Một rừng mộ của người Mường, với hàng trăm, hàng nghìn bia đá kích cỡ khác nhau, sắc nhọn tua tủa hướng lên trời cao đã tồn tại trong rừng sâu hàng thế kỷ.
>Phượt trên đèo Hải Vân ngắm thiên nhiên tươi đẹp
>Ngày xuân dạo chơi chợ phiên Bảo Lạc
Bí ẩn khu mộ thiêng ngủ quên trong sự u tịch của rừng núi đột ngột được giải mã khi một đội quân "mộ tặc" sau một đêm đã lật tung những nắp hòm…
Lạc vào "thánh địa" nhà Lang
Khu mộ cổ của người Mường nằm hun hút sau những dãy núi trập trùng thuộc xóm Chiềng, xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình. Lối nẻo quanh co của địa thế vùng rừng núi Tây Bắc, đưa chúng tôi đến rừng mộ thiêng của người Mường Đồng. Đó là một bãi đất thoai thoải, lọt thỏm giữa núi cao trập trùng bao quanh.
Rừng mộ đá được người xưa chọn làm nơi yên nghỉ người đã khuất có địa thế giữa thung lũng, nhìn từ xa tổng thể khu mộ với vô số bia đá vẽ nên không gian hình miệng rồng, cái thẳng đứng, cái nằm chếch nghêng, cái cao quá đầu người, cái chưa đến đầu gối. Đứng ở phía ngoài đường lớn nhìn vào, chúng tôi vốn đã rờn rợn bởi những huyền thoại về khu mộ thiêng lại thêm giật mình khi những phiến đá lổm ngổm cao thấp khác nhau giống như những bóng người, kẻ đứng thẳng, kẻ khom lưng, chỗ tụm 5, chỗ tụm 7.
Tất cả các ngôi mộ đều có đặc điểm chung đó là phía đầu mộ được chôn ba khối đá cao, phía đuôi được chôn ba khối thấp hơn, còn lại rất nhiều khối khác nhỏ hơn nữa được dựng xung quanh. Có khối đá được đục chữ Hán, số lượng chữ ở mỗi khối nhiều ít không giống nhau. Những khối đá này được xác định là đá cẩm thạch không có ở địa phương mà chỉ có ở Thanh Hoá.
Phó Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Đồng Bùi Văn Hùng giới thiệu: "Những bia đá có lần khai quật lên cân nặng đến hàng tấn chứ chẳng chơi". Tuy không phải là người nghiên cứu khảo cổ học, nhưng ông Hùng là người dày công tìm hiểu và nắm tương đối rõ rất nhiều chuyện xung quanh rừng mộ này.
Ông Hùng cho biết: "Nói đến người Mường, thì có hẳn cả một kho tàng những câu chuyện kỳ bí, chỉ cần kể riêng vấn đề chọn cất người chết cũng đã đủ li kỳ. Tuy nhiên, mỗi Mường đều có sự khác nhau, cũng như Bi, Thàng, Vàng, Mường Động chúng tôi cũng có cách chôn cất người chết riêng theo cách của mình. Khu mộ với hàng trăm, hàng nghìn bia đá nhọn hoắt là một điều vô cùng độc đáo mà chỉ ở Vĩnh Đồng chúng tôi mới có".
Khu mộ này của một gia đình, dòng họ Lang nào đến nay chưa có câu trả lời xác đáng. Tuy nhiên, theo anh Hùng, đối chiếu sử sách lịch sử quê hương mình, cho thấy khu mộ này có nói đến việc xây dựng khu mộ ghi danh tưởng nhớ một người trong dòng họ Đinh Công.
Sử sách Vĩnh Đồng nói rằng, sau khi phù nhà Lê tiến quân ra Bắc diệt nhà Mạc trong cuộc nội chiến tranh giành quyền lực giữa các thế lực phong kiến trong nước cuối thế kỷ thứ XVI, dòng họ Đinh được Vua Lê – chúa Trịnh phong tước cho cai quản Mường Động. Thế kỷ XVII, quyền lực của họ Đinh vô cùng vững mạnh. Hiện nay, dòng họ Đinh ở Mường Động còn lưu giữ được quyển gia phả của dòng họ viết bằng chữ Hán. Họ Đinh khá nhiều người danh tiếng, trong đó có Đề đốc Uy lộc hầu Đinh Công Kỷ.
Đinh Công Kỷ là người kế nghiệp cha làm thổ tù, giúp các vua Lê Trung Hưng chống giặc, xây dựng triều chính và cũng là một trong những tướng tài của Trịnh Kiểm. Khi tạ thế, Đinh Công Kỷ đã được mai táng theo tước hầu. Nhà Lê đã cho người về Thanh Hoá kỳ công tìm kiếm, vận chuyển nhiều phiến đá xanh ra làm cột mồ xung quanh mộ. Đến thế kỷ XVII, cùng với sự vững mạnh của họ Đinh Mường Động, Đống Thếch trở thành "Thánh địa" của dòng họ này. Với diện tích rộng tới vài chục ngàn mét vuông, Đống Thếch có tới hàng trăm ngôi mộ của nhiều thế hệ, trong đó có nhiều ngôi mộ xung quanh được chôn nhiều cột đá cao lớn, có thể là để cắm dấu khẳng định quyền lực của họ Đinh.
