Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo trên website của Bộ về việc đề xuất tăng phí tham quan 2 bảo tàng lớn của Việt Nam: Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Trưng bày văn hóa trầu cau tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Chẳng hạn, mức phí tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia đối với người lớn được đề xuất tăng từ 20.000 đồng lên 40.000 đồng/người/lượt. Phí tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đối với người lớn từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/người/lượt.
Nếu việc tăng phí tham quan 2 bảo tàng nói trên được chấp thuận, sẽ kéo theo việc các bảo tàng khác đồng loạt tăng giá vé. Và điều đó thật mâu thuẫn, khi mà hệ thống bảo tàng Việt Nam chưa khắc phục được tình trạng đìu hiu vắng khách trong nhiều năm qua.
Khách tham quan bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Theo đánh giá khách quan, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đìu hiu, vắng khách của các bảo tàng ở Việt Nam hiện nay chính là sự thiếu hấp dẫn trong cách thức trưng bày, sự trì trệ trong việc đổi mới các hoạt động để đáp ứng nhu cầu của công chúng. Có sự so sánh khi nhìn sang các quốc gia như Pháp, Anh, Đức hay Mỹ, sẽ thấy bảo tàng của họ thực sự là một nơi mang tính giáo dục và thưởng thức nghệ thuật thực sự chứ không phần lớn chỉ đơn giản là trưng bày như ở ta.
Người ta cũng đổ lỗi cho giới trẻ quay lưng lại với bảo tàng. Rồi nhiều bảo tàng cứ loay hoay đi tìm nguyên nhân vì sao giới trẻ quay lưng lại với họ mà quên đi việc tìm cách thay đổi phương thức hoạt động của bảo tàng. Nhưng các bảo tàng cũng ít quan tâm tới những hoạt động chuyên đề thú vị, hấp dẫn để thu hút được giới trẻ.
Ấy là chưa kể, hiện nay các bảo tàng ở các vị trí đắc địa, nên mặt tiền cho thuê làm mất cảnh quan, xâm hại không gian của bảo tàng… Như vậy, rất cần phải kiện toàn từ việc trưng bày tới con người trong mọi lĩnh vực để hút khách tới bảo tàng, từ đó mới có cơ sở để tăng giá vé một cách thuyết phục, chứ không thể cứ thích tăng là tăng một cách tùy tiện, gây bức xúc trong dư luận.
Đại Đoàn Kết