Lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam có chiều hướng tăng mạnh, hiện nhiều DN lữ hành Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị nhằm nắm bắt xu hướng này.
Xài sang
Chị Nguyễn Trang Nhung, đại diện Công ty Du lịch Viễn Đông (Hà Nội), cho biết khoảng hơn 1 năm nay công ty chị bắt đầu đẩy mạnh tiếp thị đến các khách du lịch Trung Quốc. “Tuy mới đầu tư nhưng kết quả chúng tôi thu được rất khả quan.
Trong năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mạnh mảng du khách này” – chị Nhung nói. Theo chia sẻ của chị Nhung, công ty chị hiện mới chỉ phát triển mảng khách lẻ, nhưng chủ yếu là những khách có thu nhập khá.
Những khách này thường chỉ lưu trú từ 4-10 ngày ở Việt Nam, nhưng họ thường chi tiêu rất mạnh tay, sẵn sàng sử dụng những dịch vụ khách sạn 4-5 sao. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, Viễn Đông đã đón một lượng khách Trung Quốc khá đông so với các năm trước.
Không chỉ khách lẻ sẵn sàng mạnh tay trong chi tiêu, mà khách du lịch theo đoàn cũng không kém cạnh. Anh Nguyễn Quang Dũng, một hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn tour cho khách du lịch Trung Quốc, chia sẻ: “Khoảng hơn 1 năm nay khách du lịch Trung Quốc đi theo đoàn sang Việt Nam cũng rất nhiều. Họ mua sắm, ăn tiêu rất mạnh tay”.
Và với một hướng dẫn viên du lịch như anh, thu nhập từ việc dẫn khách Trung Quốc cũng cao hơn hẳn. Chẳng hạn, lương hướng dẫn viên tiếng Anh chỉ khoảng 25USD/ngày, trong khi lương hướng dẫn tiếng Hoa từ 30-35USD/ngày. Ngoài ra, hướng dẫn viên còn được hưởng tiền tip từ khách Trung Quốc là 3-5USD/người/ngày.
Thực ra, cho đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về mức chi tiêu của người Trung Quốc khi đến du lịch tại Việt Nam, nhưng theo khẳng định của nhiều người làm du lịch, con số ấy là không nhỏ và tiềm năng từ thị trường này là rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, cũng khẳng định “khách Trung Quốc xài tiền dữ lắm”. Ông Mỹ cũng nhận định người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài rất đông, chính vì vậy Trung Quốc là một thị trường tiềm năng cho du lịch Việt Nam.
Chỉ tính riêng trong năm 2013, theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến nước ta đạt 1,9 triệu, tăng 33,5% so với năm 2012. Và trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, khách Trung Quốc sang Việt Nam cũng rất đông.
Riêng 2 ngày mùng một và mùng hai tết có khoảng 2.000 khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai. Hay trong 60 chuyến bay đưa khách quốc tế đến biển Nha Trang trong dịp Tết Giáp Ngọ, có 17 chuyến bay từ Trung Quốc.
Nhưng gây hoang mang
Tuy tiềm năng, nhưng khách Trung Quốc, đặc biệt là những khách đi theo đoàn, cũng đang khiến nhiều công ty du lịch phải đau đầu. “Với những khách đoàn, các dịch vụ như ăn uống, phòng nghỉ chúng tôi phải đặt riêng, như thường đặt nhà hàng dành riêng cho khách Trung Quốc. Trong khi đó, thường chỉ những khách sạn cũ mới nhận đoàn Trung Quốc vì khách Trung Quốc thường không giữ gìn phòng ốc” – anh Dũng cho hay.
Vì sao có chuyện này? Theo chia sẻ của dân trong ngành, khách Trung Quốc không chỉ có thói quen ăn uống khác so với khách châu Âu hoặc Hoa Kỳ, mà còn bởi họ thường quá ồn ào, xô bồ. Đây lại là điều khách du lịch từ nhiều khu vực khác không thích. “Đã có trường hợp khi đoàn khách Trung Quốc đến thì đoàn khách châu Âu lại bỏ đi” – đại diện một DN lữ hành phân trần.
Du khách nước ngoài thăm phố cổ Hà Nội. Ảnh: T.LOAN
Ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng đã đến lúc chúng ta cần có những phân khúc thị trường dành riêng cho từng đối tượng khách từ địa điểm du lịch, ăn uống, nghỉ dưỡng, mua sắm… theo thói quen của khách thuộc những khu vực trọng điểm khác nhau như Nga, Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ… Và điều này cần có sự tham gia hoạch định của Nhà nước chứ không thể chỉ dựa vào các DN vì rất khó thực hiện. Ngoài ra, nên có những chính sách ưu đãi để khuyến khích du khách đến với Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Mỹ cũng lưu ý thời gian gần đây chúng ta đang chú trọng nhiều đến khách Nga và Trung Quốc, song cũng vẫn phải phát triển những đối tượng khách truyền thống khác như khách từ châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… bởi nếu “có mới nới cũ” rất dễ xảy ra rủi ro. Chẳng hạn khi khách Trung Quốc quay lưng với du lịch Việt Nam, nếu không có khách từ quốc gia khác chúng ta sẽ bị thiệt hại về doanh thu.
Việc chú trọng phát triển, quảng bá để thu hút khách từ thị trường tiềm năng là một tín hiệu hết sức tích cực cho du lịch Việt Nam, là cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp không khói. Thêm vào đó, hiện nay một số nhà đầu tư đang mở rộng vào việc đầu tư resort kết hợp casino tại một số điểm thu hút nhiều khách du lịch để phục vụ khách.
Trong tương lai, đây có thể sẽ là một kênh mang về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước nếu được quản lý đúng và chặt chẽ, góp phần phát triển hơn nữa cho du lịch Việt Nam.
Xem thêm: Du lịch trong nước
SGĐT