Tự bao đời, dòng sông Đuống hiền hòa, ôm ấp chở che xóm làng, bồi đắp nền văn hóa, văn hiến đặc trưng Bắc Ninh- Kinh Bắc.
Những di tích đôi bờ sông Đuống hiện cất giữ biết bao huyền thoại gắn liền với những sự kiện thăng trầm trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đó là nguồn tài nguyên du lịch quý giá để thu hút du khách nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên “vùng đất màu mỡ” ấy vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Phía bờ Nam sông Đuống nằm trong vùng đất cổ của người Việt, cảnh vật trữ tình, có sông, có núi. Trải dài ven sông, tại hai huyện Thuận Thành và Gia Bình mật độ di tích lịch sử dày đặc. Nếu như ở Thuận Thành có các di tích như Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, chùa Bút Tháp, chùa Dâu thì ở Gia Bình cũng có đền Tam Phủ, bãi Nguyệt Bàn, đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, đền thờ Cao Lỗ Vương…
Bên kia sông Đuống còn có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như làm tranh dân gian Đông Hồ, tre trúc Xuân Lai, đúc đồng Đại Bái… và những nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc sắc như múa rối nước Đồng Ngư (Ngũ Thái, Thuận Thành), hát Ca trù Thanh Tương (Thanh Khương, Thuận Thành), Tiểu Than (Vạn Ninh, Gia Bình)… Tất cả những di tích, những nét văn hóa đặc sắc ấy đang là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch
Nhận rõ tầm quan trọng của phát triển du lịch ven sông Đuống đối với sự phát triển, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hành động, cụ thể: Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030, trong đó, tour du lịch dọc dải sông Đuống được xem là một trong số những sản phẩm du lịch trọng điểm với nhiều sự đầu tư tập trung ưu tiên phát triển như: Loại hình du lịch sinh thái, du lịch đường sông, du lịch cuối tuần và vui chơi giải trí núi Thiên Thai, thăm quan tìm hiểu về các danh nhân, du lịch làng nghề, du lịch nghiên cứu tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch quá cảnh trên Quốc lộ 18…
Từng bước chú trọng xây dựng nhóm sản phẩm du lịch đặc thù thông qua các hoạt động trải nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá, tìm hiểu của du khách như: Du lịch cộng đồng nghỉ tại nhà dân tại khu du lịch làng Việt ở Vạn Ninh (Gia Bình) gắn với các tour du khảo đồng quê dọc sông Đuống hoặc tour du lịch sinh thái, vui chơi cuối tuần tại khu Lâm viên Thiên Thai (Gia Bình) hay là khu du lịch – vui chơi giải trí – thể thao hiện đại kết hợp với sinh thái rừng cảnh quan, du lịch tín ngưỡng đạt tầm cỡ khu vực Đồng bằng sông Hồng như ở núi Dạm (thành phố Bắc Ninh)…
Song song với đó là các chính sách, dự án đầu tư, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa ven sông như: Chùa Bút Tháp, lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, đền thờ Cao Lỗ Vương, đền thờ Lê Văn Thịnh, bãi Nguyệt Bàn, đền Tam Phủ, khu di tích Lệ Chi Viên…
Tiêu biểu nhất là dự án lập Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử văn hóa quần thể di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương với quy mô hơn 36 ha và tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng đang được các cấp, các ngành triển khai tích cực. Bên cạnh đó, những di sản văn hóa phi vật thể như tranh dân gian Đông Hồ, Ca trù, múa Rối nước, hát Trống quân… cũng được quan tâm bảo tồn, gìn giữ để gắn kết với hoạt động phát triển du lịch.
Tuy vậy, du lịch ven sông Đuống phát triển chưa tương xứng. Lượng khách đến còn ít, đa phần đều mang tính tự phát, rời rạc, đơn lẻ hoặc chỉ tập trung trong một vài ngày diễn ra lễ hội. Nguyên nhân thu hút khách du lịch thì có nhiều, trong đó phải kể đến những yếu tố cần thiết và quan trọng để thu hút ít khách du lịch tại đây vẫn còn hết sức sơ sài; các dịch vụ bổ trợ cho hoạt động du lịch như ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, quà lưu niệm còn nghèo nàn.
Hoạt động tuyên truyền, quảng bá tour, tuyến du lịch còn yếu, chưa có chiến lược quảng bá bài bản chuyên sâu khiến du khách rất khó tiếp cận; tính gắn kết giữa các di tích lịch sử trên cùng một dải sông Đuống chưa cao, nhất là chưa có nhiều sự phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng tour, tuyến du lịch.
Đối với loại hình du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh dọc dải sông Đuống, yếu tố hướng dẫn viên, thuyết minh viên được đặt ra hết sức quan trọng nhưng ở hầu hết các địa phương thiếu sự chuẩn bị chu đáo. Hiện hầu hết các di tích đều do một người cao tuổi được bà con địa phương tin tưởng giao trách nhiệm trông nom, đèn nhang mà không có người thuyết minh hoặc hướng dẫn viên du lịch đúng nghĩa, được đào tạo bài bản…
Tiềm năng phát triển du lịch ven sông Đuống là rất lớn nhưng khó khăn, thách thức cũng nhiều. Muốn đánh thức tiềm năng du lịch ven sông Đuống khó có thể thực hiện trong một vài năm mà cần phải có quá trình lâu dài với sự quan tâm tích cực của các cấp, các ngành. Dẫu sao, chúng ta vẫn có thể tin tưởng, với sự quan tâm đúng mức của tỉnh, trong tương lai, tiềm năng du lịch nơi đây sẽ được đánh thức, sông Đuống sẽ là điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách thập phương.
Báo Bắc Ninh