Cầu Sài Gòn, cầu chữ Y, cầu Khánh Hội… đều là những cây cầu gắn liền với lịch sử, cuộc sống của người dân thành phố mang tên Bác.
1. Cầu Sài Gòn
Cầu Sài Gòn là cây cầu nổi tiếng và quan trọng nhất nối liền TP HCM với các tỉnh miền Bắc, miền Trung ở cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố. Rất nhiều khách du lịch Sài Gòn tò mò về nó. Được xây dựng từ năm 1958, cây cầu có chiều dài gần 1 km này là nhân chứng lịch sử gắn liền với những biến động của lịch sử thành phố. Năm 2012, cùng với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, thành phố đã quyết định xây thêm một cây cầu Sài Gòn mới song song với cây cầu cũ về phía hạ lưu.
2. Cầu Khánh Hội
Nằm bên cạnh bến Nhà Rồng, nối liền quận 4 và quận 1, cầu Khánh Hội hiện là cây cầu mới được xây dựng vào năm 2009 trên nền cầu cũ. Với vị trí ngay đầu kênh Bến Nghé đổ vào sông Sài Gòn, cầu là nơi lý tưởng để du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Sài Gòn từ phía Đông, không chỉ vậy, cầu còn là địa điểm để người dân thành phố đứng xem pháo hoa trong mỗi dịp lễ, Tết quan trọng của dân tộc.
3. Cầu Phú Mỹ
Đây là cây cầu dây văng đầu tiên ở Sài Gòn nối liền quận 2 và quận 7, cầu có chiều dài 2.031 m, chiều rộng 27,5 m với trụ tháp cao 162,5 m. Không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, cây cầu còn mang tính biểu tượng của một thành phố năng động, phát triển trong thời kỳ mới. Với vẻ đẹp uy nghi, hùng vỹ của mình, cầu đã thu hút rất nhiều ống kính của các nhiếp ảnh gia để tìm kiếm những bức ảnh tuyệt đẹp ở đây. Ngoài ra, cầu còn là nơi mà các bạn trẻ hay tìm đến vừa trò chuyện vừa hóng mát vào mỗi buổi chiều tối.
4. Cầu Thủ Thiêm
Cầu Thủ Thiêm là một cây cầu nối hai bờ Sông Sài Gòn trên địa bàn quận 2 và quận Bình Thạnh của TP HCM. Với cảnh quan tuyệt đẹp, cầu Thủ Thiêm nhanh chóng trở thành điểm đến ưa thích của các bạn trẻ Sài Gòn vào mỗi buổi tối. Đứng trên cầu, vừa ngắm nhìn cảnh thành phố về đêm lấp lánh ánh đèn vừa đón những làn gió từ sông Sài Gòn thổi về mát rượi, thật sự rất dễ chịu. Ngoài ra, cũng như cầu Khánh Hội, cầu Thủ Thiêm là địa điểm tuyệt đẹp để ngắm pháo hoa ở Sài Gòn.
5. Cầu Mống
Trong số những cây cầu cũ xưa còn sót lại ở Sài Gòn, có lẽ cầu Mống là cây cầu mang đậm dấu ấn thời gian nhất. Đây là loại cầu sắt được Pháp thiết kế và xây dựng vào năm 1893 với thành cầu uốn cong bắc qua kênh Bến Nghé. Ngày nay, cầu Mống không còn lưu thông xe mà trở thành cầu bộ hành. Với vị trí thuận lợi, thoáng mát và sạch sẽ, cầu Mống nhanh chóng trở thành điểm hò hẹn của giới trẻ Sài Gòn mỗi khi đêm về. Không chỉ có vậy, cầu còn là nơi lý tưởng để du khách có thể vừa đi dạo vừa chụp những bức ảnh đẹp về Sài Gòn.
6. Cầu chữ Y
Tên gọi của cầu bắt nguồn từ hình dáng độc đáo giống như chữ Y. Cầu chia làm ba nhánh với nhánh chính nằm ở đường Nguyễn Biểu (quận 5), cầu chia làm hai hướng bắt qua hai con kênh Bến Nghé và Kênh Tẻ nối liền quận 5 với quận 8. Cầu được xây dựng từ năm 1940 đến năm 1948 thì hoàn thành. Cây cầu uy nghi và thơ mộng này đã gắn liền với những trang sử vẻ vang của nhân dân quận 8 qua hai thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
7. Cầu Ông Lớn
Nằm bắt qua rạch ông Lớn trên đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7), cầu Ông Lớn với màu đỏ đặc trưng với kết cấu vòm ống thép nhồi bê tông đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam. Với vẻ đẹp độc đáo, nổi bật của mình nên không ngạc nhiên khi cầu là địa điểm chụp ảnh, chụp hình cưới rất được các bạn trẻ và cô dâu chú rể ưa thích.
8. Cầu Ánh Sao
Cầu bộ hành Ánh Sao có chiều dài 170m, bắc qua rạch Thầy Tiêu nối khu hồ Bán Nguyệt với khu kênh Đào, quận 7. Cầu có thiết kế cong hình mặt trăng với những ánh đèn lead liên tục đổi màu tạo nên một bức tranh lung linh, huyền ảo trên mặt hồ. Tên gọi Ánh Sao bắt nguồn từ bề mặt cầu được thiết kế với những ánh đèn led chiếu ngược lên tạo cho người đi trên cầu có cảm giác đang bước đi trên muôn nghìn vì sao. Với những vẻ đẹp đó nên không ngạc nhiên khi cầu Ánh Sao trở thành nơi vui chơi, hò hẹn của các bạn trẻ mỗi khi đêm về.
Ngôi sao/Báo du lịch