Trong thời buổi công nghiệp tiên tiến, phương tiện giao thông phát triển mạnh mẽ. Riêng lĩnh vực đường không đã chứng kiến cuộc chạy đua mạnh mẽ và không ngừng của các hãng hàng không với nhiều loại máy bay hiện đại liên tiếp được bổ sung.
Sau đây ta hãy cùng xem những loại máy bay thuộc loại “khủng” nhất thế giới.
Máy bay vận tải Super Guppy:
Được sản xuất bởi tập đoàn Aero Spacelines, Super Guppy là một máy bay chở hàng khoang rộng, kích thước lớn của Hoa Kỳ, chuyên được dùng để vận chuyển các loại hàng hóa quá khổ.
Lúc ban đầu Super Guppy dự tính được đặt tên là Super Whale vì thân hình của nó trông như một con cá voi khổng lồ. Những chiếc Super Guppy hiện nay được Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ NASA sử dụng để chuyên chở các linh kiện phục vụ cho các chương trình vũ trụ.
Với chiều dài thân lên đến 43 mét và phần khoang bụng máy bay được làm phình ra với đường kính cực đại là 7,6 mét, máy bay Super Guppy có thể chuyên chở được các phần của tàu con thoi hoặc một máy bay đã được tháo rời. Trên thế giới chỉ có 5 chiếc Super Guppy được sản xuất nhưng hiện nay chỉ còn duy nhất 1 chiếc còn hoạt động.
Máy bay vận tải chiến lược Antonov An-225:
Máy bay Antonov An-225 là một máy bay vận tải chiến lược của Nga, do Tổ hợp Khoa học – Công nghệ Hàng không Antonov chế tạo. Đây được xem là máy bay vận tải lớn nhất thế giới vẫn còn hoạt động. Với tổng trọng lượng lên đến 640 tấn, Antonov An-225 là chiếc máy bay nặng nhất thế giới hiện nay.
Antonov An-225 ban đầu được thiết kế cho các chương trình không gian của Liên bang Xô Viết và có khả năng vận chuyển bằng đường không tàu con thoi Buran cùng nhiều loại hàng hóa cỡ lớn. Với sải cánh dài 88.4 mét, Antonov An-225 có đến 6 động cơ đẩy, nhiều hơn bất cứ máy bay nào trên thế giới. Khoang bụng khổng lồ của máy bay này có thể chở được một lượng hàng hóa nặng 250 tấn, một con số mà không máy bay vận tải nào đạt được.
Với nhiều ưu thế vượt trội nên tháng 11/2004, Liên đoàn Hàng không Quốc tế (FAI) đã đưa Antonov An-225 vào Sách kỷ lục Guinness với 240 kỷ lục.
Máy bay bụng bầu Boeing 747 Dreamlifter
Boeing 747 Dreamlifter với tên gọi chính thức Large Cargo Freight Aircraft, là tên một loại máy bay chở hàng của hãng sản xuất máy bay Boeing. Hiện nay, máy bay này là máy bay chở hàng dài nhất thế giới và được hãng Boeing sử dụng để chuyên chở các bộ phận của máy bay 787 Dreamliner từ các nhà máy trên khắp thế giới vầ lắp ráp tại Mỹ.
Được thiết kế dựa trên mẫu máy bay Boeing 747, 747 Dreamlifter có phần thân bụng được kéo dài ra để có thể chứa được nhiều linh kiện lớn của máy bay 787 Dreamliner. Hãng Boeing cho biết họ chỉ thiết kế máy bay 747 Dreamlifter cho mục đích duy nhất để vận chuyển các linh kiện của 787 Drealiner nhằm giảm thiểu tối đa chi phí vận chuyển.
Boeing 747 Dreamlifter có sải cánh 64,4m, dài 71,68m, cao 21,54m và bay với vận tốc 878 km/h. Hiện nay, hãng boeing chỉ sản xuất 4 chiếc thuộc loại này.
Máy bay vận tải chiến lược C-5 Galaxy
Là máy bay vận tải chiến lược lớn nhất do quân đội Mỹ nghiên cứu và chế tạo bởi tập đoàn Lockheed Martin, C-5 Galaxy bắt đầu được đưa vào sử dụng từ năm 1969 và đến nay vẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với công tác vận tải quân sự của quân đội Mỹ.
Có chiều dài là 75,5 mét, sài cánh 67,8 mét và cao gần 20 mét. Máy bay C-5 Galaxy có thể đạt vận tốc tối đa là 1.000 km/h và có thể bay liên tục 4.440km mà không cần tiếp nhiên liệu. Được xem là máy bay vận tải quan sự lớn nhất thế giới khi C-5 Galaxy có thể mang một lượng khí tài nặng đến 123 tấn.
Hiện nay, C-5 Galaxy đã được sản xuất thêm nhiều biến thể khác nhau còn sử dụng thêm cho mục đích vận chuyển các thiết bị kỹ thuật siêu trọng dùng trong các sứ mệnh vũ trụ của Mỹ.
Máy bay siêu vận tải Airbus Beluga
Được nhiều người biết đến với tên gọi “Cá voi”, máy bay Beluga là phiên bản của máy bay dân dụng Airbus A300-600 được cải tiến nhằm chuyên chở các phần lắp ráp của máy bay và các kiện hàng cỡ lớn. Với biệt danh là Siêu vận tải, máy bay Beluga có thể chở được một khối lượng hàng hóa nặng 47 tấn. Dài 56 mét, sải cánh 44.8 mét và cao 17.2 mét, máy bay Beluga thoạt nhìn như một con cá coi có thể bay được trên bầu trời.
Được hãng Airbus chế tạo và giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1995, máy bay này được chế tạo nhằm phục vụ cho việc vận chuyển các linh kiện lắp ráp máy bay của chính hãng Airbus.
Nhưng thời gian gần đây, cũng được cho thuê theo hợp đồng nhằm chuyên chở các loại hàng hóa đặc biệt như hàng hóa công nghiệp vũ trụ, các mặt hàng nhạy cảm và cả trực thăng nguyên chiếc. Hiện nay, chỉ có 5 chiếc Beluga đã được sản xuất và hoạt động tại các nhà máy của Airbus ở Châu Âu.
Máy bay dân dụng Airbus A380
A380 là tên một loại máy bay dân dụng của hãng máy bay Airbus, đến thời điểm này đây là máy bay chở khách lớn nhất thế giới. Bắt đầu được đưa vào sử dụng từ năm 2007, đến nay A380 đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới. Máy bay A380 được thiết kế với 4 động cơ và có 2 tầng chở khách, máy bay có thể chở được 555 hành khách nhưng khi tối đa có thể đạt đến 853 hành khách trên một chuyến bay.
Được nhiều người gọi là “khách sạn bay 5 sao”, Airbus A380 là loại máy bay duy nhất trên thế giới có nhiều tiện nghi sang trọng như nhà hàng, quầy bar, phòng tắm, spa và nhiều dịch vụ giải trí khác.
Với chiều dài 73 mét, sải cánh gần 80 mét và cao 21 mét, A380 có một kích thước khổng lồ. Khoang nhiên liệu tối đa có thể chứa được 310.000 lít giúp máy bay bay được một đoạn đường 16.000 km. Với kích thước hầm hố như vậy nhưng A380 vẫn có một vận tốc bay đáng kể khi bay với vận tốc 1050 km/h.
Yan