Với mô típ kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Kh’mer, những mặt tường ngoài đắp nổi, tượng tròn hoặc chạm khắc, thể hiện các hình tượng Rea-hu (Hổ phù), Tiên nữ, chim thần (Kâyno), Chằn (Yeak)…
> Uy nghiêm, tráng lệ như chùa Khmer
> Một góc Trà Vinh qua những ngôi chùa Khmer
> Thăm chùa Vàm Ray, Trà Vinh
Chùa Kh’mer Nam bộ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hoá – xã hội của cộng đồng. Đặc biệt hơn nữa là tính giáo dục và các hoạt động giáo dục nhân văn sâu sắc, tạo nên bản sắc văn hóa bình dị và hướng thiện đặc trưng của cộng đồng người Kh’mer Nam bộ.
Với những mô típ kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Kh’mer, những mặt tường ngoài đắp nổi, tượng tròn hoặc chạm khắc, thể hiện các hình tượng Rea-hu (Hổ phù), Tiên nữ, chim thần (Kâyno), Chằn (Yeak)… được trang trí nhiều màu sắc rực rỡ.
Một điểm vô cùng đặc biệt trong các ngôi chùa Kh’mer là những bức bích họa vẽ kín các mặt tường gian chính điện. Nội dung chủ yếu của những bức tranh này là kể lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ lúc mới sinh cho đến khi tu thành đạo hạnh.
Vì những bức tranh bị hỏng nên hiện nay hầu như các tranh đều được lấy mẫu từ Ấn Độ, những nhân vật trong tranh thường phảng phất gương mặt của người Ấn. Trên trần của chính điện cũng thường được vẽ kín với nội dung cảnh giao đấu giữa các Tiên nữ và Chằn, cảnh Tiên làm lễ, cảnh dâng hoa… hay khi Đức Phật vừa mới đắc đạo thì Ma Vương đem binh tới chống phá, đòi Phật phải minh chứng.
Đức Phật chỉ tay xuống, lấy đất làm chứng cho mình. Thần đất chấp thuận, hiện hình lên, buông tóc tuôn thành dòng nước cuốn trôi lực lượng tà ma.
Những bức bích họa trên tường mang tư tưởng đạo Phật sâu sắc được tạo tác bằng những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân dân gian Kh’mer mà hầu hết họ được truyền nghề từ trong thời gian tu học tại chùa.
Thế nhưng trong quá trình tạo tác nên những bức tranh này, người nghệ nhân không chỉ rập khuôn, tuân thủ theo các mẫu cổ điển mà còn thổi vào tranh nguồn cảm hứng vô tận, phản ánh nhân sinh quan của từng lớp tư duy, nhận thức của người nghệ sĩ.
Những người dù tu hành hay không tu, còn trẻ hay đã già, thậm chí là du khách tham quan chưa từng tụng kinh, niệm Phật, chưa từng tìm hiểu về Phật… cũng chỉ cần vào chùa xem tranh là có thể hiểu được phần nào những giá trị của đạo Phật.
Các nghệ nhân dân gian đã tạo tác nên tranh chính là những nhà sư, những người dân sinh sống trong cộng đồng tại địa phương. Họ rất hiểu và thấm nhuần những tư tưởng Phật từ khi còn rất nhỏ, đồng thời họ cũng hiểu rõ về văn hóa địa phương, vì vậy mà những tư tưởng của Phật trong tranh bích họa chùa Kh’mer rất dễ hiểu, dễ cảm thụ và dễ dàng hòa nhập vào đời sống cộng đồng, thậm chí với cả những người không biết chữ.
Chính những bức bích họa này đã âm thầm góp phần giáo dục nên một lối sống thanh sạch, hướng thiện đẫm tư tưởng Phật giáo sâu sắc.
Mỗi bức bích họa tuy đơn giản như vậy nhưng bao hàm trong nó là một câu chuyện về đức Phật, về những khó khăn, gian khổ và sự hy sinh trong cuộc đời tu hành, đắc đạo của đức Phật.
Người nào hiểu được điều này sẽ có thể biết rõ giá trị của sự rèn luyện và học hỏi để nâng cao trí tuệ, thể chất, tôn trọng truyền thống và lịch sử, đặc biệt là đạo hiếu và truyền thống gia đình. Đây chính là những giá trị mang tính giáo dục và nhân văn sâu sắc, được thể hiện trong bích họa ở các ngôi chùa Kh’mer Nam bộ.
Theo An ninh Thủ đô