Huế nổi tiếng với Đại Nội, lăng tẩm, chùa chiền, nhà vườn, biển Lăng Cô, phá Tam Giang…. nhưng vẫn có những chốn ít được biết đến, khách đến một lần không thể không quay lại.
> Trầm mặc nét đẹp xứ Huế ngày đầu năm
> Thơm lừng bún nghệ xứ Huế
> Tiếng thơm Rất Huế trên phố Sài Gòn
Thanh Bình Từ Đường: Tín ngưỡng thờ cúng độc đáo
Ai cũng biết đến nhà hát Duyệt Thị Đường trong Đại Nội Huế, nhưng rất ít người biết đến nhà thờ tổ nghề hát Tuồng gần 200 tuổi trong khuôn viên tàn tích của Thanh Bình Thự – trường dạy hát đầu tiên của triều Nguyễn được xây dựng từ thời Minh Mạng.
Không gian của Thanh Bình Từ Đường (Ảnh: thuathienhue)
Thanh Bình Từ Đường nay thuộc phường Phú Hiệp, thành phố Huế. Không có gì đặc biệt về kiến trúc, các kèo xuyến được đẽo gọt, trang trí đơn giản, tường gạch, mái gỗ lợp ngói liệt, và hầu như đã xuống cấp nghiêm trọng kể từ lần trùng tu cuối vào năm 1958. Không còn chút dấu vết nào của Thanh Bình Thự ngoài khoảng sân rộng lát gạch đã vỡ nát trước nhà thờ – nơi từng tổ chức những cuộc biểu diễn Tuồng quy mô nhất.
Sức thu hút của Thanh Bình Từ Đường là tín ngưỡng thờ cúng độc đáo khó trùng lặp trong văn hóa phương Đông. Theo thuyết minh của cụ thủ từ (người chăm nom hương khói ở đền hay đình) Trần Ngọc Lợi, nhà thờ có đến 15 hương án, thờ từ các vị Tổ nghề Tuồng, Tổ nghề Chèo, Tổ nghề Cải lương đến các vị chư tiên, Tề thiên đại thánh, và thờ cả 12 vị Tổ các nghề sản xuất trong xã hội như nghề rèn, nghề may, nghề mộc, nghề kim hoàn…
Cụ thủ từ lý giải rằng: sân khấu không chỉ có người diễn viên mà còn phải có đạo cụ, phục trang và khán giả, nên tôn vinh nghề hát không thể thiếu việc tôn vinh những giá trị tạo nên nghề hát.
Vị thủ từ của Thanh Bình Từ Đường (Ảnh: thuathienhue)
Vị thủ từ 85 tuổi đầy minh triết đã gắn bó với Thanh Bình Từ Đường từ năm 1954 đến nay cũng sẵn sàng tiếp bất kỳ vị khách nào có tâm đến nơi thờ Tổ, dẫn đến từng hương án, vừa giới thiệu cho khách vừa hướng dẫn khách dâng nhang. Và không quên bày tỏ ước nguyện Từ Đường sẽ trở nên ấm cúng, tấp nập như xưa.
Cà phê Quan Lại (Mandarin)
Quán cà phê có cái tên rất cung đình này nổi tiếng trên báo “Tây” 2 thập kỷ nay dù đã qua nhiều lần di rời trước khi về ngự ở phố Trần Cao Vân. Nổi tiếng không phải nhờ cà phê ngon, đồ fast food đa dạng, mà nhờ đặc sản: chủ quán.
Du khách quốc tế ở quán Manderin Café (Ảnh: H. Hồng)
Chủ quán Mandarin café – ông Phan Cử – là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư, xuất thân là dân vạn đò. Từ những năm đầu 90, khi thành phố Huế có chủ trương đưa người dân vạn đò lên bờ, ông đã cầm máy ảnh đi ghi lại toàn bộ 11 vạn đò từ thượng nguồn đến phá Tam Giang để lưu giữ những kỷ niệm 9 năm đầu đời của mình và cả một nền văn hóa sông nước quý báu của đất cố đô sắp biến mất.
