Đất nước Syria đắm chìm trong cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài hơn một năm rưỡi qua giữa lực lượng nổi dậy và quân chính phủ đã dẫn đến một thảm họa văn hóa khi 5/6 di sản thế giới của Syria bị tàn phá nghiêm trọng trong khói lửa.
Thành cổ Aleppo bị biến thành chiến trường (ảnh: AFP)
Các di sản bị phá hủy bởi xe tăng, đạn pháo. Các đồ vật cổ bị lấy cắp, tuồn sang các quốc gia láng giềng, đổi chác lấy vũ khí. Cái nôi của văn minh nhân loại đang thực sự bị lâm nguy.
Cái nôi văn minh nhân loại
Nền văn minh cổ Ebla có lịch sử 3000 năm trước Công nguyên và phát triển rực rỡ từ năm 2500 tới năm 2400 trước Công nguyên. Syria còn lưu giữ trong nó những dấu ấn của quá trình phát triển của nền văn minh toàn thế giới, đặc biệt là nền văn hóa Hy Lạp, La Mã cổ đại.
Syria cũng được biết đến là “mảnh đất của các nền văn minh”. Syria có 6 di chỉ gồm, Damascus, Aleppo, Palmyra, Bosra, Krak des Chevaliers và lâu đài Saladin, các ngôi làng cổ ở miền Bắc đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Các nhà khảo cổ thế giới cho rằng, các di chỉ khảo cổ của Syria rất đặc biệt vì chứng kiến sự tiến hóa của loài người.
Syria có khoảng 10.000 di tích văn hóa, đây là nguồn “tài sản” vô giá, thu hút các du khách từ khắp nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng và thưởng ngoạn. Trước đây, du lịch mang lại 12% thu nhập cho ngân quỹ Syria, đồng thời kích thích các ngành dịch vụ ăn theo phát triển. Việc di sản văn hóa bị hủy hoại, các cổ vật bị cướp bóc có thể tước đi của đất nước này cơ hội tái bùng nổ du lịch. Còn văn hóa thế giới mãi mãi đánh mất những di tích vô giá của nền văn minh con người.
Nền văn hóa bị hủy hoại và cướp bóc
Cuộc xung đột 18 tháng qua không chỉ khiến khoảng 30.000 người Syria thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa, dòng người tị nạn đổ sang nước láng giềng mà bom đạn còn tàn phá và cướp bóc nền văn minh lâu đời của nhân loại.
Những giá trị lịch sử vô giá của Syria như các lâu đài, thánh đường cổ xưa, nhà thờ đang trở thành những “miếng mồi” cho những kẻ cướp bóc đồ cổ và bị tàn phá bởi bom đạn giữa quân nổi dậy và quân chính phủ trong việc giành quyền kiểm soát đất nước.
Các công trình kiến trúc cổ của Syria có giá trị lớn trong kho tàng văn hóa cổ vùng Trung Đông và từng được mô tả là “được gìn giữ tốt nhất thế giới”, nhưng giờ đây những cuộc chiến giằng co đã khiến cho di sản văn hóa ở vùng Trung Đông bị phá hủy rất nhiều.
Các thành phố nơi có các di sản văn hóa cổ, đang trở thành chiến trường với nhiều xe tăng và vũ khí hạng nặng và được mệnh danh là… “các thành phố chết”. Các di sản văn hóa không ai bảo vệ. Người ta chỉ nhìn thấy cảnh nhiều bức tường, nhiều thánh đường tung lên bởi thuốc nổ.
Ngày 29.9 vừa qua, công trình lịch sử Bab Antakya, một địa danh nổi tiếng ở thành phố Aleppo, đã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của LHQ (UNESCO) công nhận là di sản thế giới đã bốc cháy. Bab Antakya là một trong những “cửa ô” cổ kính và quan trọng của thành phố Aleppo, được xây dựng trong giai đoạn từ thế kỷ thứ XII đến thế kỷ thứ XVII. Đây là một trong những công trình lịch sử có ý nghĩa đối với thành phố Aleppo.
Một khu vực khác ở Aleppo, nơi được mệnh danh là “viên ngọc Trung Đông” tồn tại từ thời Trung cổ cũng đã biến mất khỏi Trái đất này bởi bom đạn chiến tranh. Đó là khu chợ có mái lợp lớn nhất thế giới “Al-Madina” hiện chỉ còn lại một đám tro tàn. Lửa của bom đạn đã thiêu rụi khoảng 500 gian buôn bán. Nơi đây, từ thế kỷ thứ XIV các thương lái buôn tơ lụa từ Trung Quốc sang Trung Đông, còn hiện tại chỉ in dấu những đợt phản công của phe đối lập chống lại quân đội chính phủ.
Nhiều địa danh lịch sử ở Syria cũng đã bị tàn phá nặng nề như Homs, thành phố ốc đảo Palmyra, Borsa.
Giám đốc Cục Cổ vật và Bảo tàng Maamuna Abdel Kerim cho biết, một bức tượng vua Aramaic bằng vàng có niên đại thế kỷ thứ VIII trước công nguyên cũng bị đánh cắp. Từ địa điểm Palmyra cổ đại, bọn vơ vét đồ cổ đã tẩu tán khoảng 30 di vật quý, nhưng sau đó đã bị Hải quan Lebanon phát hiện được và thu hồi lại kịp thời. Bọn cướp đã dùng cả những máy móc thiết bị xây dựng để lấy lên từ lòng đất những mảnh của di tích khảm ghép cổ xưa. Chính phủ Syria đã lên tiếng báo động về nạn cướp bóc hiện vật tại các di tích lịch sử.
Rõ ràng, các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq, Libya đã hủy hoại hàng chục công trình văn hóa thế giới. Sẽ không còn bức tượng Phật hùng vĩ ở tỉnh Bamiyan, Afghanistan; quân Taliban đã phá hủy bức tượng này vào năm 2001. Còn tại Iraq, những vòng xích xe tăng Mỹ đã giày xéo lên những tàn tích của Babylon. Nội chiến tại Libya cũng không bỏ qua những di tích văn hóa tượng trưng cho các giá trị chung của toàn nhân loại. Và giờ đây, bom đạn, xe tăng và những kẻ trộm đồ cổ đang hủy hoại và đánh cắp các di sản thế giới ở Syria.
cinet