Để hạn chế công ty chui, “ma”, Sở VH-TT-DL TP.HCM đề xuất bắt buộc các doanh nghiệp lữ hành phải treo biển hiệu do cơ quan du lịch cấp ở trước cửa.
Trách nhiệm kiểm tra tính xác thực của công ty du lịch bị đẩy về phía khách hàng – Ảnh: D.Đ.M
Lại thêm giấy phép con
Theo các chuyên gia, nếu kiến nghị này được chấp nhận, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lữ hành phải treo một biển hiệu, do Sở VH-TT-DL cấp, ở trước cửa giống như các khách sạn gắn sao. Khách mua tour sẽ dựa vào biển hiệu này để nhận biết đâu là công ty có giấy phép, đâu là công ty chui. Những công ty du lịch quốc tế mới thành lập, khi làm hồ sơ xin cấp giấy phép sẽ được cấp biển hiệu. Các công ty du lịch quốc tế đủ điều kiện đang hoạt động sẽ lấy mẫu do Sở VH-TT-DL địa phương cung cấp để làm biển hiệu.
Tuy nhiên, đối với các công ty du lịch nội địa thì lại không đơn giản để xin giấy phép này, do kể từ năm 2001, giấy phép lữ hành nội địa của họ đã bị loại bỏ nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các công ty này sau khi được cấp giấy phép kinh doanh bởi Sở Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) sẽ chỉ đăng ký hoạt động lữ hành với Sở VH-TT-DL là đủ điều kiện.
Vì thế, khi bắt buộc phải treo biển hiệu, họ phải làm hồ sơ xin phép Sở rồi mới được cấp biển hiệu này. Như vậy giấy phép con vốn đã bị loại bỏ từ hơn 10 năm trước lại được khôi phục. Không chỉ thế, nếu kiến nghị của Sở VH-TT-DL TP.HCM được chấp thuận thì các DN lữ hành nội địa đang từ kinh doanh không có giấy phép sẽ trở thành kinh doanh có phép và luật Du lịch buộc phải sửa lại để phù hợp với điều này.
Ông T., giám đốc một công ty du lịch lớn ở TP.HCM, phân tích theo quy định hiện hành, kinh doanh lữ hành nội địa chỉ cần có giấy phép của Sở KH-ĐT và đăng ký với Sở VH-TT-DL. Nhưng nếu kiến nghị trên được áp dụng, thì hai điều kiện trên vẫn chưa đủ mà phải có biển hiệu mới được thừa nhận. “Đó chẳng khác nào một loại giấy phép con. Vì bắt buộc phải treo trước cửa, nên chưa có biển hiệu thì không đủ điều kiện kinh doanh, khách hàng không thừa nhận", ông T. nói.
Đẩy khó cho dân
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, nghi ngờ tính hiệu quả của đề xuất trên, vì nếu họ có thể hoạt động chui thì cũng có thể treo biển chui. “Quan trọng là phải tăng cường công tác thanh kiểm tra để ngăn chặn tình trạng hoạt động lữ hành chui, chứ không phải tăng cường quản lý bằng biện pháp hành chính”, ông Huê phát biểu.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, khẳng định kiến nghị của Sở VH-TT-DL TP.HCM là máy móc và không phù hợp thực tế. Quy định bắt buộc treo biển hiệu là phiền phức, vì đa số DN đều ghi số giấy phép hoạt động lữ hành trên bảng hiệu công ty hoặc trưng giấy phép ngay khu vực tiếp khách.
“Việc bắt buộc các DN du lịch treo biển hiệu để tránh tình trạng công ty chui và du khách phải tự kiểm tra công ty nào có biển hiệu thật để mua tour là đẩy khó về cho người dân. Tấm biển hiệu được treo lên, khách khó mà biết được cái nào thật, cái nào giả trong khi nhiệm vụ xử lý các công ty du lịch chui là việc của cơ quan quản lý. Hơn nữa, cấp biển hiệu có thể dẫn đến sự cầu cạnh của DN vào cơ quan quản lý, dễ phát sinh tiêu cực trong cơ chế xin – cho”, ông Mỹ nhấn mạnh.
Theo ông Mỹ, có nhiều cách để giải quyết căn cơ nạn lữ hành chui. Cơ quan quản lý chỉ cần có sự phối hợp với các đơn vị chức năng ở cửa khẩu đường bộ, hàng không kiểm tra đột xuất hướng dẫn viên đưa các đoàn khách đi nước ngoài có giấy phép lữ hành quốc tế hay không. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra hướng dẫn viên ở các tuyến điểm trong nước đưa khách tham quan có hợp pháp. Cùng với thanh kiểm tra là phải có chế tài nghiêm khắc, chứ không buông lỏng như hiện nay.
TNO