Những người khai thác mỏ ở Ba Lan đã liên tục đào những lớp muối lên và rồi để lại một công trình độc đáo khiến nhiều người phải bất ngờ khi ghé thăm.
Tọa lạc gần thành phố Krakow (một trong những đô thị cổ và lớn nhất tại miền nam Ba Lan), Wieliczka là thị trấn nhỏ chỉ khoảng gần 20.000 người. Được thành lập từ thế kỷ thứ 12 bởi một người tên Duke nhằm phục vụ cho việc khai thác muối bên dưới lòng đất. Đến năm 1996, các thợ mỏ còn làm được nhiều hơn cả việc đào muối, họ khắc những phù điêu, hình nhân tả lại lịch sử và tôn giáo. Thậm chí nhà thờ để cầu nguyện cũng được xây dựng và công trình đáng ngạc nhiên nhất có lẽ khu thánh đường lớn dưới mặt đất mà họ đã để lại.
Nhìn từ bên ngoài, mỏ muối Wieliczka không có vẻ gì khác thường. Đó là một hầm mỏ còn khá nguyên vẹn được bỏ lại sau hơn 10 năm không có người lao động. Sâu 200 m dưới mặt đất là một bí mật, mỏ muối cũ nay đã được biến thành phòng trưng bày nghệ thuật, thánh đường và hồ nước.
Tòa nhà với lối dẫn vào mỏ muối trông bình dị nhưng ẩn chứa rất nhiều bí mật bên trong. Ảnh: Magro_kr/Flickr.
Bạn có thể cảm thấy mình đang trong chuyến hành trình vào tâm trái đất trong tác phẩm cùng tên của nhà văn người pháp Jules Verne. Sau 150 m bậc thang gỗ, du khách sẽ đối diện với một khu vực ấn tượng, nhà thờ Saint Kinga. Người Ba Lan đã có nhiều thế kỷ theo Thiên Chúa Giáo và những gì họ thể hiện nơi đây không phải sở thích mà chính là niềm tin mạnh mẽ vào tôn giáo.
Đáng ngạc nhiên là, ngay cả những chiếc đèn chùm trong nhà thờ cũng được làm từ muối. Tất nhiên không đơn thuần là muối lấy trong mỏ rồi làm ra những giá đỡ trắng mà phải qua quá trình tinh chế khá phức tạp đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn. Ngoài ra, du khách sẽ còn bất ngờ hơn khi nhận ra những tảng đá muối không trắng muốt như họ thường thấy bán trong các siêu thị, đôi khi chúng có màu xám hay xanh granite.
Ngọn đèn chùm được làm từ muối lung linh tỏa sáng trong lòng mỏ. Ảnh:Dimitry B/Flickr
Mỗi năm, có hơn 1 triệu du khách (chủ yếu từ Ba Lan và các quốc gia Đông Âu) đến thăm mỏ Wieliczka để tìm hiểu muối đã được khai thác ra sao, và cuộc sống tinh thần phong phú của những người thợ mỏ.
Vì những lý do an toàn, chỉ có chưa đầy 1% diện tích mỏ được mở cửa cho du khách nhưng chừng đó cũng đã chiếm 4 km chiều dài, đủ làm những bước chân phải hoạt động liên tục từ 1 – 2 giờ. Mỏ muối được đóng bởi 2 lý do, giá cả trên thị trường xuống thấp mà chi phí khai thác tăng cao và mỏ đang dần bị ngập nước, đây cũng là một trong những nguyên nhân du khách bị hạn chế khu vực tham quan.
Trong lòng mỏ, nổi bật là các tác phẩm điêu khắc giàu thẩm mỹ liên quan đến Thiên Chúa Giáo. Nhiều phù điêu như chúa Jesus xuất hiện bên các tông đồ hay bữa ăn cuối cùng – The Last Supper được tạc thẳng vào vách mỏ. Bất cứ du khách nào cũng phải thán phục tài năng và khả năng sáng tạo bất tận của những thợ mỏ, đặc biệt là trong môi trường làm việc cực kỳ khắc nghiệt và bận rộn suốt giai đoạn thế kỷ 19.
Khá bất ngờ là mỏ muối đã xuất hiện trong danh sách di sản thế giới của UNESCO từ năm 1978 nhờ những mảng điêu khắc tinh xảo và giàu tâm hồn. Không chỉ có những phù điêu nhỏ, nhiều bức tượng lớn hình người đôi khi mất hàng tháng thậm chí nhiều năm để tạo nên. Dưới lòng đất, có khá nhiều thứ để tìm hiểu về người thợ mỏ, từ những máy móc đến công cụ mà họ sử dụng, đặc biệt là tâm hồn giàu chất nghệ sỹ mà họ gửi gắm vào từng tác phẩm.
Trong lòng thánh đường với nhiều tượng và phù điêu về Thiên Chúa Giáo nay được gìn giữ cẩn trọng. Ảnh: Teachandiearn/Flickr
Nhà nguyện với đầy đủ bàn, ghế và bàn thờ chúa trang hoàng rất đẹp mắt trong lòng mỏ. Ảnh Teachandiearn/Flickr
Trận lụt lớn năm 1992 đã làm mỏ muối hoàn toàn mất chức năng họat động và hiện tại trở thành điểm thu hút du khách. Nước biển vẫn xâm nhập vào mỏ và bốc hơi để lại muối nhưng không nhiều so với trước đây.
Khu hồ nước dưới mỏ được chiếu sáng bằng đèn điện và nến mang lại không gian huyền hoặc. Mặt nước phẳng như gương phản chiếu khu hầm mỏ và các bức tượng Thiên Chúa Giáo có lẽ đã mang đến cảm giác an bình và được che chở cho những người thợ mỏ cần cù.
Xem thêm: Du lịch châu Âu
Vnexpress