Có lẽ ai cũng biết Italy nổi tiếng nhất về thời trang, thực phẩm và tất nhiên, cả thắng cảnh lịch sử. Nhưng một sự thật là nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng góp phần cuộc trùng tu các di tích lịch sử-văn hóa.
Trong thực tế, Ý sở hữu số lượng di tích được UNESCO công nhận là Di sản thế giới nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Theo thống kê, Ý hiện có 47 di sản được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, xếp trên cả Tây Ban Nha với 44 di sản và Trung Quốc là 43 di sản. Việc sở hữu nhiều di sản văn hóa thế giới nhất đã mang đến cho Ý một thế mạnh đặc biệt, nhất là trong việc thu hút khách du lịch.
Hãng thời trang danh tiếng Prada đã tài trợ để trùng tu tòa nhà nổi Ca’ Corner della Regina và mở triển lãm của Prada bên trong tòa nhà.
Tuy nhiên, khi mà những nhu cầu xã hội khác được ưu tiên trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế như hiện nay thì nguồn ngân sách của nước này dành cho việc duy trì và khôi phục lại một số di tích (nay đã trở thành những địa điểm du lịch) đã bị cắt giảm mạnh. Trong khi Hội đồng Du lịch Nhà nước Ý không tiết lộ con số thống kê cụ thể thì nhiều báo cáo khác nhau đã chỉ ra rằng khoảng 1/3 ngân sách dành cho văn hóa đã bị cắt giảm trong 3 năm qua.
Chính vì vậy, công việc phục hồi những di tích lịch sử ở đất nước này phần lớn đã được “nhường lại” cho các nhà tài trợ tư nhân hào phóng.
Ngành công nghiệp thời trang Ý “giải cứu” di tích
Trong vòng vài năm qua, một số thương hiệu thời trang Ý đã cam kết đầu tư một nguồn kinh phí đáng kể cho việc phục hồi các di sản nổi tiếng.
Vào năm 2011, Tod – hãng sản xuất giày da sang trọng của Ý đã tài trợ 25 triệu euro (32 triệu USD) cho công tác tu bổ, phục hồi Đấu trường La Mã (Colosseum). Được xây dựng vào những năm 70 sau Công nguyên, Đấu trường La Mã là công trình lớn nhất được các võ sĩ giác đấu chọn làm nơi thi đấu và trình diễn trước công chúng. Ngày nay, công trình 2000 tuổi này không những là một di tích lịch sử quan trọng mà còn là một điểm du lịch hấp dẫn của thành phố Rome, nước Ý.
Hãng thời trang xa xỉ Fendi sẽ bỏ tiền trùng tu Đài phun nước Trevi
Tuy vậy, vào thời điểm đó, hiện trạng của Colosseum đang trong trạng thái báo động đỏ, bị hư hại và đặc biệt là bị nghiêng về phía Nam. “Nếu Colosseum cần phải được phục hồi thì sẽ có chúng tôi ở đây. Khi đã có những thành công trong công việc của mình, bạn cũng nên làm điều gì đó để nói lời cám ơn tới Tổ quốc”, ông Diego Della Valle, giám đốc điều hành của Tod’s đã tuyên bố như vậy khi nhận lời tài trợ tu bổ cho Đấu trường La Mã.
Chính trong tháng 5/ 2013, hãng thời trang danh tiếng Diesel đã đồng ý tài trợ kinh phí để khôi phục cầu Rialto ở Venice với số tiền 5.000.000 euro (tương đương 6.400.000 đô la). Rialto là cây cầu cổ xưa nhất bắc qua con kênh Grand, đồng thời cũng là một trong các công trình xây dựng nổi tiếng nhất của thành phố.
Trong khi đó, tại Solomeo, Umbria, thương hiệu thời trang nổi tiếng Brunello Cucinelli vẫn đang nỗ lực giúp đỡ để khôi phục lại thành phố Solomeo. Được biết, trong vòng 25 năm qua, Cucinelli đã giúp phục hồi và đổi mới khu vực Solomeo bằng việc xây dựng một rạp hát, một tòa nhà kiến trúc vòng và những khu vườn dành cho người dân và công nhân ở đây.
Cây cầu Rialto bên dòng Venice.
Không thể không nhắc đến thương hiệu thời trang nổi tiếng Prada trong công cuộc "giải cứu" di sản ở Ý. Tổ chức Prada Foundation, cánh tay phải của hãng thời trang Prada trong thế giới nghệ thuật đã giúp khôi phục lại tòa nhà nổi Ca’ Corner della Regina để sử dụng như một không gian triển lãm.
Và mới đây nhất là lời cam kết của Fendi. Hãng thời trang xa xỉ này đã cam kết dành 2,5 triệu euro (3, 2 triệu đô la) cho việc trùng tu Đài phun nước Trevi và công trình Quattro Fontane, cả hai di tích đều ở Rome.
Trong đó, Đài phun nước Trevi sẽ trải qua đợt trùng tu quy mô lớn và toàn diện nhất từ trước tới nay với kinh phí 2,2 triệu euro (khoảng 2,9 triệu USD). Di tích nổi tiếng thành Rome này sẽ được chùi rửa sạch sẽ, cạo các lắng cặn canxi, kiểm tra kết cấu thép hỗ trợ đài phun nước, trát chất liệu chống thấm vào bồn chứa nước, chữa các chỗ rò rỉ, lắp đặt hệ thống bơm mới, các rào chắn mới để ngăn chim câu…
Theo Karl Lagerfeld, nhà thiết kế tài ba của Chanel và là giám đốc nghệ thuật của thương hiệu thời trang Fendi, việc đầu tư tu bổ công trình này hết sức ý nghĩa và đáng làm vì đây là một đài phun nước nổi tiếng và là biểu tượng của Rome.
