Phố Cáo là một xã vùng cao thuộc huyện Đồng Văn, nơi đây không chỉ thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp của thiên nhiên mà nơi đây còn là điểm đến hấp dẫn cho các bạn trẻ ưa khám phá những vùng đất mới.
Nằm ven đường quốc lộ 4C, Phố Cáo là một điểm khó có thể bỏ qua khi tới Đồng Văn. Là một thị trấn nhỏ của Hà Giang, đến nơi này du khách không khỏi ngỡ ngàng bởi cảnh sắc hiền hòa và bình yên, khuất nẻo và chưa mấy xáo trộn ở Phố Cáo.
Những gương mặt trẻ thơ bầu bĩnh, với má ửng hồng và đôi mắt long lanh hiếu kỳ luôn vây quanh du khách một cách thân thiện. Và những người dân trong bản luôn sẵn sàng tỏ lòng hiếu khách với những bát rượu ngô đong đầy mời chào khách.
Điều ấn tượng du khách nhất có lẽ là những ngôi nhà tường màu đất vàng đặc trưng ánh lên trong nắng, với cổng gỗ nằm trong hàng rào đá – nét đặc trưng của vùng cao nguyên đá với bốn dân tộc Mông, Hán, Dao, Pu Péo, trong đó người Mông chiếm tới 90%…
Đến Phố Cáo, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cánh đồng tam giác mạch trải dài bao bọc thung lũng tới ngút tầm mắt và đều đặn những dãy nhà đất đẹp như trong chuyện cổ tích. Ở đây không có nhà gạch, không mái đổ bê tong mà chỉ có những căn nhà đất trình tường của người Mông từ bao đời nay vẫn vậy, vừa vững chãi dãi nắng dầm mưa, vừa có chút gì đó bí hiểm sau những cánh cửa gỗ và hàng rào đá.
Dãy nhà tường đất vàng óng và cánh đồng tam giác mạch bao bọc thung lũng Phố Cáo có một sức hấp dẫn kỳ diệu với những du khách đến từ miền xuôi.
Việc xếp đá dựng tường của đồng bào người Mông đã là lạ lẫm, bởi trên cao nguyên này, đá nhiều hơn đất trồng ngô, và suốt tháng này qua năm nọ, những viên đá cứ thế được xếp chồng lên nhau để tạo thành một tường đá bao quanh vững chãi cho mỗi ngôi nhà.
Không ít người kinh ngạc trước sức bền của những bức tường đá xếp, cũng như vẫn thắc mắc về khả năng tồn tại của nhà tường trình, bởi chỉ bằng kinh nghiệm truyền đời, người Mông vẫn dựng cho mình những ngôi nhà đôi khi cao tới hai tầng, tường đất nện và hệt cột kèo chỉ là mấy thanh gỗ, không nền móng sâu, không bê tông kết dính nhưng qua thời gian chất đất càng để lâu càng cứng rắn như sành.
Những mái nhà nằm nghiêng dốc, với bậc thềm đất nện cao, tường vách và khuôn cửa cùng quần tụ hướng vào khoảng sân chung, các đường nét đó gợi nhớ về hình thái trang ấp cổ xưa, nơi lưu giữ tập tục và thói quen sinh hoạt không pha trộn.
Hiện tại, Phố Cáo còn khoảng hơn 50 ngôi nhà được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống nguyên bản ít bê tông hoá (có niên đại trên dưới 100 năm) và hầu hết người dân vẫn còn sử dụng vật dụng sinh hoạt và trang phục truyền thống, Khu nhà cổ cư trú khá tập trung, có đường dân sinh trong bản và cảnh quan sạch đẹp.
Có thể nói khu nhà cổ phố cáo là một điểm nhấn du lịch hấp dẫn không kém gì phố cổ Đồng Văn. Đã đặt chân đến Phố Cáo, du khách không nên bỏ qua buổi chợ phiên. Ở Hà Giang thường có những phiên chợ lùi, chủ yếu là ở các xã, nghĩa là chợ họp luân phiên ngược lại các thứ trong tuần.
Ví dụ tuần này chợ họp vào chủ nhật, thì tuần sau sẽ họp vào thứ bảy, tuần tiếp theo sẽ họp vào thứ sáu, tuần sau nữa sẽ họp vào thứ 5… Chợ phiên Phố Cáo cũng là một phiên chợ lùi như vậy.
Phiên chợ được họp từ rất sớm và kết thúc vào lúc quá trưa. Chợ tuy còn nghèo nàn, đơn giản nhưng thấm đượm tình người, nơi có những người dân tộc thật thà mang đến đây những sản vật do chính bàn tay cần mẫn của họ làm ra. Đó là sản vật đặc trưng, cũng là đặc sản của từng vùng. Chợ phiên thật náo nhiệt và đầy sắc màu.
Báo Thể Thao Việt Nam