Sẽ có nhiều hoạt động văn hóa đắc sắc được tổ chức nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) và 14 năm ngày Đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (4/11/1999 – 4/11/2013 .
Có nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam như: Triển lãm ảnh về di sản thiên nhiên, văn hóa Việt Nam; trưng bày hình ảnh Di sản Văn hóa Hội An với chủ đề “Hội An – Ngày ấy và bây giờ”, tranh thiếu nhi Hội An vì Di sản Văn hóa, tổ chức đêm văn nghệ giới thiệu những ca khúc về Hội An..
Các hoạt động này nhằm mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh Hội An với bạn bè trong nước và quốc tế, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững ở Hội An. Trong dịp này, Hội An sẽ miễn phí vé tham quan khu phố cổ cho du khách trong ngày 4/12.
Nét quyến rũ của Phố cổ Hội An:
Nằm trầm mặc khép mình bên dòng sông Thu Bồn (còn gọi là sông Hoài) thơ mộng, đô thị cổ Hội An ra đời vào cuối thế kỷ XVI và đã một thời (thế kỷ XVII – XVIII) từng là nơi chứng kiến nhiều cuộc giao thoa văn hóa lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam, một trung tâm giao thương lớn có thể sánh với Kinh kỳ (Hà Nội) và Phố Hiến (Hưng Yên).
Quần thể di tích Hội An có tất cả gần 1.310 di tích các loại, nhiều nhất là các di tích có kiến trúc cổ, gồm: đình, chùa, lăng, miếu, cầu, hội quán, mộ, giếng và nhà thờ họ tộc. Đáng chú ý nhất là chùa Cầu, miếu Quan Thánh, chùa Quan Âm, hội quán Phúc Kiến.
Nhà cổ cũng là mảng di tích quan trọng, với khoảng 1.048 căn nhà có tuổi thọ hàng trăm năm, đó là loại nhà hình ống xuyên suốt từ phố nọ đến phố kia. Hầu hết đều làm bằng gỗ quý, trong nhà treo hoành phi, câu đối với những nét chạm khắc hoa văn rất tinh tế và cầu kỳ. Có thể nói, Hội An là một bảo tàng sống, là một di tích sống vì đang có cư dân sinh sống. Các ngôi nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân nên việc Hội An được gìn giữ, bảo quản khá tốt cho đến ngày nay là do ý thức của người dân phố cổ.
Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ… Các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây.
Trải qua nhiều thế kỷ, những phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cũng như các món ăn truyền thống vẫn lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ. Hội An còn có một môi trường thiên nhiên trong lành, êm ả với những làng nhỏ ngoại ô xinh xắn, có nghề thủ công như mộc, làm đồ đồng, gốm…
Nếu ai đã từng nghé thăm phố cổ Hội An, chắc hẳn đều bị cuốn vào mê cung của những ngôi nhà cổ vô cùng đặc biệt nơi đây. Những ngôi nhà cổ Hội An là linh hồn của những phong vị và tạo ra nếp sống cổ.
Thường một ngôi nhà cổ Hội An thường rất dài. Một ngôi nhà nhiều khi thông ra hai mặt phố. Những ngôi nhà như vậy rất thuận tiện cho việc làm ăn, buôn bán. Đường phố Hội An rất hẹp, vắt từ đường nọ sang đường kia chỉ trong vài ba phút. Các ngõ của Hội An rất nhỏ hun hút, nối từ dãy phố này sang dãy phố khác, cho dù chỉ có hai người lách nhau.
Điều đặc biệt hơn là những ngôi nhà cổ ở Hội An thường được lợp bằng ngói âm dương cổ truyền. Hai viên gạch úp sát vào nhau tạo thành đường thoát nước. Chúng được gắn bằng vôi, cát trộn với keo. Kỹ thuật sử dụng ngói am dương là một sự kết hợp giữa kiến trúc Trung Quốc và Việt Nam. Những ngôi nhà này là nhân chứng sống đông nhất, chân xác nhất về sự nảy nở của những đô thị cổ thương mại truyền thống.
Nổi bật nhất trong những ngôi nhà cổ ở Hội An là nhà cổ Tân Ký. Nhà Tân Ký đến nay đã là nơi cư ngụ của bảy thế hệ trong một gia đình. Ngôi nhà còn giữ nhiều dấu tích minh chứng cho giai đoạn thương mại phồn thịnh với nước ngoài, từ thế kỷ 18 đến nữa đầu thế kỷ 19,thời kỳ những nhà buôn giàu có xây dựng những ngôi nhà tráng lệ.
Sự tọa lạc vô cùng độc đáo của những ngôi nhà cổ này đã góp phần tôn lên những giá trị vĩnh hằng có một không hai của đô thị cổ Hội An. Những ngôi nhà cổ còn phản ánh những sáng tạo tuyệt vời của con người trong nghệ thuật kiến trúc đương thời.
Một biểu tượng nổi bật tồn tại hơn gần 5 thế kỷ qua của đô thị cổ Hội An, đó là chùa Cầu. Nếu đến Hội An mà không vãng cảnh chùa Cầu thì coi như chưa từng đến phố Hội. Chùa Cầu là di tích kiến trúc rất đặc biệt, mang đậm nét Việt. Với người dân Hội An, chùa Cầu là linh hồn của phố Hội.
TTVN