Trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần 5/2013, sáng 23/6 diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “10 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO – Bài học kinh nghiệm và định hướng tương lai”.
Hội thảo do Bộ VHTT-DL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức với sự tham dự của đại diện các địa phương trong nước và nhiều nhà khoa học Việt Nam và quốc tế.
Nhóm tháp G khu đền tháp Mỹ Sơn mở cửa phục vụ du khách ngày 22/6 nhân dịp Festival Di sản sau hơn 10 năm trùng tu.
Văn hóa phi vật thể có vai trò quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của mỗi dân tộc, là động lực chính của đa dạng văn hóa và sự đảm bảo cho phát triển bền vững. Quá trình toàn cầu hóa hiện nay cùng với những thay đổi lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội đang đưa tới những mối đe dọa cho việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL)- Hồ Anh Tuấn cho rằng: "Chặng đường 10 năm qua, đủ độ dài để chúng ta lắng đọng, lan tỏa những tác động của Công ước bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO tới đời sống nhân loại.
Có thể nhận thấy Công ước đã góp phần bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể; đảm bảo sự tôn trọng đối với di sản văn hoá phi vật thể của các cộng đồng; nâng cao nhận thức ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng của di sản văn hoá phi vật thể; tạo ra sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế".
Hội thảo khoa học này là dịp chúng ta cùng ngồi lại tổng kết những gì đã làm được, những gì chưa làm được qua 10 năm thực hiện Công ước, đánh giá một cách khách quan những thành tựu đã đạt được để tiếp tục phát huy và thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập cần phải khắc phục trong chặng đường sắp tới.
“Chúng tôi mong muốn bên cạnh những kinh nghiệm về chính sách, chiến lược quốc gia và những hành động cụ thể thực thi Công ước bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO, các chuyên gia và các đại biểu có những đề xuất giải pháp cụ thể, sáng tạo, thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của toàn cầu hoá tới việc bảo vệ và hơn nữa là phát huy vai trò di sản văn hoá phi vật thể mang tầm quốc tế”, Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Hồ Anh Tuấn phát biểu.
Các nghệ nhân đờn ca tài tử Nam bộ trình diễn tại hội thảo. Môn nghệ thuật này đang được hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể.
Ông Hồ Anh Tuấn cũng đề nghị làm rõ vai trò của UNESCO và tầm quan trọng của Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003 của UNESCO đối với công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam và trên thế giới.
Trao đổi các kinh nghiệm về bảo vệ di sản, thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác giữa các nước tham gia thực hiện Công ước, đặc biệt là các nước ASEAN trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, góp phần kết nối mạng lưới bảo vệ di sản trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, đánh giá, tổng kết quá trình 10 năm thực hiện Công ước 2003 của Việt Nam – những thành tựu và yếu kém; những cơ hội và thách thức đối với việc bảo vệ di sản theo đúng tinh thần của Công ước 2003 của UNESCO, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm thiết thực và đề xuất những giải pháp khả thi có thể nâng cao hiệu quả sự tham gia của Việt Nam vào việc thực hiện Công ước.
Bên cạnh đó, làm rõ mối quan hệ mật thiết giữa bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể với bảo tồn di sản văn hóa vật thể, với đa dạng văn hóa, với sự tham gia của xã hội (cộng đồng địa phương, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp…) vào công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Đối với Quảng Nam (địa phương có hai Di sản Văn hóa thế giới), TS. Trần Minh Cả – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể là một trong những nội dung quan trọng nhằm bảo tồn bản sắc dân tộc, giữ mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại, là điều kiện cơ bản và động lực để phát triển bền vững cộng đồng xã hội. Trong tiến trình phát triển lịch sử, các di sản văn hóa phi vật thể thường xuyên đứng trước nguy cơ bị hủy hoại do những tác động của con người và xã hội.
Đặc biệt, hiện nay việc khai thác tài nguyên di sản văn hoá và sự phát triển du lịch thiếu bền vững gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, không gian sinh tồn của di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, thái độ ứng xử thiếu tôn trọng, xem nhẹ vai trò di sản cũng là một trong những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sự tồn vong của di sản văn hóa phi vật thể.
“Ý thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, bên cạnh việc chú trọng xây dựng phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là những di sản văn hóa phi vật thể gắn với Di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm”, Phó Chủ tịch Trần Minh Cả phát biểu.
Bên cạnh đó, xây dựng đề án, điều tra, sưu tầm, lập hồ sơ bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển du lịch. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Vận dụng tốt vai trò và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản, gắn việc xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa trong cộng đồng nhân dân với bảo vệ di sản để phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO cho biết, năm 2013 là năm kết thúc 10 năm thực hiện Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Hiện đã có 150 nước cam kết thực hiện nhằm nỗ lực xây dựng những giá trị văn hóa, nỗ lực hơn nữa để bảo vệ các di sản. Từ năm 2015, cần kêu gọi các nước bảo vệ, coi trọng giá trị di sản, vì nếu không có văn hóa thì không có di sản.
“Chúng ta, những thành viên của Liên hiêp quốc cần tiếp tục nỗ lực tiếp cận việc bảo vệ di sản văn hoá. Chúng ta nên đặt ra mục tiêu bảo vệ di sản để phát triển bền vững. Bên cạnh đó cần nhận thức rõ về mối quan hệ giữa văn hóa và phhát triển, nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hoá, nhất là văn hoá phi vật thể”, bà Irina Bokova phát biểu.
Dân trí