Khu mộ nhà Lang qua bao đời nay vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Tuy hiện nay, cây rừng không còn phủ lên rậm rạp, không còn bóng những cây cổ thụ nhưng khu "thánh địa" thiêng này vẫn là vùng đất độc đáo đến bí ẩn mà con người chưa giải mã hết được.
Những dòng chữ Hán được tạc trên một khối đá trong đó ghi họ tên, ngày tháng năm mất của người được chôn.
Huyền thoại khu "thánh địa"
Người dân bản địa nói về nơi ông cha họ ngày trước dựng xây nên khu mộ độc đáo này lại rất mơ hồ về gốc tích của "thánh địa" này. Nghe chuyện của đồng bào Mường Vĩnh Đồng về khu mộ cổ, chúng tôi không khỏi băn khoăn giữa thực và hư luôn bị lẫn lộn. Nói là gốc tích về khu mộ không đúng, mà đúng ra là truyền thuyết về nó có vẻ đúng hơn. Họ kể rằng trước đây, "thánh địa" thiêng này rộng lớn hơn nhiều, không phải hàng trăm mà hàng nghìn ngôi mộ đi kèm với đó là vô số phiến đá được chôn xung quanh. Người Mường không gọi "thánh địa" ấy là khu mộ mà là rừng mộ.
Những câu chuyện mang màu sắc kỳ bí, hoang đường, đã được truyền miệng rỉ tai nhau xuyên suốt mấy thế kỷ khiến cho dân bản xứ đều sợ sệt e dè, ít người dám qua lại nơi đây. Mọi chuyện khởi điểm bằng việc một đoàn người ngựa với đồ đạc lỉnh kỉnh đã dừng chân nghỉ đêm bên những cột đá, đến khi trời sáng người dân chỉ còn thấy những hành lý rơi vãi toàn những cuốc thuổng, ngựa vẫn còn nguyên cả đàn ở khu mộ, nhưng tuyệt nhiên không thấy một bóng người nào nữa. Người dân lúc đó mới ngỡ ra là bọn đào trộm mộ, nhưng mộ không bị đào còn bọn "mộ tặc" thì mất tích một cách bí ẩn.
Từ đó, vốn người ta đã e dè, sợ hãi khu đất thiêng dẫn đến không một ai dám bén mảng đến nơi này. Tuy nhiên, theo ông Hùng, đó chỉ là câu chuyện do người dân truyền tai nhau rồi thêu dệt nên nhiều chi tiết cho li kỳ, huyền bí.
Rừng mộ với tua tủa bia đá ở Vĩnh Đồng còn gắn với câu chuyện thần giữ của, mỗi ngôi mộ đều phải chôn sống theo một cô gái còn trinh. Trước khi bị chôn sống, cô gái được tắm rửa sạch sẽ, ăn những loại thức ăn theo nghi lễ người Mường. Trong quá trình khai quật mộ, người ta phát hiện thấy nhiều hình nộm mà theo truyền thuyết những hình nộm này đã được yểm bùa, tẩm thuốc độc, ai chạm vào hình nộm đó sẽ chết trong nháy mắt.
Những truyền thuyết này tưởng chừng như bất tận với thời gian, nhưng bí mật hàng nghìn năm trong phút chốc được đào bới lật tung. "Trước những năm 80 thế kỷ trước, không ai dám vào khu mộ, tưởng chừng như câu chuyện những tên đào trộm mộ biến mất kia sẽ là "lá bùa" bảo vệ khu mộ. Nhưng nó không thoát được nạn "mộ tặc". Trước những năm 1970, cả khu mộ với hàng nghìn ngôi mộ còn nguyên vẹn, những năm 80 còn 70%, những năm 90, khu mộ tan tành!", anh Hùng buồn rầu nói.
Và thế là bức màn bí ẩn được vén lên, nhưng đổi lại là cảnh tan hoang của một khu mộ thiêng đi cùng với đó là nét văn hoá người Mường Vĩnh Đồng đứng trước nguy cơ biến mất.
"Lâu nay người ta vẫn gọi là rừng mộ đá, tuy nhiên, chỉ bia là bằng đá, còn lại vẫn là những quan tài phía dưới lòng đất. Mức độ nông sâu, to bé, đồ đạc nhiều ít đều khác nhau. Khu mộ cổ này được chia làm hai. Một là khu mộ chìm, không khắc tên tuổi, nằm chìm dưới lòng đất và được ken dày đặc những lớp đá phía trên. Hai là khu mộ nổi, có khắc tên tuổi và nhiều phiến đá dựng lên xung quanh mộ", ông Hùng cho biết.
yume.vn