Đến Gáo Giồng, không những được nghe chim hót trên cây, bạn còn được chiêm ngưỡng cá quẫy mừng dưới nước và cò trắng sải cánh trên đầu.
Cách thành phố Cao Lãnh 17 km đi dọc theo quốc lộ 30, Gáo Giồng được chia thành bốn khu với trên 70 km kênh phân lô, 20 km đê bao khép kín. Để đến được Gáo Giồng, bạn phải đi qua một quãng kênh dài 2 km xuyên rừng tràm xanh ngút ngàn trên chiếc xuồng ba lá – một trong những đặc sản của người dân Nam Bộ.
Mỗi xuồng chở 3-4 người, được các cô thôn nữ duyên dáng trong tà áo bà ba và khăn rằn chèo nhè nhẹ lướt đi vào sâu trong các cánh rừng nguyên sinh. Đi dọc theo con kênh xanh xanh, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh thanh bình nhưng đẹp đến mê hồn được tạo nên bởi những gam màu dịu nhẹ của mênh mông bèo xanh, điểm xuyết những bông tràm trắng tinh khôi.
Chốc chốc trong rừng lại vang rộ lên tiếng cười râm ran làm những con nhan điển đang bơi lặn bắt cá cũng phải giật mình tung cánh bay. Dưới nước, cá chốt, cá lóc, cá lăng quẫy mình lỉnh sau đám rong rêu.
Nắng lên ở rừng tràm Gáo Giồng. Ảnh: dongthap.gov.vn
Gáo Giồng đẹp nhất vào mùa nước nổi, khi mà “ốc đảo” này rực rỡ trong sắc màu hòa quyện vàng, tím, hồng, xanh của những chùm hoa điên điển, hoa súng, hoa sen và cả rừng tràm.
Được xem là lá phổi của vùng Đồng Tháp Mười, khu rừng tràm rộng 1.700 ha này còn được coi là vườn cò lớn nhất vùng với diện tích 40 ha. Gọi nó là “sân chim” thì đúng hơn vì nơi này tập hợp hơn 200 loài chim trú ngụ, nhiều nhất vẫn là những đàn cò trắng lên tới hàng chục nghìn con.
Có dịp ghé sân chim vào buổi sáng sớm hay chiều muộn, du khách chắc chắn phải thốt lên kinh ngạc khi bắt gặp khung cảnh ngoạn mục có một không hai. Lúc đó, cả một “rừng” chim từ bốn phương hội tụ tung cánh bay rợp trời giữa âm thanh náo động của tiếng gọi đàn.
Trong ánh nắng le lói được tạo nên bởi những tán tràm mát rượi, nhiều quần thể chim nước đã đến đây sinh sống và làm tổ quanh năm như trích mồng đỏ, le le, vịt trời, thậm chí có cả những loài chim quý hiếm được ghi vào sách đỏ như ô tác, giang sen, đặc biệt là nhan điển. Tất cả đã hòa quyện và tạo nên một khu rừng hoang sơ bí ẩn nhưng căng tràn sự sống.
Sân chim Gáo Giồng. Ảnh: dulichgaogiong.com
Cũng được coi là vựa cá ngọt lớn bậc nhất vùng Đồng Tháp Mười, Gáo Giồng là nơi thích hợp để bạn tạm quên đi cuộc sống bề bộn mà tìm cho bản thân những khoảnh khắc riêng tư. Chỉ cần một chiếc cần câu, một ít mồi và một chiếc võng là bạn đã thực sự chìm trong cuộc sống bình yên, đậm chất miền Tây Nam Bộ.
Ẩm thực Gáo Giồng cũng là một đặc sản không thể không nhắc tới. Một trong các món ăn “huyền thoại” chỉ có ở vùng quê sông nước này đó là cơm huyến rồng gói lá sen dân dã, chỉ khoảng 20.000 đồng một gói là đủ ăn cho 2-4 người. Cơm thơm mùi lá sen, càng nhai càng có vị ngọt và bùi.
Ngoài ra, đừng bỏ qua món cá lóc nướng gói đọt sen – một sơn hào hải vị khác của ốc đảo xanh, ngon không đâu sánh bằng. Món ăn này đánh thức đủ các vị từ chua, ngọt tới đắng, cay, làm thực khách khi ra về mà vẫn còn “vương vấn”. Bên cạnh đó, nhiều món ăn đặc trưng Gáo Giồng như mắm kho chấm rau dừa, rượu mật ong tràm, lá linh chi nấu canh chua bông điển điển… cũng làm các du khách nức lòng.
Cơm gạo huyết rồng. Ảnh: Nguyễn Lan Uyên.
Gáo Giồng tiếp đãi khách tham quan không chỉ bằng cảnh vật, ẩm thực mà còn bằng văn hóa truyền thống. Người ta đến đây, một phần cũng vì xúc động bởi điệu hò Đồng Tháp chứa đựng nhiều hoài niệm, nhiều ước mơ cháy bỏng. Hò Đồng Tháp ngày nay được liệt kê vào danh mục bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đã bị mai một nhưng đang trên bước đường khôi phục và phát triển.
Cùng với điệu hò đậm chất cổ truyền, Gáo Giồng còn đưa du khách trở về tuổi thơ với những trò chơi dân gian xưa như kéo co, đi cà kheo, nhảy bao bố hay banh đũa… phù hợp với các hoạt động tập thể và những khách tham quan đi theo nhóm.
Một lần đến Gáo Giồng thôi cũng đủ làm bạn tương tư về một vùng miền Tây Nam Bộ hoang sơ, yên bình và đầy sức sống.
Vnexpress