Những bức ảnh này đã đưa cái tên Phan Cử lên các tạp chí du lịch danh tiếng của Pháp, Ý, Tây Ban Nha… Cùng nhiều triển lãm cá nhân được tổ chức tại Pháp như Phan Cử, cái nhìn về Việt Nam, Đứa trẻ của dòng sông… qua cầu nối là ông Gerard Amigues – Người đứng đầu vùng Lot-Cele của Pháp.
Mandarin café và Phan Cử có tên trong hầu hết các loại sách Guide book dành cho khách du lịch châu Âu. Đây vừa là điểm ăn uống, vừa là điểm mua tour, vừa là điểm từ thiện. Phục vụ đều xuất thân là trẻ em vạn đò, trẻ lang thang cơ nhỡ được ông Phan Cử cưu mang.
Các tổ chức phi chính phủ thường nhờ ông Cử làm cầu nối để tổ chức các hoạt động từ thiện trên địa bàn thành phố Huế. Khi khách có yêu cầu, chủ quán cũng sẵn sàng làm một tour guide nhiệt tình với những hiểu biết về Huế không thua kém một nhà nghiên cứu văn hóa nào.
Đến Mandarin café, dù là khách quen hay khách lần đầu, bạn cũng được chủ quán tiếp đãi nồng hậu với món bánh chuối socola đặc biệt và những thiên ký sự sống động kể đến đêm không hết về vạn đò sông Hương. Trong đó có một câu chuyện kiểu tiểu thuyết lãng mạn được ông chủ khẳng định là thật 100%: “Có cô gái sinh ra và lớn lên ở vạn đò, yêu một anh chàng cũng dân vạn đò từ thơ ấu.
Chàng trai thông minh, hoạt bát được một gia đình giúp đỡ nuôi ăn học, sau đó thì sang Mỹ làm ăn, sinh sống. Khi thành đạt, chàng trai quay trở về vạn đò đón người yêu sang Mỹ hưởng cuộc sống phú quý nhưng cô gái từ chối. Chàng trai hỏi tại sao em lại không đi, ở bên đó cái gì cũng có cả. Cô gái trả lời: Ở bên đó cái gì cũng có, chỉ có một thứ không có, là tiếng gió lùa trong tre”.
Cồn Hến
Đến cồn Hến ăn cơm hến thì hầu như ai cũng đến rồi. Nhưng đến cồn Hến vào lúc hoàng hôn, chọn một chỗ ngồi sát mép nước trong quán cà phê Festival, thong thả chờ trời tối, là một trải nghiệm khác biệt.
Cồn Hến.
Ở vị trí này, bạn có thể ngắm cầu Tràng Tiền nhỏ xíu như chiếc cặp ba lá cặp ngang suối tóc sông Hương đang tuôn về phía mình, những cánh én chao liệng xuống mặt nước, và những gia đình vạn đò chuẩn bị bữa tối chỗ cù lao nhỏ um tùm cây cổ thụ và nghi ngút hương khói tách sông Hương ra làm hai trước khi đổ ra biển.
Không có tiếng động nào ngoài tiếng mái chèo khua lạch nước. Cái phong cảnh ấy khiến du khách thấm thía hơn những câu thơ của Hàn Mặc Tử “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/Ai biết tình ai có đậm đà”.
Cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp của Cồn Hến (Ảnh: Phan Cử)
Nhưng cũng đừng ở đó quá lâu khi đến một thành phố nơi nào cũng êm đềm, tĩnh lặng như Huế. Khi chim én đã bay về tổ rồi, bạn có thể đi vào đầu thôn Vĩ Dạ, chọn một quán, ăn bát cơm hến, bún hến hay chè bắp, xuýt xoa vị cay xè đầu lưỡi để thấm thía triết lý của vùng đất này.
Khánh Hải/Tổ Quốc