Đến Peru, bên cạnh kỳ quan thế giới mới Machu Picchu, những hòn đảo trôi Uros trên hồ Titicaca luôn là điểm đến không thể bỏ qua…
Vào những năm 1940, tạp chí National Geographic đã làm thế giới ngạc nhiên khi lần đầu tiên xuất bản hình ảnh của quần đảo Uros ở Peru.
Uros – hòn đảo kỳ lạ
Quần đảo Uros không chỉ nổi tiếng vì nằm trên hồ Titicaca (hồ cao nhất thế giới có thể di chuyển bằng thuyền lớn), mà còn vì những hòn đảo này đều là đảo nhân tạo và làm bằng… cây sậy.
Từ thành phố Puno, chỉ cần một số tiền nhỏ, ngồi thuyền chừng 15 phút, bạn đã có thể đặt chân lên những hòn đảo nổi kỳ lạ này để có trải nghiệm thú vị mà không thể tìm thấy bất cứ nơi nào khác.
Bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị mà không đâu trên thế giới này có được
Ở đây, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác đi bộ trên đảo làm bằng sậy, êm ái như đi trên một chiếc giường nước, cũng như tham quan nơi ở của cư dân đảo Uros.
Uros là một trong những bộ tộc lâu đời nhất của Nam Mỹ (thậm chí nhiều người cho rằng nó còn có trước nền văn minh Inca nổi tiếng). Tuy nhiên, vì muốn thoát khỏi sự thống trị của đế chế Inca, người Uros đã rời đất liền đến hồ Titicaca để sinh sống.
Cuộc sống của người dân trên đảo lau sậy
Người Uros không sợ đói vì hồ Titicaca (diện tích lưu vực 58.000 km2) có lượng thuỷ sản dồi dào. Còn chỗ ở? Cư dân ở đây đan những mảng lau sậy chết vào nhau để làm nền, sau đó đắp thêm những lớp sậy mới cho đến khi chúng có độ dày khoảng hai mét.
Chính những khối rễ dưới cùng khi phân hủy tạo ra những loại khí tự nhiên giúp nâng hòn đảo nổi trên mặt nước. Và như thế, một hòn đảo mới được hình thành. Với cấu tạo đặc biệt như thế nên người dân phải “neo” đảo của mình xuống đáy hồ nếu không muốn hòn đảo… trôi mất.
Phụ nữ mang những chiếc váy đầy màu sắc phủ đến đầu gối, mang len áo khoác ngoài và đầu đội một chiếc mũ như quả dưa nhỏ. Họ mặc nhiều lớp quần áo, chủ yếu là len, để bảo vệ khỏi cái lạnh, gió và mặt trời ở độ cao 4.000 m
Mỗi hòn đảo này có tuổi thọ khoảng 30 năm. Và cứ mỗi hai, ba tháng, nó phải được phủ thêm một lớp sậy mới thay cho lớp dưới bị phân hủy.
Cũng may, sậy ở hồ Titicaca nhiều vô kể, chen nhau mọc thành từng mảng lớn, dày đặc nên cư dân Uros không phải lo lắng về “nguyên liệu” làm đảo.
Lau sậy, một nguyên liệu gần như vô tận ở đây
Nhờ du lịch, đảo nổi đã chứng kiến một sự tăng trưởng chưa từng có từ khi thế giới biết đến kỳ quan độc đáo này.
Cách đây chưa đến chục năm, số lượng đảo nổi trên hồ Titicaca chỉ trên dưới 40 (mỗi đảo từ 3 – 5 gia đình), nhưng bây giờ đã có 57 hòn đảo nổi. (Và số hòn đảo có thể tăng lên con số 58 ngay trong ngày hôm sau nếu giữa những gia đình có tranh chấp, họ sẽ cắt hòn đảo làm đôi và đẩy một phần ra đủ xa để tránh xung đột).
Bạn có thể trả thêm chừng 10 soles (khoảng 80.000 đồng) cho một chuyến đi thuyền (cũng làm từ lau sậy) khoảng 10 – 15 phút để đến một hòn đảo khác.
Thuyền cập bến, bạn sẽ được cư dân đảo đón tiếp nồng hậu
Điều lưu ý nhỏ cho bạn là… dùng kem chống nắng vì ánh nắng mặt trời ở độ cao này khá nguy hiểm. Mỗi năm ở đây đều có vài khách du lịch được đưa vào bệnh viện vì bỏng nắng.
Nếu may mắn, khi chiếc thuyền sậy rời bến, nhìn về phía xa, bạn có thể quan sát vài người dân địa phương đang cắt sậy, bó thành những bó lớn chuẩn bị đợt lót nền mới.
Tập quán sống từ mấy trăm năm trước vẫn được người dân Uros gìn giữ cho đến ngày hôm nay.
Ihay