Sân bay Tenzing-Hillary ở Lukla, Nepal là thử thách lớn với các phi công khi họ phải hạ và cất cánh trên phi đạo ngắn, hẹp và dốc kỷ lục.
Đường băng ngắn và hẹp, điểm cất và hạ cánh sát một vỉa đá bên dưới là vực sâu hun hút đã biến Tenzing Hillary thành sân bay đáng sợ nhất thế giới. Tuy nhiên, do thị trấn Lukla là cửa ngõ đến Himalaya, đây lại là sân bay bận rộn nhất Nepal. Các nhà leo núi trước khi bắt đầu hành trình lên đỉnh Everest thường phải bay đến đây trước. Với nhiều người từng chinh phục các đỉnh cao, ngồi trên máy bay khi hạ cánh xuống Tenzing-Hillary đôi khi còn đáng sợ hơn leo lên ngọn Everest, đặc biệt trong những ngày thời tiết xấu.
Đường băng ngắn và hẹp kỷ lục của sân bay Tenzing-Hillary. Ẩnh: Himalayas-trekking-pictures.
Cho dù là một ngày nắng đẹp, sân bay cũng chỉ có thể mở cửa trong vài giờ (sau 6h30 sáng và trước 3h30 chiều) – thời điểm ít sương và không có gió mạnh. Mùa cao điểm khoảng tháng 10, sân bay có thể đón đến 50 chuyến mỗi ngày (gồm cả máy bay dân dụng và trực thăng) với khoảng 500 hành khách.
Nằm trên mình một ngọn núi cách mực nước biển 3.000 m, sân bay này do ngài Edmund Hillary cho xây dựng và khánh thành cuối năm 1964 đầu 1965, 12 năm sau ngày ông trở thành người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest. Ngày nay, các tay leo núi có thể lên máy bay từ thủ đô Kathmandu và đến Lukla trong vòng 2 giờ thay vì phải ngồi xe buýt cả ngày và sau đó tiếp tục đi bộ 5 ngày như trước.
Chỉ những máy bay cỡ nhỏ mới đáp được xuống sân bay đặc biệt này. Ảnh: Himalayas-trekking-pictures.com
Nhưng bạn sẽ không thấy bất cứ chiếc máy bay loại Boeing hay Airbus xuất hiện tại sân bay này. Đường băng trải nhựa đường rộng khoảng 20 m và dài 420 m chỉ có thể tiếp nhận các máy bay cỡ nhỏ như Twin Otter hay Dronier có sức chứa dưới 20 người. Với độ dốc 12%, đây cũng là sân bay dốc nhất thế giới. Máy bay sẽ phải bay quanh mỏm núi và hạ cánh theo kiểu leo dốc, qua đó sẽ giúp giảm tốc độ nhưng phi công cũng phải hết sức khéo léo và cẩn thận trong việc điều khiển cánh và động cơ bởi sau khi máy bay tiếp đất, trước mặt họ là vách đá dựng đứng. Việc định vị cũng chỉ được thực hiện bằng các dấu hiệu và đèn báo. Trước khi đến nơi khoảng 35 dặm, các phi công mới có thể biết chính xác về tình trạng thời tiết và họ phải đối phó với những đám mây dày và gió mạnh nhằm đảm bảo an toàn.
Vijay Lama, phi công thường xuyên bay chặng Kathmandu – Lukla cho biết không phải ai cũng có thể hạ cánh tại Tenzing-Hillary, bạn cần rất nhiều thời gian để thực tập và tích lũy kinh nghiệm cho việc đáp xuống đây và không phải ai cũng thành công. Hạ cánh, chỉ cần tính toán sai 1m – 2 m có thể dẫn đến việc máy bay bị trượt qua hàng rào rồi đâm vào núi. Cất cánh, nếu không đạt đủ vận tốc nâng trước khi hết đường băng sẽ khiến máy bay rơi xuống vực.
Nhìn từ buồng lái, sân bay Tenzing-Hillary nằm lọt thỏm giữa rặng núi. Ảnh:wikimedia.
Tenzing-Hillary từng chứng kiến một số tai nạn. Năm 1973 và 1991, hai chiếc máy bay của hãng hàng không Royal Nepal DHC-6 bị rơi khi bay từ Kathmandu đến. Năm 2004, chiếc Twin Otter của Yeti Airlines hạ cánh không thành công làm 3 người thiệt mạng. Tai nạn lớn nhất vào tháng 10 năm 2008 khi chiếc Twin Otter cũng của Yeti Airlines trong thời tiết sương mù dày đặc bị bốc cháy khi hạ cánh làm 18 hành khách tử vong.
Nhiều du khách trong các chuyến bay cho biết họ hoàn toàn không thể tưởng tượng làm cách nào mình có thể hạ cánh vì không hề thấy khu đất bằng phẳng nào xung quanh. Trải nghiệm này rõ ràng là một thử thách không kém phần hồi hộp so với việc leo núi.
Vnexpress