Người dân Đồng Văn đề nghị trả lại danh hiệu Di tích quốc gia khiến ngành chức năng cần suy nghĩ và hành động.
Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá mới đây, ông Sùng Đại Hùng, Bí thư huyện ủy Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cho biết, chủ nhân của trên 10 ngôi nhà ở phố cổ Đồng Văn đề nghị trả lại danh hiệu Di tích quốc gia. Lý do người dân đưa ra là họ không thể tiếp tục sống trong những ngôi nhà mang danh di sản nhưng lại luôn nơm nớp lo sợ nhà sập mỗi khi trời trở cơn mưa gió thất thường.
Phố cổ Đồng Văn. Ảnh: Flickr
Đường Lâm, rồi giờ là Đồng Văn xin trả danh hiệu di sản, quả là câu chuyện làm đau đầu các nhà quản lý văn hóa.
Phố cổ Đồng Văn hiện còn giữ được khoảng 40 ngôi nhà trên 100 năm tuổi, là nơi cư trú của các tộc người Kinh, Mông, Tày… Các ngôi nhà cổ này được xây dựng theo lối kiến trúc hai tầng, nền đất; cột và sàn nhà làm bằng gỗ nghiến, gỗ lim; mái lợp ngói âm dương, loại ngói đặc trưng của các dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc; tường trình đất dày 4- 5cm, bảo đảm mùa đông thì ấm áp, mùa hè thì mát mẻ.
Ảnh: Flickr
Nhiều người yêu quí Đồng Văn thường ví von một cách lãng mạn rằng, phố cổ Đồng Văn như một nét duyên thầm của vùng cao. Bởi chẳng ai ngờ được rằng, ẩn sâu trong những dãy núi đá tai mèo sắc nhọn, giữa điệp trùng đá xám lại hiển hiện một con phố nhỏ, thanh bình và lãng mạn đến thế.
Nhất là từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên địa chất toàn cầu, du khách tham quan ngày càng đông. Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi cùng với chợ phiên Đồng Văn rực rỡ thổ cẩm, thơm lừng những chảo thắng cố, những anh chồng người Mông la đà bên bát rượu ngô, ánh nhìn đầy yêu thương và kiêu hãnh từ những người phụ nữ của họ, luôn là lời mời gọi tha thiết đối với bao lữ khách.
Ảnh: Flickr
Tuy nhiên, những ngôi nhà trình tường cổ kính ấy rồi cũng phải xuống cấp cùng với mưa nắng mấy trăm năm. Người dân phải sống trong nhà cổ đầy khó khăn bất tiện vì phải giữ nguyên hiện trạng ngôi nhà, lại không đủ tiền để sửa chữa theo đúng kiến trúc cổ. Từng tự hào về phố cổ của mình, nhà cổ của mình, nay người dân lại “sợ” chính cái mình đã từng tự hào đó.
Từ việc người dân ở làng cổ Đường Lâm, giờ lại thêm nhà cổ Đồng Văn muốn trả lại danh hiệu cao quý, cho thấy công tác quản lý di sản hiện nay đang có vấn đề. Đến thời điểm này, nhiều người mới giật mình khi biết rằng chúng ta vẫn chưa có một tiêu chí chung trong qui hoạch di sản, cũng không có điều luật nào điều chỉnh làng cổ, phố cổ.
Ảnh: Flickr
Thêm nữa, năng lực quản lý yếu kém của những người có trách nhiệm khiến nhiều năm dài, vẫn chưa có được giải pháp cần thiết, dù họ biết rất rõ thực trạng bất hợp lý này đã kéo dài nhiều năm.
Làng cổ Đường Lâm, phố cổ Đồng Văn… là những “di sản sống”. Vì vậy, cần phải ứng xử hoàn toàn khác với những di sản trên hồ sơ, những “di sản chết”. Không hiểu, hoặc cố tình không hiểu điều này, cơ quan quản lý sẽ luôn rơi vào thế bị động trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Một khi tiếng thơm của di sản còn tỉ lệ nghịch với mức sống của chủ nhân di sản đó thì những phản ứng tiêu cực kiểu như đòi trả danh hiệu di sản cho nhà nước là điều khó tránh khỏi.
Ảnh: Flickr
Huyện Đồng Văn đang chập chững làm du lịch. Người dân Đồng Văn từng ước mơ có những con đường hoa đào, con suối hoa đào, rồi đêm rằm hàng tháng, những chiếc đèn lồng đỏ, đèn lồng trắng được treo cao ngoài cửa mỗi ngôi nhà cổ, những sinh hoạt văn hóa dân gian được trình diễn, những món ăn truyền thống, sản vật địa phương được mang ra đãi khách. Tuy chưa chuyên nghiệp như Hội An, nhưng đêm phố cổ Đồng Văn vẫn hấp dẫn du khách gần xa bởi nét thô mộc, chân chất của mình.
Ảnh: Flickr
Vì vậy, chuyện người dân phố cổ Đồng Văn bày tỏ ý định trả lại danh hiệu di sản, có thể là một chuyện buồn cho ngành văn hóa. Nhưng cũng có khi, đây sẽ là “cú hích” để những người có trách nhiệm “nhớ” ra rằng, mình đang giữ trong tay một kho báu. Nếu không biết cách gìn giữ, kho báu đó sẽ mất vĩnh viễn, những người làm văn hóa vẫn sẽ nợ người dân phố cổ Đồng Văn một ước mơ đèn lồng đỏ treo cao.
Ảnh: Flickr
Vân Thiêng/VOV-Trung tâm Tin