Nói đến Phú Thọ – chúng ta nghĩ ngay đến Đất tổ Hùng Vương. Đến Phú Thọ, chúng ta lại được biết tới một loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo, đó là hát Xoan. Hát Xoan là một Di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ, nó tồn tại lâu đời và ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, loại hình nghệ thuật này còn là nghi lễ, phong tục, là sản phẩm của cư dân nông nghiệp vùng đất cội nguồn dân tộc.
Hát Xoan – cần lắm niềm đam mê của thế hệ trẻ
Có một gia đình gửi trọn tấm lòng cho hát Xoan
Nhân dịp Tổng kết Chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2009 vừa qua được tổ chức tại Phú Thọ, tôi có may mắn được tìm về cái nôi của làn điệu hát Xoan, gặp gỡ những nghệ nhân hát Xoan. Đó là những “báu vật sống” của kho tàng di sản quý báu này. Nói đến nghệ nhân hát Xoan, nhiều người chỉ cho chúng tôi đến gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch ở thôn An Thái, xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống hát Xoan, có ông nội là trùm hát Xoan nổi tiếng thời kỳ trước cách mạng và cha là cụ Nguyễn Tất Thắng – một cán bộ công an, ông đã có công rất lớn trong việc khôi phục lại nghiệp hát Xoan và thành lập CLB hát Xoan. Ngay từ năm 13 tuổi, bà đã được cha truyền dạy các làn điệu hát Xoan. Lúc đầu mới học hát, do lời hát là chữ Hán và bước đi, lối lại rất khó học nên bà cảm thấy không có hứng thú với nghiệp hát Xoan. Nhưng từ khi bà được cha giảng giải cho ý nghĩa sâu xa của 14 quả cách tình yêu thì niềm đam mê hát Xoan của bà trở nên mãnh liệt. Nhờ có sự ủng hộ, giúp đỡ của chồng và các con, bà Lịch đã quyết định dồn hết tâm huyết của mình để phát triển phường Xoan.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch bên con gái
Bà Lịch tâm sự: “Dường như Xoan đã là cái nghiệp ăn sâu vào trong tiềm thức của tôi. Tôi muốn truyền lại nghiệp hát Xoan cho con cháu, cho thế hệ sau…, điều quan trọng nhất là tôi không muốn nghệ thuật hát Xoan truyền thống của quê hương đất Tổ vua Hùng bị mai một”. Chính từ những suy nghĩ ấy mà bà Lịch đã không quản ngại khó khăn, vất vả để gây dựng và phát triển phường Xoan. Đến nay, bà Lịch đã đào tạo được 4 lớp học hát Xoan với gần 40 người biết hát. Trong đó, người nhiều tuổi nhất là 86 tuổi, người trẻ nhất là 10 tuổi. Cả 3 người con của bà Lịch là Cấn Xuân Tuấn, Cấn Xuân Tiến, Cấn Thị Thuý An đều theo nghiệp hát Xoan của mẹ. Đặc biệt, các cháu nội, cháu ngoại cũng say mê những điệu Xoan của bà. Trước khi chia tay với gia đình bà Lịch, bà cầm chặt tay tôi nói: “Hát Xoan đang đứng trước nỗi lo thất truyền anh ạ. Trước nguy cơ bị mai một, chúng tôi mong lắm di sản văn hóa hát Xoan cần được bảo tồn và giữ gìn một cách nghiêm túc để cho thế hệ mai sau được hưởng một trong những tài sản tinh thần quý giá của ông cha”.
Phải có giải pháp bảo tồn Di sản hát Xoan
Có lẽ phải tận mắt thấy, lắng tai nghe mới hiểu rõ được ý nghĩa sự thiêng liêng của những làn điệu Xoan. Cũng bởi hát Xoan hướng về tâm linh (biểu diễn tại sân đình), lại hát về khát vọng mùa xuân, những câu chữ ngầm thể hiện ước vọng của con người. Xoan là tiếng hát làng chạ dâng thần linh cầu chúc, khấn nguyện thần linh ban phúc cho làng chạ với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt… Chữ Xoan là từ chữ Xuân đọc trẹo ra. Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước.
Theo khảo sát của Sở VH,TT&DL Phú Thọ, những điệu Xoan cổ chỉ được lưu giữ tương đối đầy đủ ở 4 phường Xoan gốc là thôn An Thái (xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì); thôn Thét, thôn Phù Đức, thôn Kim Đái (xã Kim Đức, TP. Việt Trì). Còn những địa bàn liên quan đến hát Xoan (17 xã thuộc tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc) chỉ đón phường Xoan về hát trong lễ hội đầu xuân. Nhưng hiện nay, đa số những người yêu thích hát Xoan đều đã ngoài độ tuổi 60, còn những người trẻ tuổi không mấy quan tâm đến loại hình nghệ thuật này.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ VH,TT&DL hướng dẫn UBND tỉnh Phú Thọ xây dựng hồ sơ "Hát Xoan Phú Thọ" trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tuy nhiên, để thực hiện được còn có những khó khăn mà theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan – nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam thì: “Lập hồ sơ đưa hát Xoan thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp xứng đáng với loại hình nghệ thuật này.
Để chứng minh được vai trò của hát Xoan trong đời sống tinh thần của cộng đồng, phải nghiên cứu trên 18 làng, sẽ rất khó khăn và tốn kém nhưng nếu không thực hiện sẽ không chứng minh được sức sống, sức lan tỏa và tình cảm của cộng đồng đối với hát Xoan. Vậy để làm được việc lập hồ sơ hát Xoan, theo tôi phải có một tổ chức gồm các nhà khoa học và những người thực hiện tâm huyết và có trách nhiệm. Theo tôi được biết, khoảng 3 tháng nữa (31/3/2010), hồ sơ hát Xoan sẽ được hoàn tất để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp…”.
Thay cho lời kết
Trước thực trạng loại hình nghệ thuật trên mảnh đất cội nguồn của dân tộc đang đứng trước nguy cơ ngày càng mai một, thì việc đi tìm những biện pháp để bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xoan đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Mô hình bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể mà UNESCO đề xướng là bảo tồn di sản đó trong cộng đồng, sẽ giúp cộng đồng sở hữu di sản ý thức được giá trị văn hóa của mình để gìn giữ và phát huy nó. Hát Xoan gắn liền với lễ hội, với nhu cầu tâm linh, vì vậy nếu không được “cắm rễ” vào mảnh đất lễ hội, hát Xoan sẽ không có điều kiện lan toả mạnh mẽ như sức hút vốn có của nó.
baodulich.net