Là Di sản văn hóa thế giới, cố đô cổ kính, yên bình Luang Prabang đến nay vẫn lưu giữ những ngôi nhà, ngôi chùa được xây dựng cách đây nhiều thế kỷ và còn nguyên vẹn. Ở đây quá trình đô thị hóa diễn ra rất chậm, bởi vậy Luang Prabang được gọi là "thành phố giấc ngủ trưa".
> Sức hấp dẫn từ Cánh đồng Chum bí ẩn ở Lào
Theo một đoàn khách du lịch từ Thủ đô Viêng Chăn, chúng tôi đến Luang Prabang bằng đường bộ. Luang Prabang là một tỉnh miền núi thuộc bắc Lào, có đường biên giới chung với Việt Nam tại Lai Châu và Sơn La. Với số dân hơn 400 nghìn người, diện tích đất có khả năng sản xuất chỉ gần 78 nghìn héc-ta, Luang Prabang cơ bản vẫn là một tỉnh nông nghiệp nghèo. Tuy nhiên, Luang Prabang lại có thế mạnh về du lịch và dịch vụ, với cố đô cổ kính được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1995.
Luang Prabang, Lào. Ảnh Gedsman
Từ sau ngày nước CHDCND Lào ra đời và nhất là khoảng 20 năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, Luang Prabang đã vượt lên những khó khăn của những năm sau chiến tranh và tập trung mọi nguồn lực cho phát triển nông nghiệp – nông thôn, du lịch – dịch vụ. Ðến nay, ngoài thành tựu nổi bật là bảo đảm đáp ứng được nhu cầu lương thực ở địa phương, Luang Prabang còn xây dựng được cơ sở vật chất đáng kể cho phát triển: Hệ thống đường giao thông nối tỉnh, huyện với khoảng 400 bản (chiếm hơn 50% tổng số bản); đường dây tải điện tới gần 320 bản và hơn 25 nghìn gia đình có điện thắp sáng; sân bay Luang Prabang được cải tạo và nâng cấp thành sân bay quốc tế; hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm thông suốt trong nước và quốc tế. Ðặc biệt, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào khai thác đường giao thông nối Luang Prabang với tỉnh Nạn của Thái-lan và Ðiện Biên Phủ của Việt Nam, mở ra hướng phát triển mới cho du lịch…
Nhà sư ở Luang Prabang. Ảnh: oceanos
Cố đô Luang Prabang gần như nằm lọt giữa thung lũng của hai dãy núi Thạo và Nang bạt ngàn các thảm rừng xanh nguyên sinh chen lẫn rừng trồng mới. Sang tháng 10, tháng 11, cố đô ẩn mình trong sương sớm. Khách du lịch như chúng tôi dễ dàng nhận ra nhiều nét giống Sa Pa của Việt Nam. Ở Luang Prabang hiện có 40 ngôi chùa cổ, trong đó hầu hết được xây dựng từ thế kỷ 14 và nhiều cung điện tráng lệ của các thời phong kiến thịnh trị ở Lào cách đây hơn một nghìn năm. Ðời vua cuối cùng rời Luang Prabang về Viêng Chăn tuyên bố lập Nhà nước Lạn Xạng (Triệu Voi) là Chầu Pha-ngừm cách đây đã gần 452 năm. Hầu hết các ngôi chùa và cung điện ở đây đều được bảo quản gần như nguyên vẹn, hoặc được trùng tu nhưng vẫn giữ được những nét độc đáo vốn có.
Chùa Wat Xieng Thong ở Luang Prabang. Ảnh: oceanos
Trên đỉnh Phu Si. Ảnh: oceanos
Du khách đã đến đây không thể không vãn cảnh chùa Phu Xỉ nằm ở một vị trí khá cao và nổi bật với những nét kiến trúc về mái cong, điêu khắc trong điện thờ và các tượng Phật. Ðây là nơi vào ngày cuối cùng của Bun Hốt Nặm (Tết té nước), các nhà vua làm lễ cầu trời mưa thuận, gió hòa để có một vụ mùa bội thu và mọi nhà quanh năm có "típ" xôi đầy. Ðến đây vào những ngày Tết té nước giữa tháng 4 để được chứng kiến lễ rước Nàng Xảng-khán với hàng nghìn người trong trang phục dân tộc nhiều mầu sắc đẹp tham gia…
Trên đỉnh Phu Si. Ảnh: oceanos
Từ trung tâm cố đô, chúng tôi đi thăm thác nước Quang Xỉ dài 5 km với cột nước đổ cao 82 mét tạo ra một vùng sáng trắng như ai đó vừa tung hàng triệu triệu miếng bạc trắng giữa khung cảnh hoang sơ, u tịch, huyền bí. Rồi thăm các làng nghề truyền thống về dệt thổ cẩm, chạm bạc, các bản văn hóa mới mang những nét đặc trưng rất Lào, hoặc dự một buổi sinh hoạt văn hóa bằng hình thức múa "lăm vông" và thi hát các bài "lăm", "khắp" của Luang Prabang mượt mà và giàu sức truyền cảm.
Thác nước Kuang Si. Ảnh: scrabble
Theo hướng dẫn viên giới thiệu, dệt thổ cẩm và chạm bạc là hai nghề thủ công nổi tiếng từ lâu ở đây, song cũng có lúc gần như mai một, nay sống lại nhờ du lịch phát triển và đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương và làm hài lòng khách khi có nhu cầu mua các đồ lưu niệm. Khách du lịch đến với Luang Prabang ngày càng đông, bình quân năm sau cao hơn năm trước từ 20% đến 25%, đem lại cho địa phương nguồn ngoại tệ không nhỏ.
Rời cố đô trong buổi chiều đầu mùa khô, đi dọc các phố trong không gian yên tĩnh và thanh bình, ngước nhìn mái chùa Xiêng Thoong vút cong in trên nền trời xanh, chúng tôi ai cũng hy vọng ngày trở lại.
Báo Nhân dân