Không phồn hoa như thủ đô Seoul, hay lãng mạn như đảo Jeju…, kinh thành cũ Gyeongju cuốn hút du khách bằng vẻ đẹp của thời gian và bề dày lịch sử trên mỗi nóc nhà, góc phố.
> Choáng ngợp trước Seoul của xứ Hàn
> Tại sao du lịch Hàn Quốc phát triển?
> Đã miệng với galbi thịt nướng Hàn Quốc
Ở Gyeongju hay ở bất cứ điểm du lịch đông dân cư nào của Hàn Quốc, bạn luôn có thể dễ dàng tìm được các thông tin cần thiết.
Ngôi đền Sokkulam Grotto ở Gyeongju
Các trạm thông tin du lịch xinh xắn được bố trí khắp các khu dân cư và các điểm thắng cảnh, cung cấp miễn phí cho khách mọi thứ từ bản đồ, sách hướng dẫn cho tới bưu thiếp…
Công viên Tumuli ở Gyeongju.
Ở thành phố cố đô này, các nhà cầm quyền có chính sách quản lý và bảo tồn di sản rất chặt chẽ. Mọi công trình kiến trúc phải tuân thủ quy định về chiều cao, thiết kế, kiểu tường, ngói lợp… để không phá vỡ cảnh quan chung.
Chẳng cần kỹ tính cũng có thể nhận ra nét tương đồng giữa mọi công trình kiến trúc nơi đây: từ khách sạn, nhà ở, cửa hàng, siêu thị, cho tới trạm xăng… cùng màu sắc, kiểu dáng, mái lợp ngói cổ… Nét văn minh hiện đại cùng hòa trộn với văn hóa cổ dân tộc là minh chứng cụ thể cho thấy kết quả cũng những nỗ lực bảo tồn đầy hiệu quả.
Nếp nhà ở Gyeongju.
Là thành phố phát triển mạnh về du lịch, Gyeongju gợi nhiều liên tưởng tới Huế của Việt Nam, nhưng thời tiết mát và hơi lành lạnh lại giống Hà Nội hơn.
Khu hồ Bomunho là nơi tập trung chính với vô số các khách sạn. Bạn có thể dạo bộ quanh hồ, hay thuê một chiếc xe đạp ở gần đó với giá chừng 10.000 won/ngày để khám phá thành phố.
Ở thời kỳ vàng son của triều đại Silla (Tân La), triều đại mà đất nước Triều Tiên lần đầu tiên được thống nhất trọn vẹn, kinh đô Gyeongju khi đó là một trong những kinh thành lớn nhất thế giới. Những khu đền đài, chùa tháp, kiến trúc của thời kỳ này còn in đậm dấu ấn và ảnh hưởng mãi về sau.
Vườn hoa anh đào nở rộ trong không gian tĩnh mịch ở Gyeongju.
Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc đã công nhận 3 di sản văn hóa thế giới tại đây. Đó là chùa Phật Quốc Bulguksa cùng hang Phật Seukguram; vườn quốc gia Gyeongju và làng văn hóa Yangdong – nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc về cư dân Triều Tiên cổ xưa.
Phật Quốc tự – Bulguksa
Bulguksa có nghĩa là “ngôi chùa của nước Phật”. Tên gọi này có được bởi lẽ, không chỉ triều đình mà cả những người dân sống dưới triều đại Silla vàng son đều cho rằng đất nước của mình chính là miền đất Phật.
Phật Quốc tự – Bulguksa
Nơi đây lưu giữ 7 bảo vật quốc gia, gồm có: tháp đá Dabotap – Đa Bảo tháp (số 20), tháp đá Seokgatap – Thích Già tháp (số 21), đôi cầu Liên Hoa và cầu Thất Bảo (số 22), đôi cầu Thanh Vân và cầu Bạch Vân (số 23), tượng Phật thiền định (số 26), tượng phật A-di-đà (số 27), và tháp xá lợi có hình dáng như một chiếc đèn lồng bằng đá (số 61).
Vùng đất này chứa đầy lịch sử, mà mỗi địa danh, mỗi điểm dừng chân đều gắn liền với những câu chuyện mang đậm màu sắc văn hóa.
Ví ngay như cặp tháp đôi lừng danh Dabotap và Seokgatap, mà bất kỳ ai khi mới đặt chân tới Hàn Quốc đều có thể thấy ngay hình ảnh trên đồng xu 10 won.
Nhưng còn câu chuyện truyền thuyết liên quan tới tòa tháp “không soi bóng” này thì không phải ai cũng biết.
Một ngôi chùa trong phật quốc tự Bulguksa.
Truyện kể rằng, chàng thợ xây nổi tiếng Asadal được triệu tập đi xây tòa tháp đôi ở Phật Quốc tự, phải để lại người vợ trẻ Asanyeo ở nhà. Chờ đợi mỏi mòn, Asanyeo đi bộ tới Gyeongju để thăm chồng.
Nhưng nàng chỉ đến được cổng chùa mà không được vào vì sợ rằng sẽ làm xao nhãng công việc của Asadal. Người ta cho phép nàng đợi ở bên hồ Yongji để có thể nhìn thấy hình bóng chồng mình đang làm việc phản chiếu qua mặt nước.
Thế nhưng, Asadal khi đó lại làm việc ở nơi khác.Tuyệt vọng trong chờ đợi, nàng đã gieo mình xuống hồ tự vận. Truyền thuyết kể rằng, bóng của tòa tháp Seokgatap không bao giờ in xuống nơi nàng Asanyeo đứng chờ chồng. Vì vậy, nó còn có tên gọi là Muyeongtap (tòa tháp không soi bóng).
Trải qua những thăng trầm của lịch sử và nhiều biến động thời gian, phần kiến trúc chùa bằng gỗ đã từng bị thiêu rụi trong chiến tranh rồi được phục dựng, thế nhưng phần kiến trúc bằng đá vẫn còn nguyên vẹn như lúc được xây từ thế kỷ thứ 8 không khỏi làm khách tham quan sững sờ.
Ngày nay, Bulguksa là một trong số các địa điểm tham quan học tập dành cho học sinh Hàn Quốc.
Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh từng đoàn học sinh đủ mọi cấp học, nối thành đoàn dài vào chùa tham quan. Các em háo hức với mọi ngóc ngách của khu di tích, tỉ mẩn ngồi xếp từng viên đá nhỏ trong khu vườn tháp, hay chăm chỉ ngồi lắng nghe từng lời hướng dẫn về lịch sử nơi này.
Chuyến thăm quan cũng là một phần trong môn học ngoại khóa ở trường. Đây cũng là cách lồng ghép lịch sử, văn hóa vào học đường một cách rất hiệu quả.
Trong những điểm đến tiếp theo, như Đại lăng uyển, hồ Anapji hay bảo tàng quốc gia, bạn còn gặp nhiều nữa những lớp học dã ngoại như thế này.
Phượt thủ Hoàng Yến/Ihay