tiện ích mua sắm; sự thân thiện; những giá trị du lịch cũng như mức độ hài lòng đạt được của du khách so với chi phí bỏ ra khi đến thành phố.
Có thể nói, câu chuyện ngành công nghiệp không khói của Thái Lan thực sự là một trải nghiệm đáng để các quốc gia khác phải lưu tâm suy ngẫm!./.
QĐND