Có 35 báo cáo chuyên đề trên nhiều lĩnh vực nhưng xoay quanh nội dung “sắc thái địa phương” Đà Lạt đã được các nhà khoa học trình bày và tranh luận tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy sắc thái địa phương trong xây dựng – phát triển thành phố Đà Lạt”.
Sắc thái riêng của Đà Lạt?
PGS-TS Cao Thế Trình (Khoa Đông phương học, Đại học Đà Lạt) cho rằng: “Sẽ là cực đoan nếu nói Đà Lạt hơn nơi này, nơi kia, song hoàn toàn có thể khẳng định, Đà Lạt có nhiều nét riêng không lẫn với nhiều vùng miền khác của đất nước”.
Theo PGS-TS Cao Thế Trình, sắc thái văn hóa địa phương trong văn hóa Đà Lạt chính là: Sắc thái thiên nhiên riêng của Đà Lạt, thành phố có quy hoạch mang đậm phong cách của một trung tâm nghỉ mát Châu Âu và mảng màu kiến trúc Pháp cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX; sắc thái văn hóa của các dân tộc bản địa, sắc thái văn hóa của cộng đồng cư dân “đa văn hóa” Đà Lạt và nơi bảo lưu một trong những di sản tư liệu trên thế giới tại Việt Nam.
Dưới góc độ một nhà “Đà Lạt học”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tranh dẫn lời của kiến trúc sư người Pháp L.G.Pineau: “Thủ đô tự nhiên sinh ra trên mặt đất, thủ đô nhân tạo sinh ra trên bản đồ: Sau đó thủ đô được chuyển lên trên mặt đất nhờ ý chí, sự nỗ lực và tài chính… Tất cả các thủ đô không phải như thế. Đà Lạt có sự khác biệt là không chỉ đơn thuần trên bản đồ, nhưng Đà Lạt sinh ra trên nhiệt kế. Điều này không ngăn cản “thiện chí, sự nỗ lực và tài chính”…”
Bảo tồn và phát huy như thế nào?
Trong tham luận “Một số quan điểm và giải pháp bảo tồn – phát huy sắc thái địa phương thành phố Đà Lạt”, nhóm tác giả các thạc sĩ Trương Thị Ngọc Thuyên, Trần Mạnh Quý và Phan Minh Đức (Khoa Kinh tế – QTKD, Trường Đại học Đà Lạt) sau khi xác định “sạch và xanh” là “yếu tố đặc tính cốt lõi” của Đà Lạt, đã nêu vấn đề: “Hai yếu tố sạch và xanh nêu trên có được là do sự ưu đãi của tự nhiên và đã được khẳng định qua lịch sử phát triển của thành phố. Tuy nhiên, bảo tồn phải đi đôi với phát triển. Chúng tôi đề xuất một định hướng giá trị mới, đó là thành phố sáng tạo".
Đồng với quan điểm này nhưng đứng trên một góc nhìn khác, PGS – TS Phan Thị Hồng (Khoa Ngữ văn và văn hóa học, Trường Đại học Đà Lạt) cho rằng: “Công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa của thành phố Đà Lạt hiện tại và tương lai tất yếu phải trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa hữu quan, đồng thời tiếp nhận và hội nhập.
Và hiện tại, diện mạo văn hóa Đà Lạt đã là sự tổng hợp và tổng hòa vừa kín đáo vừa lộ liễu giữa lịch sử và đương thời, giữa Đông và Tây, giữa bản địa và tiếp nhận, giao lưu từ nhiều nguồn mạch khác nhau… Từ nhận diện như thế, chúng ta có thể đề cập đến khá nhiều mặt của công cuộc bảo tồn và phát huy sắc thái địa phương cho một đô thị Đà Lạt hiện nay và những năm sắp tới…”.
Từ sự đa dạng của đề tài hội thảo, cuộc hội thảo, các giảng viên Trường Đại học Đà Lạt và các nhà khoa học của tỉnh Lâm Đồng hy vọng đó sẽ là sự khởi đầu cho những chương trình nghiên cứu mới có quy mô lớn hơn trong tương lai giữa các nhà khoa học cùng chung một địa bàn sinh sống, cùng chung một lý tưởng chung tay xây đắp cho một thành phố tươi đẹp của chúng ta ngày một văn minh, hiện đại, nhưng vẫn bảo lưu được những nét đặc sắc riêng có của mình….
Lao động