Hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình là di sản thế giới vừa được Việt Nam gửi sang Paris (Pháp).
> Khám phá một trong "tam đại Quốc bảo thành"
> Phiêu du đến những lâu đài ở thung lũng sông Loire
> Lạc bước trước 5 kỳ quan tiềm ẩn trên thế giới
Ông Nguyễn Chí Tình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình đã cho phóng viên báo Đối ngoại Vietnam Economic News biết hôm 20/1/2013.
Quần thể danh thắng Tràng An gồm:Khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tam Cốc – Bích Động và khu du lịch sinh thái Tràng An với tổng diện tích toàn khu trên 10.000ha.
Trong đó, tổng diện tích của quần thể danh thắng Tràng An là 4.000ha, chiếm toàn bộ khối đá vôi Tràng An và được bao quanh bởi vùng đệm rộng 8.000ha gồm chủ yếu là các cánh đồng lúa. Quần thể danh thắng Tràng An có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, qua thời gian dài phong hóa bởi sự biến đổi của trái đất, khí hậu, biển tiến, biển thoái đã mang trong mình hàng trăm thung lũng, hang động…
Chính bởi những giá trị to lớn về thẩm mỹ, cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo của Tràng An nên ngày 27/9/2011, quần thể danh thắng Tràng An đã được Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO xem xét công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Và trong 2 ngày 24, 25/7/2012, tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tổ chức Hội thảo "Xác định những giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể danh thắng Tràng An", nhằm thống nhất những tiêu chí đệ trình lên UNESCO.
Sau hai ngày thảo luận, các chuyên gia trong nước và quốc tế dự hội thảo đã thống nhất xây dựng hồ sơ đề cử quần thể danh thắng Tràng An vào danh sách di sản thế giới dựa trên 3 tiêu chí: Tiêu chí 5 về giá trị khảo cổ học; tiêu chí 7 về giá trị thẩm mỹ và tiêu chí 8 về giá trị địa chất, địa mạo.
Các tiêu chí này đã được lựa chọn và được kiến giải, biện luận thể hiện đầy đủ tính đại diện, tính toàn vẹn, đối sánh với các di sản đã được công nhận, hiện trạng bảo tồn của di sản một cách hợp lý, thuyết phục.
Mỗi tiêu chí có điểm mạnh riêng, có thể hỗ trợ tăng cường sức mạnh, sức thuyết phục của hồ sơ. Tiêu chí 5 được chọn làm cơ sở để lý giải, minh chứng làm rõ tính nổi bật toàn cầu, cụ thể truyền thống cư trú vùng núi đá vôi ven biển gắn với cư trú của cộng đồng người cổ. Tiêu chí 7, 8 đã nêu bật được sự đan xen giữa cảnh quan thuộc nhiều đặc điểm, địa mạo của tự nhiên tạo nên danh thắng độc đáo, đa dạng sinh học, di chỉ khảo cổ.
Việc lựa chọn 3 tiêu chí này để xây dựng hồ sơ trình lên UNESCO được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao và tin tưởng vào sự thành công của danh thắng này. Giáo sư Paul Dingwall, chuyên gia Hiệp hội Bảo tồn thế giới của UNESCO cho biết: "Lịch sử tiến hóa của loài người có thành công hay không phụ thuộc vào con người có thích ứng được với sự thay đổi của môi trường hay không. Tại Tràng An đã có đầy đủ chứng cứ khẳng định điều này. Nếu biết xâu chuỗi thì khả năng thành công của hồ sơ Tràng An rất cao”.
Theo Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Trần Tân Văn, tính toàn vẹn và tính chân xác đã được giữ gìn khá nguyên vẹn ở Quần thể danh thắng Tràng An, nhất là từ khi tỉnh Ninh Bình xác định sẽ có 5 vùng được quản lý chặt chẽ phục vụ bảo tồn, phát triển, gồm khu vực bảo vệ nghiêm ngặt; khu vực khoanh vùng bảo vệ các công trình di tích lịch sử kiến trúc – nghệ thuật, di tích, di chỉ khảo cổ; khu vực bảo tồn đan xen giữa nơi được bảo vệ nghiêm ngặt và nơi dùng để phát triển du lịch; khu vực dành riêng cho phát triển du lịch; khu vực làng xã có cư dân sinh sống.
"Với những giá trị to lớn về văn hóa ở Tràng An cùng với giá trị về cảnh quan, địa chất, địa mạo độc đáo, chúng tôi tin tưởng rằng, Tràng An sẽ là thành viên của di sản thế giới ở Việt Nam trong tương lai không xa" – ông Văn nói.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cho biết, theo đánh giá bước đầu của UNESCO, hồ sơ di sản Tràng An là một trong những hồ sơ được chuẩn bị khá kỹ, đặc biệt là những yếu tố liên quan các tiêu chí về tự nhiên và văn hóa. Ninh Bình đã chọn tiêu chí tổng hợp cho hồ sơ di sản, tức là cả tự nhiên và văn hóa. Đây là điều đặc biệt so với các di sản khác của Việt Nam đã được công nhận.
Theo lộ trình, cũng trong đầu năm 2013, UNESCO sẽ chuyển lại hồ sơ cho Ninh Bình, đồng thời góp ý kiến, chất vấn về những vấn đề chưa rõ. Sau khi Ninh Bình làm rõ tất cả vấn đề, hồ sơ sẽ được gửi lại cho UNESCO.
Nếu không có gì thay đổi, đầu năm 2014, UNESCO sẽ xét và công nhận Tràng An vào danh sách Di sản thế giới.
Báo Kinh tế Việt Nam