“Đôi bên cùng có lợi”
Ngoài giá trị PR cho việc duy trì những di sản, di tích thì một vài thương hiệu cũng đã đạt được lợi nhuận đáng kể trong việc tiếp thị hình ảnh, thương hiệu khi tham gia vào công cuộc trùng tu, bảo tồn di tích.
Khi quyết định rót tiền đầu tư cho dự án trùng tu Đấu trường La Mã, ông Diego Della Valle – ông chủ của hãng giày da cao cấp Tod đã khẳng định “sẽ không đặt bất cứ sản phẩm nào của Tod’s lên Colosseum" khi được hỏi về vấn đề liệu các tấm biển quảng cáo khổng lồ có xuất hiện trên các khán đài gần 2000 năm tuổi này.
Mặc dù vậy, theo một thỏa thuận của Tod- vẫn trong quá trình đàm phán – thì có khả năng thương hiệu của hãng này sẽ được đặt lô gô trên tất cả các tấm vé vào thăm di tích này trong vòng 15 năm và Tod cũng được phép sử dụng lô gô Đấu trường La Mã trên các tờ tiếp thị quảng cáo của mình.
Tham gia vào công cuộc trùng tu di sản cũng là một chiến lược để quảng cáo của các thương hiệu thời trang. Diesel sẽ được phép đặt biển quảng cáo trên 30% diện tích cây cầu Rialto trong quá trình đầu tư phục hồi di sản này
Trong thời gian “rót vốn” đầu tư trùng tu di tích Đài phun nước Trevi, Hãng Fendi sẽ được phép trưng bày lô gô của mình tại di tích này. Ngoài ra, một tấm biển quảng cáo dành riêng cho thương hiệu này cũng sẽ được trưng bày tại Đài phun nước Trevi trong vòng 4 năm sau khi hoàn thành công cuộc trùng tu.
Hãng Diesel cũng được phép đặt quảng cáo hơn 30% diện tích cây cầu Rialto trong quá trình tu bổ. Phần lớn người dân địa phương đều hài lòng với việc các nhà tài trợ tư nhân rót vốn đầu tư cho các công trình di sản nổi tiếng của đất nước mình.
Họ cũng không phiền lòng khi các thương hiệu đặt quảng cáo trên các công trình đó. “Nếu một cá nhân hoặc một công ty nào đó chi tiền để cải tạo một công trình công cộng, đương nhiên tên tuổi của họ sẽ được nêu danh theo cách nào đó như trên giàn giáo, những cây xanh hay tấm lưới trắng ở công trình đó. Không có lý do gì mà họ không được ghi nhận những đóng góp của mình”- một người của Nhà máy rượu Nino Franco nói về dự án trùng tu cây cầu Rialto.
“Việc quảng cáo chỉ là một trạng thái tạm thời trong khi công cuộc bảo tồn và trùng tu di tích đòi hỏi phải có một nguồn lực tài chính khổng lồ, vậy thì chúng ta có nên ghi nhận những nhà tài trợ hảo tâm đó hay không? Những dự án tu bổ di tích quy mô lớn thông qua nguồn vốn tư nhân là một cách để bảo vệ tương lai của những di tích văn hóa ở Ý. Chúng tôi thực sự vui mừng khi biết thương hiệu Diesel đã đóng góp công cuộc trùng tu, phục hồi của cầu Rialto"-nhà môi trường, hoạt động và đồng sáng lập của trang weareherevenice Jane da Mosto nêu ý kiến.
Và những vụ hợp tác thất bại
Tuy nhiên, không phải lúc nào cuộc “hôn phối” giữa các nhà tài trợ tư nhân và những dự án trùng tu di tích cũng diễn ra suôn sẻ.
Vào năm 2011, tờ báo Nghệ thuật Vương quốc Anh cho biết rằng, Nhà thờ Santa Maria di Portosalvo ở Naples đã ký kết một hợp đồng vào năm 2009 với công ty trùng tu Grandi Progetti, theo đó cho phép công ty bán không gian quảng cáo trên khu vực giàn giáo để đổi lấy việc trùng tu di tích này miễn phí.
Đấu trường la mã Coloseum.
Điều đáng nói là, trong khi Grandi Progetti kiếm lời từ việc bán quảng cáo lên tới 3 triệu euro (tương đương 3,8 triệu đô la) thì vẫn không có bất cứ công việc trùng tu, tu bổ nào trong hợp đồng nói trên được thực hiện. Bài báo này cũng chỉ ra rằng, những trường hợp “cơm không lành, canh không ngọt” giữa các phi vụ hợp tác trùng tu di tích diễn ra ít nhất ở 22 thành phố khác ở Ý.
Dĩ nhiên, ngay sau những vụ hợp tác thất bại thì sẽ có những nguồn tài trợ thay thế khác.
Theo Tổng cục Du lịch Nhà nước Ý, một số dự án trùng tu di tích đã được Hãng Xổ số quốc gia Ý đứng ra tài trợ. Tổ chức từ thiện tư nhân như “Venice in Peril” cũng đã gây quỹ hợp tác với chuỗi nhà hàng Pizza Express để hỗ trợ các dự án phục hồi di sản.
Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc để các nhà tài trợ tư nhân tham gia phần lớn vào công cuộc trùng tu các di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng của Ý, song cho đến bây giờ, đây vẫn là giải pháp hữu hiệu khi mà nguồn ngân sách dành cho văn hóa bị cắt giảm thê thảm và các di sản nổi tiếng của Ý đứng trước nguy cơ bị hư hại nghiêm trọng./.
Tổ quốc